Nguy cơ chết người từ những quán cà phê đường tàu

ANTD.VN - Thời gian gần đây, khu vực đường tàu (đoạn chạy qua 2 phường Hàng Bông và Điện Biên, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nổi lên như một địa điểm “sống ảo” ưa thích của các bạn trẻ lẫn khách du lịch với hàng chục quán cà phê đua nhau mọc lên. Ngồi trong những quán này, khách hàng chỉ cần với tay là có thể chạm tới đoàn tàu đang chạy tới, điều đó cũng nghĩa là nguy cơ tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Chỉ cần với tay, khách uống cà phê có thể chạm được vào đoàn tàu đang chạy

Sức hút kỳ lạ

Phố đường tàu là tên gọi để chỉ các khu phố như Khâm Thiên, Lê Duẩn, Phùng Hưng - nơi có đường sắt chạy qua và ở 2 bên đường ray, cư dân sinh sống đông đúc qua nhiều thế hệ. Trước đây, ven đường ray xuyên giữa nội đô này là khu nhà ở của nhân viên đường sắt. Họ là những người gác ở các trạm chắn tàu. Sau đó vài hộ dân đến sinh sống, dần dần hình thành xóm đường tàu.

Cuộc sống ở đây muôn màu, muôn vẻ, từ việc phơi quần áo đến rửa bát, nấu cơm… đều diễn ra bên đường tàu. Vì màu sắc sinh động của đời sống cư dân, cộng với những chuyến tàu lướt qua đây đã khiến cho các du khách nước ngoài đổ về phố đường tàu mỗi ngày thêm đông. Theo ước tính, đoạn đường tàu dọc phố Phùng Hưng mỗi ngày có đến vài trăm lượt khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh và con số này không ngừng tăng lên. Bằng chứng rõ nhất là số lượng hàng quán mọc lên chóng mặt để đáp ứng nhu cầu ẩm thực của du khách. 

Những quán cà phê ở đây được trang trí khá đẹp mắt, đánh đúng thị hiếu của khách quốc tế với đèn lồng mờ ảo, những chiếc ghế đơn sơ, dân dã được bày ra sát đường tàu. Khách du lịch tụ tập chật cứng, họ thong dong nhâm nhi ly cà phê, gọi vài chai bia và chờ đợi những chuyến tàu chạy qua. Như một sự trải nghiệm, các du khách ưa thích việc tản bộ trên các thành tà vẹt dọc đường sắt để chụp ảnh và trải nghiệm cuộc sống của người dân quanh đây. Ban đêm, phố đường tàu đặc biệt sôi động và nhộn nhịp. Cho dù, đó là khoảng thời gian có nhiều đoàn tàu chạy qua hơn ban ngày. Lúc này, hoạt động tham quan gần như ngừng hẳn, nhường chỗ cho việc ngồi thưởng thức đồ ăn, nước uống và ngắm phố đường tàu. 

Cả du khách và người bán hàng đều phớt lờ biển cấm “khu vực nguy hiểm”

“Sống ảo” trên đường ray tử thần

Do chỉ các ngày thứ bảy và chủ nhật mới có tàu chạy qua vào ban ngày nên lượng khách đổ về đây rất đông. Các công ty du lịch lữ hành còn sử dụng xe 45 chỗ chở khách đến khu vực này tham quan nên vào một số thời điểm đã gây ùn tắc giao thông. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, hàng loạt các quán cà phê, giải khát đã mọc lên sát  đường tàu, chỉ cách đường ray 20-50cm. Những lúc chưa đến giờ chạy tàu, một số chủ quán còn bày bàn ghế ra giữa đường ray, gây mất an toàn giao thông đường sắt, ảnh hưởng đến tính mạng, an toàn của chính bản thân hộ kinh doanh, ảnh hưởng đến mĩ quan đô thị.

Thông thường, trước thời điểm tàu chạy qua khoảng 20 phút, hầu hết những quán cà phê 2 bên đường ray đã kín chỗ. Khi nghe tiếng đoàn tàu rầm rập từ xa, các chủ quán cà phê sẽ thu dọn bàn ghế, nhắc nhở du khách đứng nép vào bên trong. Tuy vậy, khi đoàn tàu đến nơi, hàng chục người đua nhau chĩa máy ảnh, giơ điện thoại ra để ghi lại hình ảnh xe lửa ở cự ly cực gần. Không ít du khách vô cùng liều lĩnh khi cố gắng tranh thủ khoảnh khắc tàu sắp đến để cố chụp thêm 1 tấm ảnh, trong khi phía sau lưng là chiếc đầu máy đang kéo còi inh ỏi. Thậm chí có người còn thò tay chạm vào thân tàu bất chấp lời cảnh báo, hò hét của chủ quán.

