Xe buýt Hà Nội sẽ "chết dần" nếu không được "vực dậy"

ANTD.VN - Nếu không có những chính sách thiết thực, đi vào cuộc sống thì vận tải khách công cộng (VTKCC) trên địa bàn Hà Nội sẽ “chết mòn” thay vì phát triển và đảm nhiệm vai trò quan trọng khi muốn hạn chế phương tiện cá nhân.

Giá rẻ không còn là yếu tố để xe buýt cạnh tranh

Mục tiêu được Sở GTVT Hà Nội đưa ra đối với VTKCC trên địa bàn Hà Nội là vào năm 2020, sẽ đảm nhận khoảng 15% và đến 2025 là 20% nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô, để tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân trên một số tuyến phố, giảm ùn tắc giao thông, cải thiện ô nhiễm môi trường.

Tuy vậy, đến nay, VTKCC trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn hoàn toàn dựa vào xe buýt mà chưa có thêm loại hình mới nào. Đường sắt đô thị mới đang xây dựng được 2 tuyến là Cát Linh- Hà Đông và Nhổn- Ga Hà Nội.

Bởi vậy, tính kết nối, đồng bộ sẽ chưa cao, kéo theo lượng khách di chuyển bằng phương tiện này cũng chưa thể là chủ lực trong 5-7 năm tới đây. Do đó, trong khoảng 5-10 năm tới, VTKCC trên địa bàn Hà Nội vẫn phải trông chờ vào xe buýt.

Lượng khách đi xe  buýt trên địa bàn Hà Nội đang có dấu hiệu giảm

Thực tế đến nay, phát triển VTKCC bằng xe buýt trên địa bàn Hà Nội đang có dấu hiệu thụt lùi, và nếu không có những chính sách thiết thực đi vào cuộc sống, thúc đẩy  thì xe buýt sẽ “chết mòn”.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, tăng trưởng VTKCC trên địa bàn Hà Nội đang có xu hướng không như mong muốn, 6 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng khách không cao, so với cùng kỳ năm 2018 thì mức tăng trưởng chưa tới 1%.

Hiện tại, mạng lưới xe buýt thành phố bao gồm 123 tuyến, bao phủ 100% các quận huyện, 98% các bệnh viên, 100% các trường học, 16% các khu công nghiệp, 90% khu dân cư. Toàn mạng lưới có 1.915 xe buýt, được đổi mới về chất lượng. Năng lực vận chuyển khoảng 1,2 triệu lượt khách/ngày. Giá vé hiện được bán phổ biến 7.000-9.000 đồng/lượt.

Trong khi, giá vé hiện được đánh giá không còn là yếu tố để xe buýt cạnh tranh với các loại hình phương tiện khác thì tính ổn định, hấp dẫn của xe buýt đối với người dân ngày một giảm dần.

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội, mỗi năm, mạng lưới xe buýt có khoảng 180.000 lượt điều chỉnh lộ trình, ảnh hưởng đến khoảng 3,5%/tổng số chuyến lượt.

Phủ sóng rộng, trợ giá nhiều nhưng khách giảm

6 tháng đầu năm 2019, xe buýt có tỷ lệ chậm chuyến từ 10-20 phút/lượt lên tới 50-60% dẫn đến hệ lụy biểu đồ chạy xe phá vỡ, thời gian chuyến đi kéo dài, tính hấp dẫn bị giảm đi rõ rệt. 

Đó còn chưa kể, trong hơn 3.000 nhà chờ trên mạng lưới tuyến xe buýt thì số có mái che chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Thêm vào đó, các nhà chờ xe buýt thường xuyên bị di chuyển, bị xâm phạm hay thu hồi.

Là lãnh đạo doanh nghiệp chủ lực về xe buýt trong mạng lưới VTKCC của Hà Nội, ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) thừa nhận, có thể nhìn thấy một viễn cảnh không xa, là xe buýt đang chết dần, và nếu không vực loại hình này dậy thì tương lai của VTKCC sẽ không biết đi về đâu.

“Thành phố không thể mỗi năm cứ bỏ ra 1.000 tỷ đồng để trợ giá xe buýt, với mục đích tăng tỷ lệ người dân dùng xe buýt, giảm xe cá nhân, giảm ùn tắc nhưng xe buýt thì thường xuyên chậm giờ, khách bỏ, lượng vận chuyển sụt giảm”- ông Nhật thừa nhận.

Theo đó, nếu  tình trạng này tiếp tục duy trì thì chắc chắn, thành phố sẽ cắt giảm dần trợ giá cho xe buýt, kéo theo đó sẽ phải cắt giảm tần suất lượt, thời gian chờ lâu và lượng khách giảm dần.

Viễn cảnh ùn tắc giao thông có thể trở thành thảm họa nếu không có giải pháp tức thì và quyết liệt. Đến một lúc nào đó, các phương tiện sẽ xếp hàng nối đuôi nhau trên đường do ùn tắc, bởi lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh, trong khi hạ tầng yếu kém. Vận tải công cộng không phát triển theo đúng quy hoạch và lộ trình đề ra”- lãnh đạo Transerco bày tỏ.

Để “vực dậy” xe buýt, các chuyên gia trong lĩnh vực vận tải cho rằng, thành phố cần có những chính sách cụ thể, thiết thực cho VTKCC và đặc biệt, những chính sách ấy phải chuyển thể vào thực tiễn. Bởi, giá vé của xe buýt hiện không còn là lợi thế để hút khách, mà là tính đúng giờ được đặt lên hàng đầu.

Do đó, nên tổ chức giao thông một cách hợp lý, một số tuyến đường như Nguyễn Trãi có điều kiện thì có thể bố trí làn đi riêng cho xe buýt. Còn như hiện nay, tốc độ trung bình của xe  buýt ở nội đô chỉ đạt 14-15km/h, không đáp ứng được yêu cầu của một bộ phận lớn người dân. Thêm vào đó, các mốc thời gian cố định cũng bị xáo trộn do việc tổ chức, sắp xếp lại giao thông; rồi hệ thống nhà chờ chưa đầy đủ, chưa tạo thuận lợi cho người dân...