Dịch nCoV "thổi bay" hàng nghìn tỷ đồng của ngành hàng không

ANTD.VN - Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay đi Trung Quốc do dịch nCoV của các hãng hàng không Việt Nam lên tới khoảng hơn 10.000 tỷ đồng.

Số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trước khi có dịch nCoV, thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc có 14 hãng của cả hai nước tham gia khai thác, trong đó có 11 hãng Trung Quốc (tổng tần suất đạt 240 chuyến/chiều/tuần) và 3 hãng nội địa gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air (khai thác 72 đường bay từ 5 điểm tại Việt Nam đến 48 điểm tại Trung Quốc với tổng tần suất đạt 276 chuyến/chiều/tuần thường lệ và 145 chuyến/tuần/chiều không thường lệ).

Trong năm 2019, lượng khách trên các đường bay giữa Việt Nam - Trung Quốc đạt khoảng hơn 7,5 triệu khách trong đó hơn 4,6 triệu là do các hãng hàng không trong nước vận chuyển.

Hàng không thiệt hại nặng nề do dịch nCoV

Sau khi có thông tin về dịch nCoV, từ ngày 23/1/2020, Cục Hàng không Việt Nam đã công bố hủy toàn bộ phép bay khai thác từ Việt Nam đi - đến Vũ Hán và đến ngày 1/2/2020 thì hủy toàn bộ phép bay đã cấp và không cấp phép bay mới cho các hãng hàng không hai nước khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc. Việc cấp phép mới chỉ được thực hiện sau khi được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Việt Nam không thực hiện thủ tục nhập cảnh tại các cửa khẩu hàng không đối với với hành khách không mang quốc tịch Việt Nam đã ở hoặc quá cảnh Trung Quốc lục địa trong vòng 14 ngày trước khi đi/đến Việt Nam.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, thị trường Trung Quốc đang chiếm khoảng hơn 18% thị trường quốc tế. Riêng với các hãng hàng không trong nước, thị trường này chiếm tới 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế.

Việc dừng khai thác thị trường này khiến các hãng hàng không Việt Nam mất doanh thu của trung bình 400.000 khách/tháng. Chỉ riêng từ ngày 1 - 7/2/2020 (1 tuần sau khi dừng khai thác Trung Quốc), tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam đạt 1,95 triệu khách, giảm 4,5% so cùng kỳ năm 2019, trong đó riêng thị trường quốc tế giảm 14,1%).

Sản lượng vận chuyển của các hãng không Việt Nam đạt 1,06 triệu khách giảm 4%, trong đó vận chuyển quốc tế giảm 28% so cùng kỳ năm 2019.

“Sơ bộ cho thấy, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay này của các hãng hàng không Việt Nam lên tới khoảng hơn 10.000 tỷ đồng”, Cục Hàng không Việt Nam thông tin.

Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hãng hàng không duy trì hoạt động khai thác, vượt qua khó khăn trong gian đoạn này, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế giảm giá dịch vụ hàng không do Nhà nước quản lý (giá dịch vụ điều hành bay đi - đến, hạ/cất cánh) cũng như chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không có các biện pháp giảm giá, phí do doanh nghiệp quyết định cho các hãng hàng không Việt Nam.