Sau xử phạt, vô số bãi xe trái phép vẫn ngang nhiên tồn tại

ANTD.VN - Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018, Đội Thanh tra giao thông (TTGT) quận Cầu Giấy, Hà Nội đã xử phạt 16 bãi trông giữ xe trái phép, với số tiền 56 triệu đồng. 

Sau xử phạt, vô số bãi xe trái phép vẫn ngang nhiên tồn tại ảnh 1Bãi giữ xe không phép ở khu vực chùa Trấn Quốc (Tây Hồ, Hà Nội)

Cùng với đó, lực lượng CSTT - CATP Hà Nội cũng liên tục tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm trông giữ xe vi phạm. Tuy nhiên, với lợi nhuận lớn nên nhiều chủ bãi trông giữ xe bất chấp quy định pháp luật, ngang nhiên hoạt động.

Bị phạt vẫn vi phạm

Là một trong những điểm vi phạm đã bị TTGT quận Cầu Giấy ra quyết định xử phạt 3,5 triệu đồng (ngày 29-1-2018), ngày 15-3, bãi đất cạnh bờ mương ngõ 78 phố Duy Tân vẫn tràn lan phương tiện. Cả một dải đất dài chạy dọc theo bờ mương trong ngõ được các đối tượng lấn chiếm, san lấp, làm bãi trông giữ trái phép từ xe đạp, xe máy, đến ô tô... Nhẩm tính với hàng trăm phương tiện được trông giữ trong ngày, số tiền mà các đối tượng thu được không hề nhỏ.

Ngoài điểm vi phạm này, dạo một vòng trên địa bàn quận Cầu Giấy, phóng viên phát hiện hàng chục điểm vi phạm trông giữ phương tiện khác vẫn ngang nhiên tồn tại. Tại địa chỉ 179 phố Trung Kính, ngày 23-10-2017, đã bị cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt hành chính với số tiền 3,5 triệu đồng song đến nay điểm vi phạm này vẫn chật kín xe.

Tại vỉa hè trong ngõ 299 phố Trung Kính, đối diện chung cư 113, nơi cách đây chưa lâu xảy ra vụ cháy chết người cũng vi phạm về trông giữ phương tiện, theo quan sát của phóng viên thì cả một đoạn vỉa hè dài hàng trăm mét được các đối tượng quây lại bằng khung sắt, che mái để trông giữ ô tô, xe máy. Người đi bộ đi qua đây chỉ còn cách phải xuống lòng đường bởi toàn bộ diện tích vỉa hè đã bị chiếm dụng.

Những địa chỉ như điểm trông xe tại trường cấp II - Yên Hòa, lô D32 phố Dương Đình Nghệ - Duy Tân; 132 đường Trần Vĩ; D27 số 1 đường Tôn Thất Thuyết; lô D32 phố Thành Thái, lô đất HTX Dịch Vọng... đều đã bị TTGT quận Cầu Giấy lập biên bản xử phạt song đến thời điểm này vẫn ngang nhiên tồn tại. So sánh số tiền phạt chỉ 3,5 triệu đồng với hàng trăm phương tiện được trông giữ, chắc hẳn chưa đủ sức nặng để khiến các đối tượng vi phạm chấp hành. 

Thông tin với phóng viên, đại diện Đội TTGT Cầu Giấy cho biết, trong năm 2017 đơn vị đã kiểm tra, xử lý 53 trường hợp vi phạm, với số tiền hơn 234 triệu đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2018, 16 bãi trông giữ xe trái phép, với số tiền 56 triệu đồng. Trong tổng số những bãi trông giữ xe bị xử phạt chủ yếu là bãi trông giữ xe trái phép, có nghĩa là được các tổ chức, cá nhân, đối tượng lấn chiếm, tự ý quây lại để trông giữ, thu tiền của người dân. Dù xử phạt “căng” như vậy, song đại diện TTGT quận Cầu Giấy vẫn thừa nhận, số tái phạm luôn cao, và đặc biệt là để giải quyết tận gốc vấn đề thì không hề đơn giản, đòi hỏi cần có sự vào cuộc của chính quyền cơ sở.

Phải giải quyết tận gốc

Nếu như ở các quận như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm... nơi giáp ranh với các huyện có nhiều khu dự án chưa triển khai thi công, quỹ đất còn trống khá nhiều, xảy ra tình trạng lập bến bãi trông giữ trái phép, thì tại các quận nội đô khác như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, vi phạm về trông giữ xe trái phép lại diễn ra ở vỉa hè, lòng đường.

Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện trên địa bàn thành phố có 1.200 điểm trông giữ phương tiện. Tuy nhiên, trong đó có 701 điểm có phép và 91 điểm không phép, hết hạn giấy phép. 408 điểm tại các khu vực đất công, đất dự án. Phòng CSTT - CATP Hà Nội đã phát hiện 156 điểm cấp phép trông giữ phương tiện trái với Quyết địnhh 15, 17 của UBND TP Hà Nội. Ngoài ra, còn phát hiện 13 điểm trông giữ phương tiện dưới gầm cầu với quy mô diện tích lớn không đảm bảo an ninh, an toàn công trình giao thông quốc gia.

Chỉ huy Phòng CSTT, CATP Hà Nội cũng cho biết, trong năm 2017, lực lượng CSTT đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 947 trường hợp. Có thể thấy các lực lượng chức năng đã vào cuộc chủ động và quyết liệt song những vi phạm này cho đến nay tại nhiều điểm vẫn ngang nhiên tồn tại. Ngoài những nguyên nhân khách quan như tốc độ phát triển phương tiện quá lớn, nhu cầu của người dân về chỗ để phương tiện cao, thì còn có sự chậm trễ, thậm chí thờ ơ đối với những vi phạm này của một số cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở.