Quản lý taxi công nghệ như taxi truyền thống liệu có công bằng, hiệu quả?

ANTD.VN - Cùng với sự xuất hiện của Grab và Go-Viet, một lượng lớn “xe ôm công nghệ” đã tham gia vào hoạt động vận tải nhưng không được quản lý nên nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về mặt xã hội và an toàn giao thông. Bộ trưởng Giao thông đề xuất trước mắt quản lý như taxi với tất cả xe chạy theo hợp đồng điện tử. Quy định này sẽ được nêu tại Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, thay thế Nghị định 86/2014.

Bộ Giao thông vẫn đề xuất quản lý Grab, Fastgo như taxi

Trong báo cáo về các nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp 7 gửi đến Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông & Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết sau 2 năm thí điểm xe hợp đồng điện tử (Grab, Uber, Fastgo...) tại 4 tỉnh, thành phố đã có 14 đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng (13 doanh nghiệp Việt Nam và 1 nước ngoài), hơn 46.000 phương tiện tham gia ứng dụng hợp đồng điện tử.

Ứng dụng xe công nghệ Fastgo 

Ông Thể cũng cho biết, đang có xu hướng phân tách thành 2 loại đơn vị cung cấp phần mềm nền tảng chạy xe công nghệ. Loại thứ nhất, đơn vị cung cấp công nghệ chỉ đơn thuần cấp phầm mềm, không quyết định giá cước, không trực tiếp điều hành phương tiện và tuyển dụng lái xe... Các đơn vị này hưởng một tỷ lệ phần trăm nhất định từ doanh thu do đơn vị vận tải trả.

Tổng kết 2 năm thí điểm đã phát sinh nhiều bất cập. Bộ Giao thông & Vận tải cho hay một số đơn vị vận tải đã không chấp hành đúng các quy định khi không có phù hiệu xe hợp đồng; hợp đồng với đơn vị cung cấp phần mềm không phù hợp với quy định; không nộp thuế...

Ngoài ra, ông Thể cho biết thêm, dự thảo thay thế Nghị định 86/2014 sau nhiều lần tiếp thu, chỉnh sửa sẽ cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh cho taxi; cho phép tất cả loại hình kinh doanh vận tải được ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động vận tải.

Dự thảo cũng bổ sung quy định, làm rõ về khái niệm taxi, xe sử dụng hợp đồng điện tử; bổ sung quy định gắn hộp đèn để nhận diện phương tiện, cũng như trách nhiệm các Bộ, ngành trong quản lý kinh doanh vận tải...

Dự thảo được thông qua, các hãng taxi truyền thống là đối tượng được lợi nhất vì giảm được áp lực cạnh tranh. Tiếp đến là Bộ GTVT cũng giảm áp lực kiện cáo từ các hãng taxi truyền thống. Thiệt thòi nhất là các hãng taxi công nghệ và hành khách. Đặc biệt, lần này quyền quyết định đã được đẩy lên Thủ tướng Chính phủ.

Sự cạnh tranh giữa kinh doanh vận tải theo hợp đồng điện tử và taxi đã phát sinh nhiều kiến nghị từ các đơn vị kinh doanh taxi truyền thống. Trong khi đó cơ quan quản lý Nhà nước thiếu công cụ điều hành do chưa có quy định pháp lý về loại hình xe chạy theo hợp đồng điện tử.

Bộ GTVT đề xuất quản Grab như taxi truyền thống. 

Đáng nói, không giống như loại hình kết nối vận tải hành khách, GrabBike hay Gobike không kết nối với lái xe thông qua doanh nghiệp, hợp tác xã mà kết nối thẳng cá nhân lao động tự do. Chỉ cần vài thủ tục đơn giản với đơn vị cung cấp phần mềm là xong, không chịu bất kỳ sự quản lý nào.

Đối với người dân, quan tâm nhất đó là sự thuận lợi và chi phí cho chuyến đi, yêu cầu đối với đơn vị kinh doanh vận tải đó là an toàn cho khách hàng, thực hiện đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải và các quy định khác, như thuế, trách nhiệm đối với người lao động.

Có thể nói, những cuộc xung đột giữa hai thế hệ xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống chỉ là “tác dụng phụ” của quá trình phát triển xã hội. Nhưng để tình trạng này không kéo dài và trở thành vấn nạn của xã hội thì cần sự nỗ lực của tất cả các bên trong vấn đề hội nhập cũng như cách xử lý tình huống.

Nhiều nước quản lý taxi công nghệ như taxi truyền thống

Hiện nay, taxi công nghệ và taxi truyền thống đang được quản lý theo những cách khác nhau, dẫn tới không ít tranh cãi.

Cơ quan Giao thông đường bộ Singapore (LTA) nói rằng, cả hai dạng doanh nghiệp taxi này đều "cung cấp cùng một dịch vụ cơ bản là vận chuyển hành khách từ điểm này đến điểm khác", nhưng doanh nghiệp taxi truyền thống phải có giấy phép mới được hoạt động còn taxi công nghệ thì không.

Chủ trương siết kiểm soát taxi công nghệ nói trên được Singapore đưa ra hơn 5 năm sau khi những ứng dụng gọi xe như Grab trở nên phố biến ở nước này. Quy định mới nhằm mang lại sự bảo vệ tốt hơn cho cả hành khách và tài xế, và dự kiến sẽ không cho phép các hãng taxi công nghệ cấm tài xế của mình làm việc cho hãng khác.

Ảnh minh họa 

Trước đó, cuối năm 2017, Tòa Công lý châu Âu (ECJ) đã phán quyết, Uber là một hãng cung cấp dịch vụ vận tải, không phải một công ty kỹ thuật số. ECJ cho biết, “các nước thành viên vì thế có thể quản lý điều kiện kinh doanh dịch vụ này”.

Sau quy định này, nhiều nước châu Âu đã rộng đường quản lý những ứng dụng dạng như Uber. Điển hình là Đan Mạch, khi nước này thông qua luật mới yêu cầu tất cả các taxi, dù truyền thống hay công nghệ, đều phải có đồng hồ tính tiền. Một thời gian ngắn sau đó, Uber tuyên bố tự rút khỏi thị trường này.

Còn tại Bulgari, sau hàng cuộc biểu tình của các hãng taxi truyền thống khi cho rằng các ứng dụng như Uber đang cạnh tranh không lành mạnh vì sử dụng tài xế không có giấy phép lái taxi, không có giấy phép hành nghề vận tải, chính quyền nước này đã phải vào cuộc.

Sau cuộc điều tra giữa cơ quan thuế và cơ quan vận tải của Bulgari, Uber bị phạt 50.000 euro (57.000 USD). Các nhà làm luật còn yêu cầu Uber và các dịch vụ tương tự phải có xe taxi và tài xế được cấp phép nếu muốn vận hành.

Uber cũng đã tự rút khỏi thị trường Bulgari sau đó và không cho thấy dấu hiệu quay trở lại.

Còn ở Mỹ, thành phố Austin (Texas) đã yêu cầu Uber phải lấy dấu vân tay và kiểm tra lý lịch của tất cả tài xế, tương tự như với tài xế taxi truyền thống, và bác bỏ đề nghị của công ty này về việc muốn tự quản lý các tài xế đối tác.

Việc Uber phản đối, bất hợp tác với yêu cầu trên đã khiến chính quyền Austin đưa ra lệnh cấm hãng vận hành tại thành phố này. 10.000 tài xế đối tác của Uber đã phải bỏ việc hoặc sang các thành phố lân cận để hành nghề.