Vì sao nhiều dự án bãi đỗ xe ngầm của Hà Nội vẫn chưa thành hiện thực?

ANTD.VN - Hiện nay, các điểm đỗ xe được cấp phép trên địa bàn Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của người dân. Còn lại, 90% phương tiện của người dân vẫn phải để ở vỉa hè, đường, sân chung cư, cơ quan…

Mới đáp ứng 10% nhu cầu

12 quận nội thành Hà Nội có khoảng 590 điểm đỗ xe, bãi đỗ xe tập trung với diện tích khoảng 37,88ha; khoảng 562 điểm trông giữa xe trên hè phố, lòng đường với tổng diện tích khoảng 17,06 ha.

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện nay, thành phố có gần 6,5 triệu phương tiện các loại, chưa kể các loại xe chuyên dùng và lượng xe ở ngoại tỉnh đổ về Hà Nội.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng các loại phương tiện giao thông đường bộ là quá nhanh (trung bình, đối với ô tô là khoảng 10,2%/năm và xe máy khoảng 6,7%/năm).

Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng diện tích đất dành cho giao thông đô thị/diện tích đất xây dựng mới chỉ đạt từ 0,25%- 0,3%/năm là chưa theo kịp với tốc độ gia tăng về phương tiện dẫn đến quá tải đối với hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị của thành phố (đặc biệt là khu vực đô thị trung tâm), trong đó có hệ thống giao thông tĩnh.

Do chưa có cơ chế, chính sách nên việc huy động vốn xã hội hóa làm bãi xe ngầm còn gặp trở ngại

Tại Hà Nội, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có, còn lại khoảng 90% số phương tiện có nhu cầu đỗ hiện nay đang đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, công sở, lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, sân trường, bệnh viện, các khu đất trống của các dự án...

Xin cơ chế để hiện thực hóa bãi đỗ xe ngầm

Liên quan đến 6 dự án bãi đỗ xe ngầm mà Hà Nội đã lên kế hoạch xây dựng (bãi đỗ xe ngầm ở sân vận động Quần Ngựa, Công viên Thống Nhất, Cung Văn hóa Hữu nghị, trước cửa Nhà hát Lớn, Công viên Thủ Lệ...), ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, thời gian qua, sau khi có chủ trương cho các nhà đầu tư nghiên cứu đối với các dự án này, công việc chính được tập trung triển khai là tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết, cơ chế quản lý và thực hiện quy hoạch đối với các dự án này.

Theo đó, công tác triển khai thực hiện nội dung công việc này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và thận trọng từ khâu khảo sát, đo vẽ hiện trạng đến xác định phạm vi danh giới cũng như định hướng quy mô các khu chức năng, khớp nối các quy hoạch liên quan và phải đáp ứng được các yêu cầu cơ bản.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GTVT thông tin, việc tổ chức nghiên cứu đề xuất và đánh giá trong quá trình nghiên cứu quy hoạch chi tiết gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc để lựa chọn được phương án tối ưu, hiệu quả.

Do đó, đối với các dự án này, UBND TP Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các chủ đầu tư/nhà đầu tư xem xét, giải quyết. Đến nay, các vấn đề liên quan đến định hướng quy hoạch chi tiết đã cơ bản được thống nhất, giải quyết làm căn cứ pháp lý và cơ sở cho các chủ đầu tư/nhà đầu tư tổ chức triển khai thực hiện các dự án.

Trong quá trình chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách để đảm bảo tính khả thi cũng như hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao từ phía các nhà đầu tư. Bởi, kinh phí đầu tư các bãi đỗ xe ngầm rất lớn, dù một vài dự án đã có một số nhà đầu tư ngỏ ý xã hội hóa nhưng cần cơ chế thích hợp để hoàn vốn.

Sở GTVT cho biết, Hà Nội dự kiến đề xuất cơ chế để triển khai các bãi đỗ xe ngầm như cho phép nhà đầu tư được lồng ghép chức năng dịch vụ tiện ích, thương mại khi đầu tư xây dựng nhưng không làm thay đổi chức năng quy hoạch cơ bản của ô đất, cũng như công suất đỗ xe;

Được xem xét cho phép bán một số chỗ đỗ xe ngầm sau khi đầu tư xong; ưu đãi về vay vốn, tiếp cận nguồn vốn; ưu đãi về thuê đất, giao đất; ưu đãi trong việc sử dụng, áp dụng các công nghệ khoa học hiện đại tiên tiến cho dự án...

Theo quy hoạch bến, bãi đỗ xe của Hà Nội vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua, giai đoạn 2018-2025, Hà Nội dự kiến đầu tư 204 dự án tập trung tại khu vực nội đô, đạt diện tích đỗ xe khoảng 183,56 ha, tổng mức đầu tư dự báo khoảng 29.872 tỷ đồng (chủ yếu đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa).