Hà Nội: Bến xe Nước Ngầm sẽ không thể khai thác lâu dài

ANTD.VN - Bến xe Nước Ngầm nằm ngay tại nút giao Pháp Vân - Giải Phóng, một điểm “nóng” về ùn tắc giao thông của Hà Nội. Trong khi đó, góp ý về quy hoạch bến xe khách của Hà Nội, Bộ GTVT lại đề xuất giữ lại bến xe này khiến người dân cảm thấy rất khó hiểu!

Vị trí bến xe Nước Ngầm không phù hợp để giữ lâu dài

Tại văn bản 12222/BGTVT-VT ngày 26-10 của Bộ GTVT về ý kiến đối với Đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Bộ GTVT khuyến nghị, Hà Nội không nên đưa toàn bộ các bến xe liên tỉnh ra Vành đai 4 mà cần có sự kết nối phù hợp tuyến cố định với khu vực tiện cận trung tâm như các nước Hàn Quốc, Nhật Bản... đã thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Đồng thời, các bến xe liên tỉnh hiện nay ở Mỹ Đình, Nước Ngầm... nên được quy hoạch ổn định và nâng cấp thành bến xe nhiều tầng.

Ý kiến góp ý trên của Bộ GTVT đi ngược lại Quy hoạch bến xe Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt và không phù hợp thực tế tổ chức giao thông ở khu vực này trong bối cảnh hiện hữu.

Bến xe Nước Ngầm nằm ngay cửa ngõ vào trung tâm thành phố, điểm "nóng" về ùn tắc

Bộ GTVT cũng cho rằng, Hà Nội không nên xây dựng mới các bến xe liên tỉnh có tính chất sử dụng không lâu dài, chỉ khai thác trong thời gian quá độ (như đã nêu trong quy hoạch) để tránh lãng phí vốn đầu tư và ảnh hưởng đến quỹ đất của thành phố.

“UBND TP Hà Nội cần nghiên cứu các ý kiến góp ý của người dân, tổ chức hội thảo mời các chuyên gia, doanh nghiệp để lấy ý kiến về quy hoạch, đầu tư xây dựng bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ, qua đó, hoàn thiện quy hoạch có tính khả thi cao hơn; đồng thời thu hút nhà đầu tư tham gia đầu tư theo quy hoạch”- Bộ GTVT góp ý.

Trước đó, đầu tháng 10, UBND Hà Nội đã xin ý kiến của Bộ GTVT, Bộ Xây dựng về đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn 2050, để UBND TP làm cơ sở báo cáo HĐND TP phê duyệt.

Trong đồ án này, Hà Nội dự kiến quy hoạch 7 bến xe liên tỉnh gồm: bến xe khách phía Bắc (ở Nội Bài), bến xe Đông Anh, bến xe Cổ Bi, bến xe phía Nam (tại huyện Thường Tín), bến xe Yên Nghĩa, bến xe phía Tây, bến xe Tây Bắc (Phùng).

Nút giao Pháp Vân - Giải Phóng một trong những điểm đen về ùn tắc

Bày tỏ quan điểm về góp ý của Bộ GTVT, ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin, trong quá trình nghiên cứu lập đồ án ‘‘Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050’’ đã được các cơ quan chuyên môn liên quan của UBND TP Hà Nội xem xét phân tích đánh giá tổng thể các yếu tố liên quan đến định hướng quy định. Đồng thời, cần đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ giữa các đồ án quy hoạch và hướng tới phát triển bền vững.

Riêng đối với bến xe Mỹ Đình, bến xe Nước Ngầm hiện tại có vị trí nằm sát đường vành đai 3 là khu vực lõi của đô thị trung tâm và về lâu dài việc tiếp tục duy trì các bến xe khách này phục vụ cho vận tải hành khách liên tỉnh sẽ không còn hợp lý. Hiện tại, việc tổ chức giao thông tại khu vực nút giao thông Pháp Vân đang rất khó khăn, phức tạp.

Sau khi hoàn thiện bến xe ở khu vực vành đai 4 (bến xe Ngọc Hồi) thì bến xe Nước Ngầm được quy hoạch là đầu mối giao thông công cộng kết hợp bãi đỗ xe. 

Bộ không "khuyên" giữ lâu dài bến Nước Ngầm!

Giải thích về văn bản góp ý Quy hoạch bến xe của Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT lý giải, Bộ GTVT không khuyến nghị Hà Nội giữ lại bến xe Nước Ngầm để sử dụng lâu dài mà chỉ trong giai đoạn quá độ khi Hà Nội chưa xây dựng hoàn thiện được các bến xe khách liên tỉnh như nêu trong Quy hoạch ở khu vực vành đai 4.

“Góp ý của Bộ GTVT là để Hà Nội cân nhắc, xem xét trong việc tổ chức giao thông hiện nay sao cho phù hợp. Bởi, hiện tại cũng như trong ngắn hạn, Hà Nội chưa đầu tư được các bến xe khách ở khu vực vành đai 4 thì việc tận dụng hạ tầng đang có để tổ chức giao thông, khai thác một cách phù hợp là cần thiết” - ông Thủy cho hay.

Tuy nhiên sau khi đầu tư hoàn thành các bến xe khách liên tỉnh theo quy hoạch rồi thì lúc đó, tùy thuộc vào tình hình phát triển kinh tế xã hội cũng như hạ tầng giao thông mà Hà Nội tổ chức sắp xếp lại công năng các bến xe ở khu vực vành đai 3 hiện nay để khai thác hiệu quả giữa vận tải khách công cộng và vận tải khách liên tỉnh.