Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì xây dựng đang được lấy ý kiến nhân dân trong thời gian 2 tháng từ ngày 2-6-2020 đến ngày 2-8-2020. Dự thảo Luật này gồm 08 chương 93 điều quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dự thảo Luật đã kế thừa, sửa đổi một số khái niệm, định nghĩa trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các nghị định, thông tư có liên quan. Báo An ninh Thủ đô Cuối tuần trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn dự thảo luật lần lượt qua các số báo.

Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ ảnh 1Chính phủ quy định cụ thể đối với xe đưa, đón học sinh

Chương III

PHƯƠNG TIỆN VÀ NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Mục 1

PHƯƠNG TIỆN THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 46. Điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới

1. Xe cơ giới khi tham gia giao thông phải đúng kiểu loại, thiết kế của nhà sản xuất đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và quốc tế phê duyệt, chứng nhận mẫu.  

2. Xe cơ giới phải được quản lý về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường từ khi sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và trong quá trình tham gia giao thông. 

3. Xe cơ giới phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký xe và gắn biển số xe.   

4. Xe ô tô được phép tham gia giao thông phải theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này, bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, các kết cấu của xe phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định, cụ thể như sau:

a) Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực;

b) Có hệ thống lái có hiệu lực; 

c) Tay lái của xe ô tô ở bên trái của xe; trường hợp xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ;

d) Có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu;

đ) Có vành, lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe;

e) Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn, khả năng quan sát cho người điều khiển;

g) Kính chắn gió, kính cửa, kính sau là loại kính an toàn; 

h) Có còi với âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật;

i) Có đủ bộ phận giảm thanh, giảm khói và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường;

k) Có trang bị túi khí tại vị trí ngồi của người lái xe và vị trí của người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô đối với ô tô chở người đến 09 chỗ;

l) Có ghế ngồi, giường nằm, dây đai an toàn, cơ cấu neo giữ dây đai an toàn phù hợp quy định; có hướng dẫn để lắp ghế ngồi dành cho trẻ em đối với ô tô con trong tài liệu sử dụng; 

m) Có camera quan sát khi lùi xe (lộ trình thực hiện bắt đầu từ ngày 01/01/2025 áp dụng đối với xe nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp trong nước); 

n) Xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Chính phủ; xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh theo quy định của Chính phủ;

o) Có thiết bị báo hiệu bằng chất liệu phản quang đối với xe ô tô kéo rơ moóc, xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc, xe ô tô tải có khối lượng thiết kế lớn nhất trên 3.500kg và chiều dài toàn bộ trên 10 mét;

p) Còn niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ;

q) Trường hợp cần bổ sung các điều kiện về thiết bị an toàn kỹ thuật của xe, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Chính phủ quy định cụ thể đối với xe đưa, đón học sinh. 

5. Xe máy chuyên dùng được phép tham gia giao thông phải theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này, bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường quy định tại các điểm a, b, d, e, h, i khoản 4 Điều này. Xe máy chuyên dùng còn đảm bảo các yêu cầu sau:    

a) Có hình dáng, bố trí, tổng thành, hệ thống của xe đúng với thiết kế của nhà sản xuất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chứng nhận;

b) Có các kết cấu của xe phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định;

c) Có vành, lốp, bánh xích đúng kích cỡ đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe;

d) Có bộ phận chuyên dùng phải lắp đặt đúng vị trí, chắc chắn, an toàn khi di chuyển; 

đ) hoạt động trong phạm vi quy định, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình đường bộ khi di chuyển. 

6. Xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ; xe chở người bốn bánh có gắn động cơ được phép tham gia giao thông phải theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này, bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i khoản 4 Điều này. 

7. Xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn được phép tham gia giao thông phải theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này, bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i, m, o  khoản 4 Điều này, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn còn đảm bảo các yêu cầu sau:  

a)  Có bố trí thiết bị cảnh báo khổ giới hạn của hàng hóa;

b) Lưu hành trên tuyến đường được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp phép. 

8. Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy được phép tham gia giao thông phải theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này, bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, h, i khoản 4 Điều này. 

