Palestine đệ đơn xin gia nhập 16 công ước và hiệp định quốc tế

ANTĐ - Ngày 2-1, Liên Hợp Quốc (LHQ) xác nhận đã nhận được bản sao các tài liệu của Palestine xin gia nhập 16 công ước và hiệp định quốc tế, trong đó có việc xin gia nhập Tòa án Hình sự quốc tế ICC.

Theo phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric, chính quyền Palestine đã đệ trình 16 đơn này lên Ban Thư ký LHQ hôm 1-1, trong đó có Quy chế Rome của Tòa án Hình sự quốc tế, và hiện “các tài liệu này đang được xem xét để có những quyết định tiếp theo”.

Quan sát viên thường trực của Palestine tại LHQ Riyad Mansour phát biểu trước báo giới cũng đã xác nhận thông tin này, và nhấn mạnh đây là bước đi quan trọng của Palestine trong việc mở đường để Palestine có thể kiện Israel ra Tòa án Hình sự quốc tế.

Trước đó, Tòa án Hình sự quốc tế đã công nhận quy chế nhà nước quan sát viên của Palestine tại LHQ. Do đó, việc đệ trình đơn xin gia nhập Tòa án Hình sự quốc tế là bước cuối cùng để Palestine có thể trở thành thành viên của tổ chức này.

Tổng thống Palestine Mahmud Abbas và TTK LHQ Ban Ki-moon tại trụ sở LHQ

Hôm 31-12, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas đã ký thông qua các văn bản xin gia nhập 20 công ước và tổ chức quốc tế, trong đó có Tòa án Hình sự quốc tế sau khi Hội đồng Bảo an LHQ hôm 30-12 đã bác bỏ dự thảo nghị quyết chấm dứt sự chiếm đóng của Israel đối với các vùng lãnh thổ của người Palestine và đặt thời hạn để thành lập một nhà nước Palestine có chủ quyền, với số phiếu 8/15.

Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu một ngày sau đó đã hối thúc Tòa án Hình sự Quốc tế bác đơn của Palestine với lý do Palestine "không được coi như một nhà nước".

Phát biểu sau lễ ký, ông Abbas cho rằng: “Những gì chúng tôi đã ký là quyền của chúng tôi nhằm thiết lập một nhà nước Palestine trên biên giới của các vùng lãnh thổ đã bị Israel chiếm đóng vào năm 1967 với đông Jerusalem là thủ đô theo các nghị quyết và luật pháp quốc tế”.

Ông Abbas đã bày tỏ sự hối tiếc rằng Palestine đã không nhận được 9 phiếu tối thiểu của Hội đồng Bảo an. “Chúng tôi đã hy vọng nhận được 9 phiếu, nhưng một quốc gia đã rút lui trong giây phút cuối cùng. Tôi cho rằng, cuộc xung đột tại khu vực này chỉ có thể được giải quyết bằng việc chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel và Palestine”.

Dự thảo nghị quyết này, do Jordan thay mặt người Palestine đệ trình, đặt thời hạn 1 năm để đàm phán với Israel, bao gồm: thiết lập mục tiêu cho chủ quyền của Palestine, trong đó có thủ đô ở đông Jerusalem; và kêu gọi “rút hoàn toàn và theo giai đoạn quân đội Israel” ra khỏi Bờ Tây vào cuối năm 2017.