Parkson có thể bị kiện

ANTĐ - Với hành động đột ngột đóng cửa Trung tâm thương mại Parkson Landmark khiến tiểu thương bị thiệt hại, Parkson có thể bị kiện nếu không tự giải quyết được với các hộ kinh doanh. 

Parkson có thể bị kiện ảnh 1Tiểu thương dọn hàng ra khỏi Trung tâm thương mại Parkson Landmark

Ngày 6-1, trả lời câu hỏi của PV Báo ANTĐ về việc “liệu Parkson Landmark có thua lỗ thực sự?”, đại diện Cục Thuế thành phố Hà Nội cho hay: “Việc công khai thông tin của doanh nghiệp chỉ được thực hiện trong trường hợp doanh nghiệp có vi phạm, trây ì nộp thuế, nợ đọng hoặc khi có quyết định thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng”. 

Tuy nhiên, có thông tin cho rằng, Việt Nam là thị trường suy giảm trầm trọng nhất của nhà đầu tư đến từ Malaysia này. Được thành lập từ năm 1930 và hoạt động trong nhiều lĩnh vực, Tập đoàn Lion đã có mặt tại nhiều nước như: Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Myanmar, 

Singapore, Mỹ và Mexico. Tại Việt Nam, Lion có 9 Trung tâm thương mại Parkson, chuyên bán lẻ cao cấp chuyên nghiệp. Riêng Hà Nội có 2 trung tâm tại Thái Hà và Keangnam. Trung tâm thương mại này hiện kinh doanh hơn 300 nhãn hàng thuộc phân khúc cao cấp như: Coach, Christian Dior, Estée Lauder, Lancôme, Clinique, Shiseido, Gucci, Clarins, Lacoste, Guess, CK Jeans, Esprit, Levis, adidas, Nike... và các nhãn hiệu lớn trong nước như: Vera, Nino Maxx, N&M, An Phuoc… Tuy nhiên, không nhiều người tiêu dùng Việt Nam đến mua sắm tại trung tâm thương mại này.

Chị Vũ Thanh Phương (Thượng Đình - Thanh Xuân) cho biết: “Có lần tôi được bạn bè tặng 3 phiếu mua hàng của Trung tâm thương mại Parkson Thái Hà, trị giá mỗi phiếu 100.000 đồng. Tôi đến đây với ý định vừa tham quan, vừa mua sắm, nhưng để mua được một món đồ trong trung tâm thương mại này có giá 300.000 đồng là quá khó. Muốn mua một món hàng cũng phải bù vào tiền triệu. Thế nên, tôi chấp nhận bỏ phiếu mua hàng đó”. 

Từng được bạn bè rủ đến Parkson ngắm đồ thời trang và mua mỹ phẩm, chị Lê Lan Anh (Dịch Vọng Hậu - Cầu Giấy) chia sẻ: “Bước vào trung tâm thương mại này đã thấy choáng ngợp. Quá hào nhoáng và giá hàng hóa đắt đỏ khiến không ít người tiêu dùng ngại cả xem hàng, chỉ sợ không đủ khả năng mua. Tôi biết có vài thương hiệu quần áo cao cấp của doanh nghiệp trong nước bán tại đây, người dân có thể mua, nhưng tôi thấy mua ở hệ thống cửa hàng bên ngoài hoặc các đại siêu thị khác sẽ thích hơn bởi không khí gần gũi, ấm cúng”. 

Có thể nói, sự vắng vẻ của trung tâm thương mại chuyên kinh doanh hàng hiệu cao cấp tại Việt Nam không hẳn vì người tiêu dùng Việt Nam không đủ khả năng kinh tế mà còn ở cả không khí, cung cách phục vụ, kinh doanh chưa gần gũi với đa số người tiêu dùng. Phải chăng, vì vậy mà nhà đầu tư Malaysia nhận thấy càng kinh doanh, trung tâm thương mại này càng lỗ nên đã quyết định ngừng hoạt động, gây bất bình với các hộ kinh doanh tại đây?

Đại diện Cục Thuế thành phố Hà Nội cho rằng, với quyết định chấm dứt hợp đồng giữa Parkson Landmark và các hộ kinh doanh, nếu Parkson Landmark vi phạm về thời hạn sẽ phải đền bù thiệt hại cho các hộ kinh doanh. “Nếu hai bên không tự thỏa thuận được thì bên thuê mặt bằng có thể khởi kiện Parkson” - đại diện Cục Thuế nói.

Xét về phương diện pháp lý, luật sư Tạ Quốc Cường - Giám đốc Công ty Luật hợp danh Sự Thật cho biết, căn cứ trên hợp đồng đã ký kết về việc thuê mặt bằng giữa tiểu thương và bên cho thuê, nếu hợp đồng có đầy đủ tính pháp lý và còn hiệu lực thì bên bị thiệt hại có quyền khởi kiện, đòi bồi thường. Liên quan đến việc cho thuê lại mặt bằng qua nhiều trung gian, ông Tạ Quốc Cường nói: “Nếu bên trung gian có đầy đủ tư cách pháp nhân để ký hợp đồng với tiểu thương thì hợp đồng vẫn có hiệu lực và bên bị hại được bồi thường theo quy định”.