9. Niên hạn sử dụng của xe ô tô:

a) Không quá 25 năm đối với xe ô tô chở hàng;

b) Không quá 20 năm đối với xe ô tô chở người từ 10 chỗ trở lên;

c) Niên hạn sử dụng của xe ô tô được tính bắt đầu từ năm sản xuất xe. Một số trường hợp đặc biệt khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép, niên hạn sử dụng được tính từ năm đăng ký xe ô tô lần đầu;

d) Niên hạn sử dụng của xe ô tô kinh doanh vận tải, xe hoán cải chuyển đổi công năng thực hiện theo quy định của Chính phủ và không trái với quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản này;

đ) Không áp dụng quy định tại điểm a, điểm b khoản này đối với xe ô tô của Quân đội, Công an phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh. 

10. Chính phủ quy định tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới nhập khẩu và xe cơ giới sản xuất sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.

Điều 47. Điều kiện tham gia giao thông của xe thô sơ

1. Khi tham gia giao thông, xe thô sơ có hệ thống hãm còn tác dụng và phải bảo đảm điều kiện an toàn giao thông đường bộ.

2. Hoạt động trong phạm vi theo quy định.

Điều 48. Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền về cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe

1. Thực hiện cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe theo đúng quy định của pháp luật. 

2. Cập nhật thông tin khai báo của chủ xe khi thay đổi địa chỉ; xe hết niên hạn sử dụng, xe hỏng không sử dụng được, xe bị phá hủy do nguyên nhân khách quan, xe mất cắp để làm thủ tục thu hồi đăng ký, biển số xe theo quy định.

3. Thông báo xe hết niên hạn sử dụng, xe không được phép lưu hành theo quy định của pháp luật cho chủ xe biết, thực hiện thu hồi đăng ký, biển số xe và  xử lý theo quy định của pháp luật.      

4. Quản lý hồ sơ, dữ liệu đăng ký xe cơ giới.  

Điều 49. Trách nhiệm của chủ xe cơ giới 

1. Chấp hành các quy định của pháp luật về đăng ký xe; đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của xe và hồ sơ đăng ký xe; xuất trình giấy tờ tùy thân để chứng minh địa chỉ cư trú hợp pháp, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu phương tiện; đưa xe đến cơ quan đăng ký xe để đối chiếu thực tế của xe, nộp lệ phí đăng ký, cấp biển số xe theo quy định.   

2.  Khai báo cho cơ quan có thẩm quyền quản lý đăng ký biển số xe biết khi thay đổi địa chỉ thường trú để làm thủ tục đổi lại giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe.

3. Khi hoàn thành chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân bán, cho, tặng hoặc điều chuyển xe phải nộp lại giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe cho cơ quan đăng ký xe.      

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng, được phân bổ, thừa kế xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký, biển số.  

4. Nộp lại giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe khi xe hết niên hạn sử dụng, xe hỏng không sử dụng được, xe bị phá hủy do nguyên nhân khách quan, xe mất cắp để cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe.   

5. Khai báo với cơ quan đăng ký xe khi thay đổi màu sơn, cải tạo xe.

6. Không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. 

Điều 50. Cấp đăng ký và biển số xe cơ giới

1. Điều kiện đăng ký, cấp biển số xe cơ giới;

a) Xe cơ giới có nguồn gốc hợp pháp theo quy định của pháp luật; bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; 

b) Căn cước công dân hoặc các giấy tờ chứng minh nơi thường trú của chủ sở hữu phương tiện (khi có cơ sở dữ liệu về Căn cước công dân không áp dụng quy định này); Căn cước công dân của người đến làm thủ tục (đối với phương tiện thuộc sở hữu của cơ quan, tổ chức); Giấy giới thiệu của Cục Lễ tân Nhà nước hoặc Sở Ngoại vụ (đối với xe của cơ quan và người làm việc trong các đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam);

c) Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu phương tiện;

d) Thực hiện đầy đủ các loại thuế, phí theo quy định của pháp luật;

đ) Cơ quan đăng ký xe cấp ngay biển số và cấp giấy chứng nhận đăng ký xe không quá 2 ngày làm việc khi có đủ điều kiện quy định.

