Hà Nội: Sớm "chốt" vị trí ga ngầm C9 để triển khai tuyến đường sắt đô thị số 2

ANTD.VN - Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 2 số, Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo đã qua 10 năm với hàng chục cuộc hội họp song đến nay vẫn vướng vì vị trí ga ngầm C9 gần hồ Hoàn Kiếm chưa thể "chốt".

Cuộc tọa đàm về quy hoạch tổng thể mặt bằng ga ngầm C9 thuộc tuyến đường sắt Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo do Hội Quy hoạch kiến túc đô thị tổ chức sáng 19-11 thu hút nhiều nhà khoa học tham gia chia sẻ ý kiến, quan điểm.

Đáng nói, không ít chuyên gia, nhà khoa học bày tỏ về việc, thời gian bàn thảo vị trí nhà ga C9 quá lâu, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án này. Trong khi đó, tuyến đường sắt đô thị số 2 được xác định là tuyến xương sống trong số 10 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội. Một số nhà khoa học còn nói vui: “Hy vọng đến cuối đời có thể đi vào khu vực phố cổ bằng tuyến đường sắt đô thị này”.

Rung lắc trong thi công, khai thác sẽ được triệt tiêu

Tại cuộc tọa đàm, đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội một lần nữa khẳng định, vị trí đặt ga ngầm C9- Hồ Hoàn Kiếm không ảnh hưởng đến di tích, không ảnh hưởng tới không gian văn hóa của Trung tâm Thủ đô.

Thậm chí, thiết kế của ga ngầm C9 và các cửa lên xuống giúp người dân, du khách thuận lợi trong việc tiếp cận khu phố cổ, di tích hồ Hoàn Kiếm, phục vụ người dân có phương tiện giao thông công cộng văn minh, hiện đại góp phần tổ chức lại giao thông, giảm ách tắc, ô nhiễm, cải thiện môi trường cảnh quan.

Cũng theo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội, dự án được áp dụng các phương pháp thi công ga ngầm và tuyến hầm tiên tiến nhất hiện nay, giúp giảm thiểu tối đa, kiểm soát chặt chẽ các tác động tiêu cực đến cảnh quan, môi trường và các công trình di tích trong quá trình thi công, đảm bảo giữ gìn nguyên vẹn, an toàn các công trình di tích lịch sử.

Các phương án thiết kế, phương pháp thi công áp dụng cho dự án đang rất phổ biến tại nhiều dự án Metro trên thế giới, khu vực và vừa qua cũng đã được áp dụng thành công tại dự án tuyến 1 (Bến Thành - Suối Tiên) TP.HCM.

Nhiều nhà khoa học bày tỏ ủng hộ vị trí ga ngầm C9- hồ Hoàn Kiếm và mong sớm triển khai dự án

Cụ thể, tuyến hầm được thi công bằng máy khiên đào TBM cân bằng áp lực đất, triệt tiêu toàn bộ rung lắc, độ lún bề mặt rất nhỏ, tại ví trí Tháp Bút khả năng lún bề mặt chỉ từ 2 ~ 4mm (rất nhỏ) không ảnh hưởng đến an toàn của tháp.

Kết cấu vỏ hầm bê tông cốt thép dày 0,3 m, chống thấm, chịu lực cường độ cao sẽ không gây ra biến động, thay đổi cấu trúc địa chất và thủy hệ khu vực.

Bên cạnh đó, việc thi công ga ngầm bằng phương pháp đào từ trên xuống, kết hợp tường vây chống thấm nước (tường bê tông cốt thép dày 1,2m).

Quá trình thi công ga sẽ không có sự giảm sút mực nước ngầm để không ảnh hưởng đến hồ Hoàn Kiếm. Khi thi công ga, độ lún, độ nghiêng bề mặt rất nhỏ, nằm trong giới hạn tiêu chuẩn cho phép để không ảnh hưởng đến các công trình di tích hồ Hoàn Kiếm, Tháp Bút, Đền Ngọc Sơn, Đền Bà Kiệu và các công trình lân cận khác.

Đồng thời, thiết kế yêu cầu nhà thầu thi công phải tuân thủ các quy định ngặt nghèo về trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan, an toàn thi công theo các chuẩn mực quốc tế và quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam.

Sau khi thi công xong ga, đường, hè phố Đinh Tiên Hoàng và công viên sẽ được hoàn trả nguyên trạng và sẽ thay thế hoàn toàn cửa hàng và nhà vệ sinh hiện tại, bằng cửa lên xuống số 3 không mái che, cải thiện rõ nét cảnh quan, môi trường khu di tích.

Trong giai đoạn vận hành tàu, mức ồn và rung động trong hầm sẽ nhỏ hơn 65 dB dưới ngưỡng tiêu chuẩn cho phép và giá trị đó còn giảm đi rất nhiều (bị triệt tiêu) trên bề mặt đất nền, do có vỏ hầm và lớp đất dày bao phủ bên trên đảm bảo không ảnh hưởng tới các công trình di tích và các công trình lân cận tuyến, trong đó có Tháp Bút, Đền Bà Kiệu.

Dự án càng kéo dài càng ảnh hưởng vốn vay

Bày tỏ quan điểm về vị trí ga ngầm C9, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho rằng, vị trí ga ngầm C9 đặt ngay giữa khu vực phố cổ nên thu hút được nhiều ý kiến của người dân, chuyên gia các nhà khoa học và trong đó có nhiều ý kiến trái chiều cũng là lẽ thường tình.

“Vị trí ga ngầm C9 đã được đưa ra thảo luận cả 10 năm nay rồi, cũng đã có rất nhiều ý kiến. Tuy nhiên, cách đây nhiều năm, các chuyên gia của Nhật cũng như Việt Nam đã chứng minh được, việc thi công ngầm không ảnh hưởng đến công trình bên trên.

Tôi ủng hộ vị trí ga C9 đã đưa ra. Nên quyết để sớm đưa dự án vào triển khai, vì càng kéo dài thì dự án càng đội vốn lớn. TP Hà Nội nên dứt khoát đưa ra ý kiến, báo cáo Chính phủ và cho triển khai dự án”- PGS Nguyễn Hồng Tiến bày tỏ.

Còn ông Phạm Đức Nguyên, Phó Chủ tịch Hội môi trường xây dựng Việt Nam bày tỏ: “Tôi ủng hộ và hoan nghênh vị trí đặt ga ngầm C9, vì đây là nơi trung tâm nhất của Hà Nội, ai cũng muốn đến đây, từ người dân trong nước đến du khách nước ngoài. Vị trí đặt ga ngầm C9 hiện tại không ảnh hưởng gì đến di tích như một số ý kiến lo ngại. Ngược lại, ga ngầm C9 sau khi hoàn thiện còn tăng thêm giá trị của các di tích lịch sử quanh Hồ Gươm. Tôi mong mỏi đến cuối được được trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị này”.

Bày tỏ lo ngại nếu dự án ĐSĐT số 2 không sớm được triển khai thì sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ và đặc biệt là hiệu quả vay vốn ODA, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đã trải qua 10 năm với hàng  chục cuộc họp bàn về vị trí ga ngầm C9- hồ Hoàn Kiếm, nhưng đến nay vẫn chưa thể phê duyệt.

“Dự án đã qua 10 năm rồi nhưng vẫn chưa thể triển khai mà vốn vay ODA để càng lâu sẽ không hiệu quả, đội vốn. Đến giờ này vẫn còn ngồi “cãi nhau” về vị trí một nhà ga thì rất khó. Phải quyết đoán, duyệt phương án để đưa vào thực hiện”- KTS  Trần Ngọc Chính chia sẻ.