Kết thúc thí điểm, Grab "rộng cửa" hoạt động

ANTD.VN - Từ ngày 1/4/2020 tới đây, Đề án thí điểm xe công nghệ sẽ chính thức kết thúc, loai hình vận tải mới mẻ này sẽ hoạt động theo Nghị định 10 của Chính phủ vừa ban hành. 

Đây được nhận định là bước tiến mới của chính sách để xe công nghệ mở rộng hoạt động.

Xe công nghệ thoát khỏi "trói buộc" 5 tỉnh, thành thí điểm

Bộ GTVT vừa có Quyết định số 146/QĐ-BGTVT dừng Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016) kể từ ngày 1/4/2020 để thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố triển khai thí điểm (bao gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa) hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phương tiện kinh doanh vận tải đang tham gia Kế hoạch thí điểm trên địa bàn địa phương dừng thí điểm và chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình để đảm bảo thực hiện đúng quy định.

Xe công nghệ sẽ không còn hoạt động thí điểm nữa mà chuyển qua chính thức

Theo Nghị định 10, trường hợp xe ôtô có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 1/4/2020 nếu tiếp tục kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng thì phải thực hiện cấp lại phù hiệu và dán cố định trên xe ôtô, thời gian thực hiện xong trước ngày 1/7/2021 theo quy định tại điểm b Khoản 6 Điều 36 Nghị định 10.

Quyết định 146 của Bộ GTVT đã chính thức cởi trói cho xe công nghệ. Và có thể hiểu, từ ngày 1/4/2020 tới đây, xe công nghệ sẽ không còn bị bó buộc thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố lớn nữa, mà có thể hoạt động khắp các tỉnh, thành trên cả nước (nếu địa phương đồng ý). Đây được nhận định là bước tiến mạnh và đáng kể trong chính sách quản lý của Bộ GTVT cũng như của Chính phủ về cách mạng công nghệ 4.0.

Với quyết định 146 và sự ra đời của Nghị định 10 các xe tham gia vào mô hình xe công nghệ sẽ có một số thay đổi như phù hiệu xe hợp đồng đổi mẫu mới nhưng về cơ bản là mọi hoạt động không hề gián đoạn và có gì khác biệt nhiều so với trước đây. Đáng nói, xe công nghệ sẽ "rộng đường" hoạt động hơn, phủ sóng rộng hơn, chính thức được hợp pháp hóa, được ghi nhận là một loại hình kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật.

Với quyết định này, xe ôtô công nghệ nếu có đủ các điều kiện kinh doanh như trên thì vẫn hoạt động bình thường, chỉ phải thực hiện cấp lại phù hiệu xe hợp đồng theo quy định mới, trong khoảng thời gian từ nay đến hết 1/7/2021.

Xe công nghệ sẽ quy chuẩn hơn

Lái xe GrabCar Đoàn Văn Nhuận đang hoạt động xe công nghệ trên địa bàn Hà Nội cho biết: “Đáng lẽ, Bộ GTVT nên kết thúc thí điểm xe công nghệ từ lâu rồi, theo đúng lộ trình thí điểm 2 năm, đến nay mới kết thúc là quá dài. Tuy vậy, xe công nghệ sẽ hoạt động theo Nghị định 10, đây cũng là nỗ lực trong việc tiếp cận cái mới của ngành GTVT, từ 1/4/2020 tới đây chúng tôi đã có hành lang pháp lý để hoạt động, không còn là loại hình vô danh thí điểm nữa. Rất mong sắp tới, xe công nghệ sẽ mở rộng ra nhiều địa phương để người tiêu dùng được tiếp cận một loại hình đi lại mới, cước sát thực tế và minh bạch, văn minh”.

Còn lái xe GrabCar Nguyễn Văn Toán hoạt động xe công nghệ trên địa bàn Hà Nội bày tỏ, từ 1/4/2020 xe công nghệ đã có hành lang pháp lý để hoạt động đàng hoàng. “Xe công nghệ không còn là mô hình thí điểm nữa, không bị giới hạn nữa. Sau nhiều thời gian tranh cãi thì cuối cùng cũng ra đời được Nghị định để xe công nghệ không còn bị “kỳ thị” bởi các loại hình khác nữa”.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng vụ Vận tải, Bộ GTVT khẳng định, việc dừng Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT) là để thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Do đó, việc này không ảnh hưởng gì tới các doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực này.

Các doanh nghiệp này vẫn hoạt động bình thường nhưng sẽ cần có một số điều chỉnh để tuân thủ theo quy định mới. Theo ông Ngọc, các quy định mới trong Nghị định số 10/2020/NĐ-CP sẽ giúp doanh nghiệp rộng cửa hoạt động hơn và họ không cần lo lắng.

Việc dừng thí điểm được nhận định sẽ giúp hoạt động của xe công nghệ quy chuẩn hơn và loại hình vận tải này được công nhận chính thức chứ không chỉ ở mức thí điểm như trước đây.