2. Những trường hợp không được cấp đăng ký và biển số xe: 

a) Hồ sơ không đảm bảo theo quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Xe cơ giới tranh chấp dân sự, xe có vị trí lắp đặt biển số gây khó khăn cho người quan sát và không đúng các quy định khác của pháp luật;

c) Xe cơ giới không được phép lưu hành theo quy định của pháp luật; xe có kết luận của cơ quan có thẩm quyền bị cắt hàn số máy, số khung hoặc chỉ cắt hàn số máy hoặc số khung hoặc xe đục số máy, số khung hoặc đục số máy hoặc đục số khung;

d) Xe cơ giới vi phạm về an ninh, trật tự: Tự ý thay đổi màu sơn, kẻ vẽ, quảng cáo, lắp đặt thiết bị lên xe, thay đổi tính năng sử dụng của xe không đúng quy định.    

3. Các hình thức cấp biển số xe cơ giới: 

a) Cấp biển số xe trên hệ thống đăng ký, quản lý xe;

b) Cấp biển số xe ô tô thông qua đấu giá; 

c) Cấp biển số xe theo sở thích có thu phí.

4. Đăng ký xe tạm thời: 

a) Đăng ký xe tạm thời áp dụng đối với: Xe chưa được đăng ký, cấp biển số chính thức, có nhu cầu tham gia giao thông; xe hoạt động trong phạm vi hạn chế khi di chuyển ra ngoài khu vực hạn chế; xe tái xuất ra nước ngoài; xe phục vụ hội nghị do Đảng, Nhà nước, Chính phủ tổ chức và xe thay đổi chủ sở hữu;

b) Giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời có giá trị thời hạn sử dụng tối đa 30 ngày. Xe nhập khẩu; tạm nhập tái xuất có thời hạn, quá cảnh; xe được cơ quan có thẩm quyền cho phép vào Việt Nam để phục vụ hội nghị, hội chợ, triển lãm, thể dục thể thao, xe nước ngoài vào du lịch tại Việt Nam thì giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời có giá trị sử dụng theo thời hạn do cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động tại Việt Nam;

c) Xe đăng ký tạm thời được phép tham gia giao thông theo thời hạn, tuyến đường và phạm vi hoạt động ghi trong giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời;

d) Chủ xe được đăng ký tại cơ quan đăng ký xe nơi gần nhất. 

5. Giấy chứng nhận đăng ký xe:

a) Giấy chứng nhận đăng ký được viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh, có mã QR và các trường thông tin: Số biển số xe; Họ tên, địa chỉ chủ xe; Nhãn hiệu, số loại, màu sơn; Số khung, số máy; trọng tải, số người cho phép chở (ô tô); Thời hạn sử dụng.

b) Giấy chứng nhận đăng ký xe được ghi theo niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ.

c) Giấy chứng nhận đăng ký xe người nước ngoài làm việc trong các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, chuyên gia ODA, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mời về nước làm việc có giá trị theo thời gian làm việc tại Việt Nam. 

d) Giấy chứng nhận đăng ký xe của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế có giá trị đăng ký lần đầu là 05 năm, được gia hạn 03 năm/lần.  

6. Biển số xe: 

Số đăng ký bao gồm số Ả rập và chữ cái La tinh viết hoa; Chữ và số trên biển số đăng ký phải được nhìn thấy rõ trong điều kiện ánh sáng bình thường ban ngày từ khoảng cách ít nhất 40m; Xe ô tô phải được gắn biển số đăng ký vào phía trước và phía sau xe; các xe khác gắn ít nhất một biển số vào phía sau xe. Biển số phải phẳng và lắp vuông góc mặt phẳng chạy dọc theo trung tâm xe. 

7. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng sử dụng vào mục đích quốc phòng.        

Điều 51. Thu hồi đăng ký và biển số xe cơ giới 

Các trường hợp phải thu hồi đăng ký và biển số xe cơ giới (trừ biển số xe ô tô trúng đấu giá):

1. Xe cơ giới hỏng không sử dụng được hoặc xe bị phá hủy do nguyên nhân khách quan.  

2. Xe cơ giới tháo máy, khung để thay thế cho xe khác.

3. Xe cơ giới tạm nhập của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tái xuất hoặc chuyển nhượng tại Việt Nam.

4. Xe cơ giới được miễn thuế nhập khẩu, nay chuyển nhượng sang mục đích khác.

5. Xe cơ giới đăng ký tại các khu kinh tế - thương mại đặc biệt hoặc khu kinh tế cửa khẩu quốc tế theo quy định của Chính phủ khi tái xuất hoặc chuyển nhượng vào Việt Nam. 

