Gây tai nạn trong hầm để xe không phải là tai nạn giao thông

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Anh tôi do uống rượu nên để ô tô đâm vào hai người chở nhau trên xe máy tại hầm để xe của một tòa nhà và đâm liên tiếp vào 4 xe máy khác. Hậu quả là cả hai người đều nguy kịch và 5 xe máy hư hỏng nặng. Xin hỏi luật sư, vụ việc này có phải là tai nạn giao thông không và anh tôi sẽ bị xử lý thế nào? Hoàng Văn Phong (Hà Nội)

Luật sư Giang Hồng Thanh trả lời:

Gây tai nạn trong hầm để xe không phải là tai nạn giao thông ảnh 1Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng VPLS Giang Thanh; Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 - Thông tư 58/2009/TT-BCA(C11) ngày 28-10-2009, quy định và hướng dẫn thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin về tai nạn giao thông đường bộ do Bộ Công an ban hành thì Tai nạn giao thông được quy định như sau: “Tai nạn giao thông là sự việc xảy ra do người tham gia giao thông đang hoạt động trên mạng lưới giao thông đường bộ vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hay gặp phải sự cố bất ngờ gây ra những thiệt hại nhất định đến tính mạng, sức khỏe của con người hoặc tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tai nạn giao thông gồm: Va chạm giao thông; Vụ tai nạn giao thông gây hậu quả ít nghiêm trọng; Vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng; Vụ tai nạn giao thông gây hậu quả rất nghiêm trọng; Vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

Theo quy định tại Điều 39 - Luật Giao thông đường bộ, hầm để xe của tòa nhà không thuộc mạng lưới giao thông đường bộ, do vậy sự việc nêu trên không phải là tai nạn giao thông đường bộ. Cụ thể, điều luật này xác định: “Mạng lưới đường bộ được chia thành 6 hệ thống, gồm quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng, quy định như sau: Quốc lộ là đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền trung tâm hành chính cấp tỉnh từ 3 địa phương trở lên; đường nối liền từ cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế đến các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên đường bộ; đường có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, khu vực; Đường tỉnh là đường nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện hoặc trung tâm hành chính của tỉnh lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Đường huyện là đường nối trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện; Đường xã là đường nối trung tâm hành chính của xã với các thôn, làng, ấp, bản và đơn vị tương đương hoặc đường nối với các xã lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã; Đường đô thị là đường trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị; Đường chuyên dùng là đường chuyên phục vụ cho việc vận chuyển, đi lại của một hoặc một số cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

Tuy nhiên, anh bạn vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, theo Điều 138 - Bộ luật Hình sự hoặc tội “Vô ý làm chết người”, theo Điều 128 - Bộ luật Hình sự hoặc tội “Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người”, theo Điều 295 Bộ luật này nếu đáp ứng đầy đủ các yếu tố cấu thành của một trong ba tội danh nêu trên. Ngoài việc có thể bị xử lý hình sự, anh bạn còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng (nếu có người chết), về sức khỏe, về tài sản cho các nạn nhân.

Nếu bị xử lý hình sự về tội “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, mức hình phạt cao nhất anh bạn có thể phải gánh chịu là 3 năm tù; Nếu bị xử lý hình sự về tội “Vô ý làm chết người”, anh bạn có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm trong trường hợp có hai người chết; Còn nếu bị xử lý về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người”, anh bạn phải đối diện với mức phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.