Grab nói gì khi tòa lần thứ ba hoãn vụ xử Vinasun kiện Grab?

ANTD.VN - Chiều qua, 29-10, TAND TP.HCM đã tiếp tục hoãn xử vụ Vinasun kiện Grab, dự kiện phiên tòa sẽ được tiếp tục vào ngày 22-11 tới đây.  Đây là lần thứ ba phiên tòa phải tạm hoãn với lý do thiếu chứng cứ.

Đại diện Grab Việt Nam bày tỏ: “Về cơ bản, chúng tôi hài lòng với kết quả hôm nay và tin rằng HĐXX sơ thẩm thuộc TAND TP.HCM đã đưa ra một quyết định đúng đắn khi hoãn phiên tòa vì thiếu những chứng cứ độc lập vững chắc từ Vinasun để chứng minh rằng lợi nhuận bị giảm sút là do sự gia nhập thị trường và hoạt động của Grab tại Việt Nam trực tiếp gây ra”.

Đây là lần thứ ba phiên tòa phải tạm hoãn với lý do thiếu chứng cứ. Điều này là minh chứng rõ ràng cho thấy rằng Vinasun không hề chắc chắn về nguyên nhân thực sự dẫn đến việc sụt giảm lợi nhuận của mình và không thể tập hợp đủ chứng cứ thuyết phục.

Đơn vị giám định thiệt hại của Vinasun không có mặt ở các phiên tòa xét xử vụ Vinasun kiện Grab

“Chúng tôi đã liên tục chỉ ra rằng có quá nhiều sai sót và thiếu tính nhất quán trong phương pháp và cách tính toán của Cửu Long (đơn vị giám định thiệt hại của Vinasun), do đó kết quả báo cáo giám định thiệt hại của Cửu Long không thể nào được sử dụng để làm cơ sở pháp lý cho các cáo buộc đòi bồi thường thiệt hại của Vinasun”- đại diện Grab nhìn nhận.

Theo đó, đơn vị giám định được chỉ định, trước hết, phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa các cáo buộc đòi bồi thường thiệt hại của Vinasun và hoạt động kinh doanh của Grab trên thị trường, trước khi tiến hành tính toán thiệt hại thực tế, nếu có.

Bởi vậy, đại diện Grab  bày tỏ: “Chúng tôi hy vọng tòa sẽ cân nhắc các kiến nghị của chúng tôi để chỉ định các đơn vị giám định quốc tế có uy tín, kinh nghiệm thực tế, nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của chúng tôi, hướng đến một phiên tòa công bằng và đúng quy trình”.

Theo đó, đại diện Grab mong muốn, TAND TP. HCM sẽ bác bỏ toàn bộ nội dung báo cáo giám định, trừ trường hợp Cửu Long có mặt tại tòa để bảo vệ cho báo cáo của mình và có thể trả lời các thắc mắc trong suốt quá trình tranh tụng.

“Thông qua vụ kiện này, chúng tôi tin rằng người dân Việt Nam đã hiểu hơn về cách mạng công nghiệp 4.0. Việc hoãn phiên tòa ngày hôm nay chứng minh rằng không có đường tắt để đạt được thành công bền vững, và tòa án không nên khuyến khích những hành vi không mong muốn như thế này.

 Các doanh nghiệp truyền thống cần không ngừng đổi mới, sáng tạo thông qua ứng dụng công nghệ để duy trì lợi thế và tính cạnh tranh, và càng không nên chọn lối thoát dễ dàng là lợi dụng tòa án để kiện đối thủ của mình trong khi vẫn duy trì tình trạng kinh doanh trì trệ”- đại diện Grab nêu quan điểm.

Ngoài phạm vi phiên tòa này, các doanh nghiệp taxi và các công ty công nghệ có thể cùng tồn tại song song, cùng học hỏi lẫn nhau để phát triển và góp phần giải quyết những thách thức to lớn của ngành GTVT.