PCI 2019: Tăng hơn 3 điểm, Hà Nội trụ vững ở nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt

ANTD.VN - Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 tiếp tục ghi nhận sự nỗ lực của chính quyền TP Hà Nội trong cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn.

PCI 2019: Tăng hơn 3 điểm, Hà Nội trụ vững ở nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt ảnh 1

Doanh nghiệp đang có môi trường kinh doanh tốt dần lên

Hà Nội tăng hơn 3 điểm 

Sáng nay (5-5), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ công bố trực tuyến “Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019”.

Theo đó, năm 2019, Hà Nội tiếp tục trụ vững vị trí thứ trong bảng xếp hạng ở vị trí số 9, thuộc nhóm các địa phương có chất lượng điều hành tốt. Trong bối cảnh các địa phương đều nỗ lực cải cách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, điểm số trung bình đều tăng lên thì để giữ được vị trí này, Hà Nội với vị trí quan trọng về chính trị- kinh tế cả nước đã phải có nỗ lực rất lớn.

Từ năm 2015 đến nay, điểm số của Hà Nội đã tăng liên tiếp. Cùng xếp vị trí thứ chín nhưng năm 2018, Hà Nội được 65,40 điểm. Trong khi đó, năm 2019, Hà Nội đã nỗ lực cải thiện, được 68,80 điểm.

Trong các chỉ số thành phần, Hà Nội được đánh giá cao nhất về gia nhập thị trường, đạt 7,98 điểm. Thực tế cho thấy Hà Nội có nhiều cải cách trong thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp; Tiếp đến là đào tạo lao động 7,91 điểm; chi phí thời gian được 7,18 điểm; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp được 7,06 điểm.

Năm 2019, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để giảm chi phí không chính thức, tăng cạnh tranh bình đẳng và tăng tính minh bạch cũng như tính năng động của chính quyền. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn dư địa để cải cách các yếu tố này.

Tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2019 năm thứ ba liên tiếp là Quảng Ninh (73,40 điểm), kế đến là Đồng Tháp (72,10 điểm), Vĩnh Long (71,30 điểm) và Bắc Ninh (70,79 điểm).

Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu bao gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Long An, Hà Nội và Hải Phòng. Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Bà Rịa-Vũng Tàu…

Ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, vẫn giữ vị trí “quán quân” song năm 2019, Quảng Ninh so với chính mình tăng thêm 3 điểm, 8/10 điểm số thành phần PCI đều tăng lên.

“Trong top 10, top 20 bảng xếp hạng PCI có nhiều thành phố lớn. Bên cạnh thuận lợi về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, chất lượng điều hành các thành phố được đánh giá cao, là đầu tầu cho sự phát triển của Việt Nam”- ông Đậu Anh Tuấn nói.

Nhóm cuối PCI 2019 là Lào Cai, Đắk Nông, Hà Giang và Bắc Kạn. Tuy nhiên, nhóm xếp hạng cuối PCI cũng đang có những cải cách mạnh mẽ.

Còn nhiều dư địa cải cách

Điều tra PCI năm 2019 cho thấy chất lượng điều hành kinh tế các địa phương đã giữ vững được xu hướng cải thiện theo thời gian. Một số chuyển biến rõ nét bao gồm mức độ năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng, công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp đã có những cải thiện rõ rệt, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, các doanh nghiệp gặp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố, gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục giảm, cải cách hành chính có kết quả tích cực…

Dù vậy, không gian cải thiện vẫn còn rất lớn với chính quyền các địa phương, đó là việc tăng cường minh bạch thông tin đấu thầu, mua sắm công, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực, đặc biệt là những thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng, thủ tục liên quan tới quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quyết định chủ trương đầu tư…

PIC 2019 cũng chỉ ra 5 vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp dân doanh đang gặp phải, bao gồm: tìm kiếm khách hàng (63%), tiếp cận vốn (35%), tìm kiếm nhân sự thích hợp (34%), tìm kiếm đối tác kinh doanh (28%) và biến động thị trường (27%).

“Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có gặp nhiều khó khăn hơn so với các doanh nghiệp lớn. Khó khăn của doanh nghiệp chắc chắn sẽ còn nghiêm trọng hơn trong năm 2020 và thời gian tới bởi những tác động tiêu cực do bùng phát dịch bệnh Covid-19. Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ tạm dừng hoạt động, thậm chí phá sản. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương”- Báo cáo PCI 2019 nêu rõ.

Phát biểu tại lễ công bố, ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế thị trường tại Việt Nam. Cảm nhận của kinh tế tư nhân định hình tương lai của kinh tế của Việt Nam”.

Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, PCI 2019 cho thấy điểm trung vị của các địa phương ca nhất từ trước tới nay, cho thấy sự cải cách đã đồng đều hơn. Có tới gần 80% doanh nghiệp hài lòng với cơ quan công quyền.

Giữa năm 2019, khi PCI được tiến hành khảo sát, có tới 50% doanh nghiệp trong và ngoài nước cho biết tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Riêng năm 2019, bình quân mỗi ngày có 380 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, quy mô vốn tăng lên. Điều này chứng tỏ những cải cách của các địa phương đã tác động tích cực đến doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc công bố PCI thường niên không phải chỉ nằm ở thứ hạng, mà là những bài học kinh nghiệm, mô hình và công nghệ được chia sẻ; cho thấy khoảng cách cần khép lại giữa nỗ lực của chính quyền và kỳ vọng của người dân.  

Chỉ số PCI do VCCI và USAID hợp tác xây dựng từ năm 2005 để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Báo cáo PCI 2019 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.500 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 11.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 21 địa phương tại Việt Nam.