Hàng chục gối cầu đường vành đai 3 trên cao bị xô lệch, hư hỏng được sửa chữa ra sao?

ANTD.VN - Sở GTVT Hà Nội đang khẩn cấp sửa chữa, khắc phục sự cố xô lệch 53 gối cầu trên tuyến đường vành đai 3 trên cao.

Hàng chục gối cầu, khe co giãn hư hỏng

Theo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội, trên tuyến đường vành đai 3 trên cao, đoạn từ Pháp Vân đến Mai Dịch có 403 trụ, 7.140 gối cầu. Qua kiểm tra, khảo sát có 52/7.140 gối cầu có hiện tượng bị xô lệch, đặc biệt là các gối cầu trên trụ T50 và trụ T91.

Ngoài ra, trên toàn tuyến có 88/176 khe co giãn có hiện tượng bị hư hỏng, không êm thuận.

Đây là tuyến đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông rất lớn, đặc biệt là các xe tải nặng nên để bảo đảm ổn định, kéo dài tuổi thọ của công trình và bảo đảm an toàn giao thông, việc sửa chữa, khắc phục sự cố xô lệch các gối cầu trên trụ T50 và T91 là rất cần thiết và cấp bách.

Việc sửa chữa, thay mới 1 gối cầu mất khoảng 7 ngày

Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông cũng đề xuất phương án trước mắt thay thế khẩn cấp toàn bộ 10 gối cầu trên đơn nguyên phía bên phải (theo chiều từ cầu Thanh Trì đi Mai Dịch) của trụ T50 và 10 gối cầu cao su cốt bản thép của trụ T91 bằng gối cầu mới.

Về lâu dài, Sở GTVT Hà Nội cho phép thực hiện công tác kiểm định, đánh giá toàn bộ các hư hỏng trên tuyến đường vành đai 3 trên cao, trên cơ sở đó lập dự án sửa chữa các khe co giãn, gối cầu để bảo đảm an toàn giao thông.

Sở GTVT  Hà Nội chi 15 tỷ đồng để sửa chữa, thay thế các gối cầu, khe co giãn đường vành đai 3 trong lần này

Đường vành đai 3 trên cao có tổng chiều dài gần 9.000m, nối từ Mai Dịch tới Bắc Hồ Linh Đàm với tổng vốn đầu tư hơn 5.547 tỷ đồng bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Dự án đã được đưa vào khai thác từ tháng 10/2012.

Để khắc phục sự cố xô lệch gối cầu, từ ngày 15/2, Sở GTVT Hà Nội đã thực hiện phương án phân luồng, tổ chức giao thông trên tuyến đường vành đai 3 trên cao, đoạn cầu Dậu-cầu Mai Dịch phục vụ thi công sửa chữa, thay thế khe co giãn.

Phương án phân luồng, tổ chức giao thông này áp dụng cho đến ngày 25/4. Việc thi công chỉ được thực hiện vào ban đêm (từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau).

Các đơn vị liên quan sẽ tiến hành thay thế, sửa chữa 53 gối cầu trên đường vành đai 3 trên cao, đoạn cầu Dậu-cầu Mai Dịch theo cả hai hướng.

15 tỷ đồng sửa chữa, thay thế 53 gối cầu

Để thay thế, sửa chữa, các nhà thầu tổ chức rào chắn 1/2 mặt đường theo một chiều tại vị trí thi công; sử dụng 1/2 mặt đường còn lại để phân luồng bảo đảm an toàn giao thông cho các phương tiện.

Theo ông Nguyễn Văn Hải - cán bộ Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, đường vành đai 3 trên cao đoạn cầu Dậu đến Mai Dịch có tổng cộng 53 gối cầu cần sửa chữa, thay thế. Trong đó, hướng trái tuyến (từ cầu Dậu hướng đi Mai Dịch) có 28 gối, hướng phải tuyến (từ Mai Dịch đi cầu Dậu) có 25 gối.

Đây là lần đầu tiên đường vành đai 3 trên cao tiến hành sửa chữa, thay thế gối cầu và khe co giãn.

Hiện có 3 mũi thi công độc lập, cách nhau từ 1 - 2km. “Việc thi công sửa chữa, thay thế gối cầu cần thực hiện hết sức cẩn thận. Chúng tôi không sử dụng các máy móc cơ giới mà chỉ sử dụng các máy đục, khoan, cắt thủ công để đảm bảo kết cấu công trình. Mỗi mũi thi công sẽ thay thế được 1 gối cầu trong thời gian khoảng 6 - 7 ngày” –đại diện một nhà thầu cho hay.

Được biết, 3 nhà thầu tham gia thi công là công ty CP Tư vấn và đầu tư xây dựng 126; công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại Thanh Tùng và công ty CP Xây dựng Trường Thịnh. Tổng giá trị các gói thầu hơn 15 tỷ đồng.

Thời gian hoàn thiện việc sửa chữa, thay thế 1 gối cầu hết khoảng 6 - 7 ngày, bởi vậy, thời gian từ nay đến 25/4 sẽ không thể thay thế hết 53 gối cầu.

Về việc này, ông Hải cho biết, tuần đầu tiên, các đơn vị triển khai ba mũi vừa để xem xét tình hình giao thông trên tuyến, từ tuần này sẽ căng cường số mũi thi công lên gấp đôi để việc thay thế gối cầu hoàn thành đúng tiến độ đưa ra.

Cần xem xét vì sao gối cầu mới 8 năm đã hỏng?

Nhìn nhận về tình trạng tuyến vành đai 3 hiện có 52 gối cầu bị hỏng, xô lệch, PGS.TS Bùi Xuân Cậy, nguyên Trưởng khoa Công trình (Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết, tải trọng và lượng phương tiện trên cầu đường vành đai 3 lưu thông lớn, xe phanh nhiều cũng có khả năng gây nên xô lệch đệm gối cầu, đó là điều bình thường.

“Do gối cầu làm bằng cao su nên phải thường xuyên duy tu bảo dưỡng theo đúng định kỳ. Trong trường hợp các gối hỏng sẽ bắt buộc phải thay thế nhưng cũng rất đơn giản bằng cách kích dầm cầu lên và chỉnh lại gối về vị trí cũ sẽ đảm bảo công trình”- PGS.TS Bùi Xuân Cậy cho hay.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, gối cầu được làm bằng cao su, có định kỳ thời gian duy tu bảo dưỡng hoặc thay thế theo  niên hạn sử dụng.

“Gối cao su bình thường có tuổi đời sử dụng từ 20-25 năm trong khi tuyến đường được đưa vào khai thác sau 8 năm (từ tháng 10/2012) đã bị hỏng là quá nhanh.

Dự án đã được bàn giao cho Sở GTVT Hà Nội nhưng với vai trò cơ quan quản lý có thẩm quyền, Sở GTVT Hà Nội cần yêu cầu Ban Thăng Long có trách nhiệm nghiên cứu, phân tích đánh giá nguyên nhân gì gây hư hỏng hay sản phẩm của các gối cầu bằng cao su này liệu có đạt chuẩn?”, ông Long đặt vấn đề.