Khi đoàn tàu khuất bóng, mọi sinh hoạt tại khu vực này trở lại bình thường. Các hàng quán lại bày bàn ghế ra sát, hoặc giữa đường ray để phục vụ khách. Để cảnh báo nguy hiểm, đơn vị chủ quản tuyến đường sắt này là Công ty CP đường sắt Hà Hải đã treo biển với nội dung “yêu cầu không tụ tập đông người, quay phim chụp ảnh, đi, đứng, ngồi trên đường sắt, kê bàn ghế, bày bán hàng trong lòng và 2 bên đường sắt” bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, nhưng dường như những người đi qua đây đều phớt lờ…

Lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt chủ quán vi phạm

Bắt cóc bỏ đĩa

Trước tình trạng trên, UBND, CAP Hàng Bông và Điện Biên đã thành lập các đoàn công tác tiến hành kiểm tra, lập biên bản các hành vi vi phạm đối với các chủ cửa hàng kinh doanh, thu giữ phương tiện vi phạm, xử phạt hành chính, đồng thời yêu cầu các hộ vi phạm tạm dừng hoạt động và viết cam kết.

Gần đây nhất, sáng 27-9, Đội CSGT Đường sắt đã phối hợp với Công ty CP đường sắt Hà Hải, Cục Đường sắt, chính quyền sở tại kiểm tra tình hình ANTT, ATGT tại khu vực trên. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản  vi phạm đối với một số chủ quán cà phê kinh doanh do lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt theo quy định, trong đó có hộ ông Nguyễn Xuân Huyên với số tiền phạt là 400.000 đồng.

Mặc dù các hộ bị xử phạt hành chính đã thừa nhận hành vi sử dụng đường tàu để kinh doanh cà phê, bày bàn ghế cho khách ngồi là vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, song chỉ sau thời gian ngắn lại tái phạm. Bên cạnh đó, du khách đến khu vực này chủ yếu là khách nước ngoài nên công tác vận động, nhắc nhở của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Về chế tài xử lý đối với hành vi trên, luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo điểm b khoản 1, Điều 16 Nghị định 56/2018/NĐ-CP về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt thì chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt đô thị được tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt ra mỗi bên 3m. Phạm vi bảo vệ 2 bên đường sắt theo phương ngang đối với nền đường không đào, không đắp tính từ mép ngoài của ray ngoài cùng trở ra đối với đường sắt đô thị là 5,4m.

Bên cạnh đó, phạm vi bảo vệ 2 bên đường sắt theo phương ngang đối với nền đường đào, nền đường đắp xác định theo: 5m tính từ chân nền đường đắp hoặc mép đỉnh nền đường đào; 3m tính từ mép ngoài rãnh dọc hay mép ngoài rãnh đỉnh của nền đường hoặc mép ngoài của công trình phòng hộ, gia cố đối với nền đường có rãnh dọc hay rãnh đỉnh, có công trình phòng hộ, gia cố của nền đường.

Đối chiếu với quy định trên, những quán cà phê đường tàu nằm liền kề đường ray, thậm chí có những khi còn kê bàn ghế bán hàng trên đường ray là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý theo Điều 51 Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Theo đó, hành vi mua bán hàng hóa trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt sẽ bị phạt, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300- 500.000 đồng đối với cá nhân, từ 600 nghìn đồng - 1 triệu đồng đối với tổ chức.

“Với vốn đầu tư nhỏ nhưng lợi nhuận cao, mức xử phạt các hộ kinh doanh hàng quán hai bên đường sắt do có hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Đây cũng là nguyên nhân khiến các vi phạm liên tục tái diễn. Do đó, về lâu dài, để lập lại an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các khu vực này, cơ quan chức năng cần xem xét hình thức xử phạt bổ sung hoặc nâng mức phạt đối với cá nhân vi phạm” - luật sư Lê Hồng Vân đề xuất.

Sự tồn tại của các hộ gia đình ở  hai bên đường tàu là lịch sử để lại. Tuy vậy, có thể khẳng định, việc du khách ngồi uống cà phê, mua bán, chụp ảnh bên đường tàu không khác gì thách thức với tử thần. Đội CSGT đường sắt đã cùng các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra và yêu cầu các hộ dân kinh doanh giải khát, cà phê ký cam kết về đảm bảo trật tự, văn minh đô thị, không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, không để bàn ghế trong lòng đường sắt và hai bên đường sắt để phục vụ khách du lịch vì hành vi trên đe dọa an toàn chạy tàu, đe dọa an toàn tài sản, tính mạng của khách du lịch nước ngoài. Tuy vậy, do lợi nhuận cao, mức phạt thấp nên các hộ kinh doanh chấp nhận nộp phạt, chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng là “đâu lại vào đó”. Về lâu dài, cơ quan chức năng cần có biện pháp để giải quyết triệt để như giải tỏa toàn bộ khu vực này.

Thiếu tá Nguyễn Văn Khương  - Phó Đội trưởng Đội CSGT đường sắt (Phòng CSGT)


Đến 25-9-2019 trên địa bàn phường  Hành Bông có 17 hộ kinh doanh cà phê giải khát tại khu vực đường tàu Trần Phú - Hàng Bông. CAP đã tiến hành ra quân xử phạt nhiều lần về hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, không có giấy phép kinh doanh, cơi nới lấn chiếm khoảng không… nhưng do mưu sinh, nhiều hộ vẫn thường xuyên tái phạm. CAP cũng đã phân công lực lượng chốt trực tại khu vực này, đồng thời thường xuyên có báo cáo CAQ Hoàn Kiếm về tình hình ANTT, ATGT để có chỉ đạo kịp thời. 

Đại úy Nguyễn Trung Kiên - Phó Trưởng CAP Hàng Bông (CAQ  Hoàn Kiếm)