Nhiều bãi trông xe không phép dưới gầm cầu vẫn ngang nhiên tồn tại

ANTD.VN - Hà Nội đã nhiều lần ra quân, dẹp bỏ các bãi trông giữ xe dưới gầm cầu nhằm đảm bảo ATGT, thế nhưng chỉ được một thời gian, mọi sự lại đâu vào đó.

Mặc dù Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về hướng dẫn thực hiện Nghị định 11/2010NĐ-CP quy định quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có nêu rõ: không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi kinh doanh, dịch vụ, điểm dừng xe gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, qua khảo sát tại một số gầm cầu trên địa bàn Hà Nội vẫn còn hàng loạt bãi trông giữ xe không phép ngang nhiên tồn tại. Tình trạng tận dụng khoảng trống dưới các gầm cầu, sử dụng không đúng mục đích làm điểm trông xe, buôn bán diễn ra khá phổ biến.

Nhiều bãi trông xe không phép dưới gầm cầu vẫn ngang nhiên tồn tại ảnh 1Bãi trông giữ xe không phép tại gầm cầu vượt Cầu Giấy (đối diện 1254 đường Láng)

Giải pháp tạm thời

Thượng tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng phòng CSTT, CATP Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có 13 điểm đang sử dụng gầm cầu làm nơi trông giữ xe. Trong số này có 9 điểm có phép, nhưng chủ yếu là cấp phép tạm thời để đáp ứng một phần nhu cầu giao thông tĩnh. Ví dụ, tại quận Hoàn Kiếm, dưới gầm vòng xuyến cầu Chương Dương có 2 bãi trông giữ xe thuộc phường Lý Thái Tổ và phường Hàng Buồm phục vụ cho tuyến phố đi bộ mở rộng sang không gian khu bảo tồn cấp 1 phố cổ Hà Nội. Một số điểm khác nữa như gầm 2 đầu cầu Vĩnh Tuy, gầm cầu Long Biên (thuộc phường Đồng Xuân), gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng hay gầm cầu Mai Dịch.

Tuy vậy, tại những điểm này cũng tồn tại nhiều bất cập về đảm bảo ATGT, chính vì vậy đơn vị đã có đề xuất với Giám đốc CATP một số biện pháp. Cụ thể như tại gầm 2 đầu cầu Vĩnh Tuy hiện chỉ có văn bản của UBND thành phố giao tiếp nhận, quản lý các hạng mục công trình thuộc dự án cầu Vĩnh Tuy, nhưng chưa có giấy phép sử dụng tạm thời để trông giữ phương tiện nên đề nghị Sở GTVT nghiên cứu, cấp phép theo đúng quy định. 

Các điểm tại gầm vòng xuyến cầu Chương Dương thì chỉ được trông giữ phương tiện trong những ngày cuối tuần phục vụ tuyến phố đi bộ. Đối với điểm gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng chỉ được hoạt động tạm thời, phục vụ người dân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Khi nào Bệnh viện Bạch Mai xây dựng xong điểm trông giữ xe thì cần giải tỏa ngay khu vực này. Đối với điểm trông giữ tại gầm cầu vượt  Mai Dịch thì cần thu hồi giấy phép trông giữ do điểm này nằm trên tuyến bảo vệ, thường xuyên có đoàn khách quốc tế và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi từ sân bay Nội Bài về Hà Nội, do đó phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, đảm bảo tốt giao thông và mỹ quan đô thị.

Cần xử lý triệt để các điểm không phép

Bên cạnh những điểm sử dụng gầm cầu làm nơi trông giữ xe có phép thì hiện tồn tại 4 điểm khác không phép. Tại gầm cầu Chương Dương ở 172 Phúc Tân (phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm) tồn tại một bãi xe không phép từ nhiều năm nay rộng hơn 600m2 (từ trụ N1 đến N2). Ông Mai Anh Tuấn - Chủ tịch UBND phường Phúc Tân thừa nhận, bãi trông xe này đã có từ gần 20 năm nay và nó vốn được giao cho Hội người cao tuổi của phường quản lý làm câu lạc bộ giải trí thể thao kiêm trông giữ xe cho cư dân địa phương. Đây là vấn đề đã có từ trước nhằm phục vụ công tác quản lý bảo vệ chống lấn chiếm hoặc chống tình trạng đổ phế thải bừa bãi. “Tuy nhiên, nếu thành phố có phương án giải tỏa và quản lý tốt, UBND phường sẵn sàng phối hợp để chấm dứt những tồn tại này” - ông Tuấn nói.

Các điểm còn lại như tại gầm cầu vượt Văn Cao (phường Liễu Giai, Ba Đình); gầm cầu Thăng Long (phường Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm) do Công ty đường sắt Hà Thái sử dụng hay gầm cầu vượt Cầu Giấy đối diện 1254 đường Láng (phường Láng Thượng, Đống Đa) hiện cũng không hề có cơ quan nào cấp phép nhưng vẫn tồn tại một thời gian dài. 

Trước nguy cơ mất ATGT và nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra, đồng thời làm mất mỹ quan đô thị, có lẽ Hà Nội và chính quyền các địa phương cần giải tỏa ngay những điểm trông giữ không phép hoặc không đảm bảo dưới gầm cầu này.