Tổng kiểm tra đúng quy định và đúng thời điểm

ANTD.VN - Trong đợt ra quân tổng kiểm soát phương tiện nhằm lập lại trật tự ATGT trên toàn quốc diễn ra trong 1 tháng, lực lượng CSGT sẽ dừng xe kiểm tra mà không cần có dấu hiệu vi phạm. Theo các chuyên gia pháp lý và nhiều người dân, việc làm này được thực hiện đúng quy định, đúng thời điểm.

CSGT có quyền dừng xe kiểm tra ngay cả khi không có dấu hiệu vi phạm

Đúng quy định

Về căn cứ pháp lý để lực lượng CSGT dừng xe kiểm tra mà không cần lỗi ban đầu, một số cá nhân cho rằng, chỉ khi nào mình tham gia giao thông và phạm luật thì CSGT mới có quyền dừng xe, kiểm tra giấy tờ. Song, theo luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, điều này là không chính xác.

Điều 5, Thông tư 01/2016/TT-BCA về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT nêu rõ, CSGT được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, CSGT còn xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác theo quy định của pháp luật. Không chỉ có vậy, để bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn như: tạm giữ Giấy phép lái xe, Giấy đăng ký xe, giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật…

Mặt khác, khoản 2, Điều 12, Thông tư 01/2016/TT-BCA về các trường hợp dừng phương tiện của CSGT cũng nêu rõ, cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp: Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ; Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục CSGT hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên...

Ngoài ra, CSGT còn thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT, Trưởng phòng CSGT hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên…

Như vậy, CSGT hoàn toàn có quyền dừng xe và kiểm tra hành chính ngay cả khi không có dấu hiệu vi phạm. Để tránh bị xử phạt, người điều khiển phương tiện cần chấp hành các mệnh lệnh và chỉ dẫn của CSGT.

Đúng thời điểm

Là một trong nhiều người điều khiển phương tiện “bị” CSGT dừng xe kiểm tra hành chính vài ngày trước, chị Nguyễn Thu Hà ở đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, khi chiến sỹ CSGT ra hiệu lệnh dừng xe, chị hơi bất ngờ vì thấy mình đang chấp hành đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ. Tuy vậy, do đã biết thông tin về đợt tổng kiểm tra này, bản thân luôn mang theo đầy đủ giấy tờ nên chị Hà bình tĩnh dắt xe vào lề đường. Theo chị Hà, chỉ sau vài phút việc kiểm tra đã hoàn tất, đồng chí CSGT còn vui vẻ cảm ơn chị đã có thái độ thiện chí, hợp tác.

 “Trong thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, việc kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ đã bị tạm dừng. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã ngang nhiên vi phạm quy định an toàn giao thông, phóng nhanh vượt ẩu, tổ chức đua xe trái phép và chống đối người thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau khi kết thúc cách ly, tình hình vi phạm, tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Do vậy, tổng ra quân kiểm tra phương tiện giao thông là biện pháp cần thiết nhằm lập lại trật tự ATGT trên toàn quốc. Theo đó, lực lượng CSGT được phép dừng các phương tiện để tập trung xử lý các vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng ma túy, lỗi xe không chính chủ và các hành vi vi phạm khác... Có thể nói, đây là kế hoạch được triển khai đúng thời điểm, chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu đề ra” - chị Hà nhận định.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Lê Hồng Vân cho rằng, vào thời điểm trước và sau Tết, việc thực hiện Nghị định 100/2019/ NĐ-CP được triển khai khá nghiêm túc, người dân nhiệt tình ủng hộ.

Song, trong giai đoạn giãn cách xã hội, không ít cá nhân đã tự buông lỏng bản thân, vi phạm quy định. Do vậy, việc kiểm soát phương tiện giao thông ở thời điểm này nhằm góp phần lập lại trật tự kỷ cương, đặc biệt là các quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, từ đó giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Cũng theo luật sư Hồng Vân, trong những ngày qua, lực lượng CSGT đã tập trung kiểm tra, xử phạt như vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, chở hàng quá khổ, quá tải, không có GPLX hoặc đăng ký xe… Đặc biệt, qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực CSGT đã phát hiện nhiều loại tội phạm như ma túy, cướp giật, vận chuyển hàng lậu...

“Số liệu thống kê cho thấy, chỉ tính riêng từ 6h ngày 18-5 đến 6h ngày 19-5, CSGT trên cả nước đã dừng kiểm soát trên 64.100 trường hợp, lập biên bản  hơn 14.600 trường hợp, phạt tiền 10,2 tỷ đồng, tạm giữ 2.015 phương tiện… Những “con số biết nói” này đã minh chứng cho việc ra quân tổng kiểm soát phương tiện nhằm lập lại trật tự ATGT trên phạm vi toàn quốc là chính xác” - luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.