6. Xe cơ giới bị mất cắp, chiếm đoạt không tìm được, chủ xe đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe.

7. Xe cơ giới hết niên hạn sử dụng; xe không được phép lưu hành theo quy định của pháp luật; xe có kết luận của cơ quan thẩm quyền bị cắt hàn hoặc đục lại số máy, số khung hoặc số máy hoặc số khung. 

8. Xe cơ giới thuộc diện sang tên, chuyển quyền sở hữu. 

9. Xe cơ giới đã đăng ký nhưng phát hiện hồ sơ xe giả hoặc cấp biển số không đúng quy định. 

Điều 52. Bảo đảm quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ 

1. Việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới, tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 46 của Luật này; Không được cải tạo các xe ô tô khác thành xe ô tô chở người.

2. Xe cơ giới khi tham gia giao thông đường bộ phải được kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (sau đây gọi là kiểm định) tại khoản 4, 5, 6, 7 Điều 46 Luật này. Xe cơ giới phải được kiểm định trên dây chuyền kiểm định tại Trung tâm kiểm định xe cơ giới, với các nội dung trong hệ thống kiểm định. Trường hợp xe quá khổ, quá tải, xe hoạt động tại các vùng đảo, vùng sâu, vùng xa không đủ điều kiện đưa xe tới Trung tâm kiểm định xe cơ giới thì được kiểm tra trên đường thử ngoài dây chuyền.

3. Xe cơ giới kiểm định đạt yêu cầu được cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định. Trường hợp xe quá khổ, quá tải cầu đường, xe hoạt động trong phạm vi hạn chế, xe không được phép tham gia giao thông, xe không có nhu cầu tham gia giao thông thì không cấp tem kiểm định.

4. Xe cơ giới tham gia giao thông phải được bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo duy trì tình trạng kỹ thuật của xe theo hướng dẫn, khuyến cáo của nhà sản xuất.

5. Người đứng đầu Trung tâm kiểm định xe cơ giới và người trực tiếp thực hiện việc kiểm định (đăng kiểm viên) phải chịu trách nhiệm về việc xác nhận kết quả kiểm định.

6. Chủ sở hữu, người lái xe cơ giới chịu trách nhiệm duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của xe cơ giới theo tiêu chuẩn quy định khi tham gia giao thông đường bộ giữa hai kỳ kiểm định.

7. Chính phủ quy định công tác kiểm định xe cơ giới; điều kiện, tiêu chuẩn Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới; điều kiện đăng kiểm viên.

Điều 53. Quản lý xe ô tô tự lái

1. Xe ô tô tự lái (không có người lái) chỉ được hoạt động trong phạm vi quy định và phải đảm bảo các điều kiện về an toàn giao thông, an ninh, trật tự. 

2. Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện tham gia giao thông của xe ô tô tự lái. 

Điều 54. Kiểm soát khí thải đối với phương tiện tham gia giao thông

1. Việc kiểm soát khí thải đối với phương tiện tham gia giao thông được thực hiện trong quá trình kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện và trong quá trình phương tiện tham gia giao thông.

2. Xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm định về phát khí thải theo quy định.

3. Chính phủ quy định về đối tượng, lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và xe cơ giới tham gia giao thông.

4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe cơ giới sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và khí thải xe cơ giới tham gia giao thông theo lộ trình đã được Chính phủ quy định. 

Điều 55. Sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng kỹ thuật phương tiện để đảm bảo duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện

1. Các cơ sở sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện cơ giới đường bộ phải đảm bảo về tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật và có trách nhiệm cập nhật, theo dõi lịch trình sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện; người quản lý, điều hành các cơ sở sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện cơ giới đường bộ phải có kiến thức chuyên môn về sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. 

2. Các cơ sở sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện cơ giới đường bộ phải kết nối, cung cấp thông tin sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện với cơ quan đăng kiểm, cơ quan đăng ký xe khi có yêu cầu.

Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ ảnh 2Từ tháng 6-2020, bằng lái xe in mã hai chiều (QR) vào mặt sau để đọc, giải mã nhanh thông tin trên bằng lái khi quét mã bằng điện thoại thông minh

Mục 2

NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 56. Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông 

1. Người lái xe khi tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe quy định tại Điều 58 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp. 

Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái, trên tuyến đường tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái theo quy định của pháp luật. 

Người dự sát hạch lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hiện trên xe sát hạch, trên tuyến đường sát hạch và có sát hạch viên bảo trợ tay lái theo quy định của pháp luật.

2. Người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe phù hợp với ngành nghề lao động có chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng do cơ sở đào tạo người điều khiển xe máy chuyên dùng cấp và giấy phép lái xe ô tô hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng có cần trục bánh lốp phải có giấy phép lái xe hạng C. 

Điều 57. Giấy phép lái xe

1. Căn cứ vào kiểu loại, công suất động cơ, tải trọng và công dụng của xe cơ giới, giấy phép lái xe được phân thành giấy phép lái xe không thời hạn và giấy phép lái xe có thời hạn.

2. Giấy phép lái xe không thời hạn bao gồm các hạng sau đây:

a) Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3;

b) Hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;

c) Hạng A3 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự.

3. Người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng A1.

Người khuyết tật điều khiển xe ô tô có cơ cấu điều khiển phù hợp với tình trạng khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng B1.

4. Giấy phép lái xe có thời hạn gồm các hạng sau đây:

a) Hạng A4 cấp cho người lái máy kéo có trọng tải đến 1.000 kg;

b) Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg;

c) Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg;

d) Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên, xe máy chuyên dùng có cần trục bánh lốp và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2;

đ) Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2, C;

e) Hạng E cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D;

g) Giấy phép lái xe hạng FB2, FD, FE cấp cho người lái xe đã có giấy phép lái xe hạng B2, D, E để lái các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng này khi kéo rơ moóc hoặc xe ô tô chở khách nối toa; hạng FC cấp cho người lái xe đã có giấy phép lái xe hạng C để lái các loại xe quy định cho hạng C khi kéo rơ moóc, đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc.

5. Người có giấy phép lái xe ô tô được điều khiển xe ô tô chuyên dùng có trọng tải và số chỗ ngồi tương ứng với trọng tải và số chỗ ngồi được quy định theo hạng giấy phép lái xe.

6. Giấy phép lái xe có giá trị sử dụng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, bao gồm:

a) Giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp;

b) Giấy phép lái xe quốc tế;

c) Giấy phép lái xe của nước hoặc vùng lãnh thổ mà Việt Nam ký cam kết công nhận giấy phép lái xe của nhau.

7. Giấy phép lái xe quốc tế

a) Giấy phép lái xe quốc tế là giấy phép lái xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các nước tham gia Công ước Viên cấp theo một mẫu thống nhất; có thời hạn không quá 03 năm, kể từ ngày cấp và phải phù hợp với thời hạn còn hiệu lực của giấy phép lái xe quốc gia;

b) Người có giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp khi điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông trên lãnh thổ nước tham gia Công ước Viên phải mang theo giấy phép lái xe quốc tế và giấy phép lái xe quốc gia; tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ của nước sở tại;

c) Người có giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước Viên cấp khi điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam phải mang theo giấy phép lái xe quốc tế và giấy phép lái xe quốc gia được cấp phù hợp với hạng xe điều khiển; phải tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ của Việt Nam;

d) Người có giấy phép lái xe quốc tế vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ Việt Nam mà bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe quốc tế có thời hạn thì thời hạn bị tước không quá thời gian người lái xe được phép cư trú tại lãnh thổ Việt Nam.

Điều 58. Tuổi, sức khỏe của người lái xe

1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:

a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3, xe máy điện;

b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi và xe máy chuyên dùng;

c) Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2); 

d) Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);

đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);

e) Tuổi tối đa của người hành nghề lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi phù hợp với tuổi lao động được quy định trong Bộ luật Lao động.

2. Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. 

3. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ người lái xe, cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin liên quan đến sức khỏe người lái xe. 

(Xem tiếp Báo An ninh Thủ đô Cuối tuần ra ngày 12-7-2020)