Gần 8.000 lao động xe buýt Hà Nội phải tạm nghỉ việc do Covid-19

ANTD.VN - Có khoảng 8.000 người lao động trong hệ thống vận tải hành khách công cộng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội vừa có văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Theo đó, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết, hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt phải dừng hoạt động từ 28/3 theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Hiện có khoảng 8.000 người lao động trong hệ thống vận tải hành khách công cộng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Hiệp hội kiến nghị hỗ trợ kinh phí chi trả tiền lương cho người lao động trong giai đoạn tạm dừng hoạt động hiện tại (từ ngày 28/3).

Cùng đó, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cũng đề nghị thành phố có cơ chế riêng hỗ trợ để các đơn vị có kinh phí chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động trong trường hợp chưa đủ điều kiện hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ.

Gần 8.000 công nhân xe buýt của thành phố phải tạm nghỉ việc do Covid-19

"Nếu tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội từ 1 tháng trở lên, các doanh nghiệp buộc phải thỏa thuận với người lao động thực hiện phương án tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; người lao động sẽ được hưởng chế độ theo gói hỗ trợ của Chính phủ (1.800.000 đồng/người/tháng).

Trong trường hợp này, có thể dẫn đến người lao động không đồng ý tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương mà xin chấm dứt hợp đồng lao động với số lượng lớn", Hiệp hội nêu.

Như vậy, khi hết dịch, xe buýt hoạt động trở lại, các đơn vị không thể ngay một lúc tuyển được số lượng lớn người lao động (đặc biệt là lái xe hạng D, hạng E) để thực hiện nhiệm vụ.

Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) là đơn vị chịu thiệt hại nặng nề nhất do việc tạm dừng hoạt động xe buýt. Đến nay, toàn bộ xe vận tải khách liên tỉnh và hợp đồng du lịch, thương mại, dịch vụ đều bị đình chỉ, khiến hầu như mọi hoạt động kinh doanh của Transerco đều tê liệt.

Từ ngày 22/3, đơn vị đã cắt giảm 20% số chuyến xe buýt (trên 1.000 lượt/ngày), đến ngày 28/3 tạm dừng toàn bộ.

Cũng từ ngày 1/4, Transerco tạm dừng toàn bộ hoạt động của các bến xe: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm nhằm góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Đại diện Transerco cho biết: “Từ ngày 28/3, chúng tôi đã buộc phải sắp xếp cho gần 7.500 người lao động nghỉ việc, trong đó có 6.000 lao động phục vụ trên các tuyến xe buýt; khoảng 1.500 lao động trong lĩnh vực kinh doanh”.

Thêm vào đó, từ ngày 1/4, đơn vị đã đóng cửa toàn bộ cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh. Những cán bộ, công nhân không thuộc diện ngừng việc, nghỉ không lương được yêu cầu làm việc trực tuyến tại nhà; chỉ người làm nhiệm vụ trực bảo vệ an ninh, an toàn tài sản cơ quan và trực sẵn sàng nhiệm vụ phục vụ được phép có mặt tại cơ quan.

Đặc biệt, Hà Nội Transerco đã đạt được sự đồng thuận tuyệt đối trong việc cắt giảm 20 - 40% tiền lương của ban lãnh đạo, cán bộ quản lý cấp Tổng công ty và cấp đơn vị trực thuộc…

Với cán bộ, công nhân viên, Transerco đã giảm ngày công khối gián tiếp, phân công luân phiên lực lượng lao động trực tiếp làm việc để tiết giảm chi phí, ổn định một phần thu nhập cho người lao động.

Với 7.500 người lao động phải nghỉ việc, Transerco cũng chủ động bằng mọi nguồn lực của mình, chi trả các khoản theo chế độ, chính sách theo đúng quy định, bảo đảm ổn định nội bộ và sẵn sàng khôi phục sản xuất ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.

“Chúng tôi rất mong  thành phố xem xét, hỗ trợ Tổng công ty 50% chi phí tiền lương cho người lao động làm việc trong khối vận tải công cộng”, đại diện Transerco kiến nghị.