Từ chối đăng kiểm đối với xe chưa nộp "phạt nguội" là đúng

ANTD.VN - Cục CSGT (Bộ Công an ) khẳng định, việc cơ quan đăng kiểm từ chối đăng kiểm đối với các phương tiện không thực hiện nộp “phạt nguội” khi vi phạm Luật Giao thông là hoàn toàn đúng.

Thời gian qua, việc triển khai hệ thống camera giám sát đã thể hiện được tính ưu việt trong việc bao quát, phát hiện các hành vi vi phạm về TTATGT tại mọi thời điểm. Tuy nhiên, hiện nay công tác xử lý vi phạm qua  hình ảnh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc lực lượng CSGT kết hợp với các cơ quan chức năng trong đó có cơ quan đăng kiểm giám sát, quản lý và buộc lái xe vi phạm phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình khi vi phạm Luật Giao thông là hoàn toàn đúng luật.

Lái xe vi phạm đến nộp phạt thấp

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn pháp luật về ATGT, Cục CSGT cho biết: Hiện công tác xử lý vi phạm hành chính qua camera đang được triển khai tại các tỉnh, TP gồm: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Biên Hòa (Đồng Nai), Bạc Liêu, Cần Thơ, Nghệ An, Phú Yên…. và một số tuyến cao tốc. Trong thời gian qua hệ thống camera xử phạt đã phát huy hiệu quả rất lớn, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm.

Hệ thống camera giám sát, xử "phạt nguội" của CSGT đã phát huy hiệu quả trong công tác giám sát, xử lý, nâng cao ý thức người tham gia giao thông

Thống kê của Cục CSGT cho thấy, từ ngày 1/1/2017 đến ngày 30/9/2017, thông qua hệ thống camera giám sát, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP Hà Nội đã phát hiện 4.889 trường hợp vi phạm, có 3.600 trường hợp đến chấp hành quyết định xử phạt = 73,6%; Phòng CSGT CATP Hồ Chí Minh phát hiện 13.075 trường hợp vi phạm, có 6.058 trường hợp đến chấp hành quyết định xử phạt = 46,3 %; Phòng CSGT CATP Đà Nẵng phát hiện 10.131 trường hợp vi phạm, có 4.716 trường hợp đến chấp hành quyết định xử phạt = 46,6%;

Bên cạnh những tỉnh, thành phố người vi phạm đến chấp hành nộp phạt cao thì vẫn còn nhiều tỉnh, thành lái xe vi phạm không đến thực hiện quy định nộp phạt. Nguyên nhân được Cục CSGT chỉ ra, gồm người dân chuyển chỗ ở nên không nhận được thông báo vi phạm của cơ quan Công an để đến cơ quan Công an xử lý vi phạm; Người dân không làm thủ tục sang tên đổi chủ khi mua bán phương tiện nên không nhận được thông báo vi phạm của cơ quan Công an để đến cơ quan Công an xử lý vi phạm; Người vi phạm cố tình không chấp hành, chủ phương tiện không hợp tác tìm ra người vi phạm…

Gắn trách nhiệm với nâng cao ý thức của lái xe

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cũng khẳng định: Cơ sở pháp lý trong việc xử lý vi phạm qua hình ảnh và việc CSGT phối hợp cơ quan Đăng kiểm dừng đăng kiểm những trường hợp chủ phương tiện không hợp tác thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT được căn cứ vào những quy định cụ thể.

Theo đó, quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 165/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường; Thông tư 01/2016/TT-BCA của Bộ Công an quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung TTKS giao thông đường bộ, Thông tư 02/2016/TT-BCA của Bộ Công an quy định về quy trình TTKS và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của CSGT cho phép lực lượng CSGT sử dụng phương tiện kỹ thuật, thiết bị nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính. Trường hợp chưa dừng ngay được phương tiện để kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định, thì thực hiện việc thông báo đến chủ phương tiện, yêu cầu người vi phạm đến cơ quan Công an để giải quyết. (điểm b, khoản 2, điều 14 thông tư 01/2016/TT-BCA).

Ngoài ra, Luật Giao thông đường bộ (Điều 85) quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về giao thông đường bộ nêu rõ: Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông.

Những trường hợp lái xe vi phạm Luật Giao thông không đến nộp phạt sẽ bị CSGT chuyển hình ảnh, thông tin đề nghị cơ quan đăng kiểm từ chối đăng kiểm cho đến khi lái xe thực hiện quy định nộp phạt

Khoản 7 Điều 76 Nghị định 46/2016/NĐ – CP quy định: Trong trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, chủ phương tiện cơ giới đường bộ có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.

Khoản 6 Điều 4 Thông tư 70/2015/TT-BGTVT quy định không được kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định.

“Như vậy việc cơ quan đăng kiểm tạm thời chưa tiến hành đăng kiểm với các phương tiện nằm trong danh sách cơ quan CSGT thông báo về vi phạm hành chính giao thông đường bộ là có cơ sở. Chủ phương tiện có nghĩa vụ tới các đơn vị của CSGT để phối hợp làm rõ người thực hiện hành vi vi phạm”- Thượng tá Nguyễn Quang Nhật khẳng định.

Cũng theo đại diện Cục CSGT, đối với những lái xe vi phạm bị camera ghi lại, CSGT trích xuất camera, truy biển số xe tìm ra chủ phương tiện và gửi thông báo trực tiếp đến Công an phường, xã hoặc qua đường bưu điện 3 lần về địa chỉ nơi cư trú của chủ phương tiện. Khi có xác nhận đã có người nhận được thông báo mà chủ phương tiện (hoặc người vi phạm) không hợp tác chấp hành quyết định xử phạt thì CSGT gửi thông báo sang cơ quan Đăng kiểm để tạm thời dừng đăng kiểm và đề nghị chủ phương tiện hợp tác.

Khi chủ phương tiện đã đến cơ quan CSGT hợp tác chấp hành quyết định xử phạt về hành vi vi phạm do chính mình thực hiện, cũng như giúp tìm ra người vi phạm trong trường hợp cho thuê xe, cho mượn xe thì cơ quan Công an sẽ có thông báo trở lại cơ quan Đăng kiểm để chủ phương tiện thực hiện Đăng kiểm phương tiện theo quy định. Việc này là tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện và tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật  và để đảm bảo thực hiện triệt để quyết định xử phạt VPHC, tránh được các hành vi cố tình trốn tránh, không chấp hành quyết định xử phạt VPHC.

Thông tin với PV Báo ANTĐ, Cục CSGT cũng cho biết: Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tuyên truyền về hiệu quả phối hợp cơ quan Đăng kiểm trong việc giúp thực hiện triệt để quyết định xử phạt VPHC, tạo sức răn đe đối với người vi phạm, hạn chế các hành vi VPHC về TTATGT; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, chia sẻ dữ liệu giữa CSGT và Đăng kiểm để tránh phải thông báo đi, thông báo lại, rút ngắn thời gian bị gián đoạn đăng kiểm; Xây dựng, triển khai đồng bộ hệ thống tra cứu vi phạm điện tử trên cổng thông tin điện tử của Công an tỉnh, thành phố hoặc Phòng CSGT để người dân có thể tra cứu thông tin vi phạm qua biển số xe của mình (hiện CSGT TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đang thí điểm thực hiện).