Quy định pháp luật về việc xử lý xe máy đi vào đường cao tốc

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Tôi sống ở gần khu vực có đường cao tốc chạy qua, đã không ít lần chứng kiến nhiều người điều khiển xe máy do ngại đi đường vòng đã điều khiển xe chạy vào đường cao tốc, gây nguy hiểm cho chính bản thân mình và các phương tiện tham gia giao thông khác. Xin luật sư cho biết, hành vi này có vi phạm Luật Giao thông đường bộ không, mức xử phạt ra sao? Hoàng Thị Vân (Hà Nội)

Quy định pháp luật về việc xử lý xe máy đi vào đường cao tốc ảnh 1Xe máy đi vào đường cao tốc là vi phạm quy định về an toàn giao thông (Ảnh minh họa)

Luật sư Lê Hồng Vân trả lời:

Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác.

Đặc biệt, theo Điều 3, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đường cao tốc được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định Theo đó, người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc (khoản 4, Điều 26, Luật Giao thông đường bộ).

Quy định pháp luật về việc xử lý xe máy đi vào đường cao tốc ảnh 2Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Như vậy, xe máy không được đi vào đường cao tốc, trừ trường hợp làm nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b, khoản 5, Điều 6, Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Theo đó, phạt tiền từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Ngoài ra, theo điểm b, khoản 12, Điều 6, Nghị định 46/NĐ-CP, cá nhân vi phạm ngoài việc bị phạt tiền còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.