Để chặn đứng các vụ tai nạn giao thông thảm khốc ban đêm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên tiếp các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra liên quan đến việc xe khách chạy ban đêm khiến dư luận lo ngại. Một lần nữa, vấn đề  kiểm soát việc lái xe đường dài ban đêm lại được đặt ra.

Đầu xe tải biến dạng sau cú đâm trực diện với xe khách ở Bình Thuận vào rạng sáng 21-7-2020

Những vụ tai nạn đau lòng

Vụ TNGT thảm khốc xảy ra trên QL1 đoạn qua huyện Hàm Tân, Bình Thuận xảy ra vào khoảng hơn 1h sáng 21-7 vừa qua vẫn chưa khiến dư luận hết bàng hoàng. Cụ thể, cú va chạm nghiêm trọng giữa ôtô khách 16 chỗ BSK: 86B-01087 (xe Anh Trinh - Hàm Thắng) đi hướng Phan Thiết - Đồng Nai và ô tô tải BKS: 79N-0315 đi hướng ngược lại đã khiến 8 người chết và 7 người bị thương. Quá trình điều tra, lực lượng chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do xe khách đi lấn làn, đâm vào xe tải đi chiều ngược lại.

Chỉ trước đó chục ngày, một vụ tai nạn thảm khốc khác cũng xảy ra trên địa bàn tỉnh Kon Tum làm 5 người chết. Vào khoảng 4h sáng 11-7, tại Km23+850 QL14C, thuộc địa bàn xã Rờ Koi, huyện Sa Thầy, Kon Tum, xe khách giường nằm BKS: 36B-022.32 (trên xe chở 38 người) đã lao xuống vực sâu 20m. Hậu quả, 5 người chết, 30 người bị thương, cảnh sát PCCC phải cắt xe để đưa các nạn nhân kẹt bên trong (bao gồm 5 nạn nhân đã xác định tử vong) ra ngoài. Đáng nói, trong quá trình điều tra, lực lượng chức năng phát hiện một phụ xe dương tính với ma túy. 

Trước hàng loạt vụ tai nạn thảm khốc xảy ra liên tiếp, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các bộ, ngành và UBND các địa phương có tai nạn xảy ra yêu cầu điều tra làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm vi phạm. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Bình Thuận và công an các địa phương có xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân; lưu ý kiểm tra về nồng độ cồn và chất ma túy trong cơ thể lái xe để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả xử lý trách nhiệm của chủ xe và doanh nghiệp kinh doanh vận tải khi để xảy ra tình trạng lái xe có vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy.

Đồng thời, có phương án kiểm tra và xử lý vi phạm đối với xe chở khách, xe chở hàng hoạt động trong thời gian từ 21h đến 5h sáng. Bộ GTVT cùng với các Sở GTVT địa phương kiểm tra toàn diện việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với doanh nghiệp là chủ sở hữu phương tiện trong vụ tai nạn, kiểm tra điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến quốc lộ như QL1, QL5, QL14, QL51.

Chuyện cũ vẫn mới

Cũng cần phải nhắc lại rằng, vấn đề liệu có nên cấm xe khách, đặc biệt là xe khách chạy đường dài, đường đồi núi vào ban đêm đã được đặt ra nhiều lần khi hàng loạt vụ TNGT thảm khốc được dư luận quan tâm. Thậm chí, năm 2012, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất, cấm xe khách chạy ban đêm vì tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã bác bỏ đề xuất này. 

Bộ GTVT cũng đã nhiều lần yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Cục Đăng kiểm Việt Nam; Vụ Khoa học công nghệ; Vụ An toàn giao thông; Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý hoạt động của xe khách giường nằm và xe khách chạy đêm. Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô khảo sát kỹ điều kiện kết cấu hạ tầng trên tuyến đường, nghiên cứu xây dựng phương án hoạt động trong đó có phương án sử dụng xe giường nằm phù hợp đối với điều kiện của mỗi tuyến đường, đặc biệt các tuyến đường đèo dốc, quanh co, có tầm nhìn hạn chế.

Đối với xe giường nằm, xe chạy đêm có hành trình chạy liên tục từ 4 tiếng trở lên, đơn vị kinh doanh vận tải phải bố trí đảm bảo mỗi lái xe chỉ lái liên tục tối đa 4 tiếng sau đó phải thay ca cho lái xe khác (thời điểm chạy đêm tính từ 20h hôm trước đến 8h hôm sau). Bộ GTVT cũng yêu cầu rà soát, tổng hợp số lượng xe khách giường nằm và xe chạy đêm tại địa phương mình và yêu cầu các doanh nghiệp lập phương án hoạt động theo chỉ đạo của Bộ GTVT để theo dõi, kiểm tra thực hiện…

Cuối năm 2013, Bộ GTVT tiếp tục yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường quản lý hoạt động của xe khách giường nằm và xe khách chạy đêm. Yêu cầu Tổng cục Đường bộ nghiên cứu đề xuất các quy định quản lý xe giường nằm, xe chạy đêm và đưa vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Là một người thường xuyên di chuyển bằng xe khách ban đêm từ Hà Nội về Hà Tĩnh, anh Nguyễn Đức Hùng ở Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội chia sẻ: “Tôi chọn di chuyển bằng xe khách chạy đêm từ Hà Nội về Hà Tĩnh vì khá tiện lợi, tiết kiệm thời gian. Thông thường, khoảng 21h tôi từ Hà Nội bắt xe khách đi, lên xe ngủ một giấc là đã về đến Hà Tĩnh mà không mất thời gian ban ngày”. Theo anh Hùng cũng như nhiều người thường xuyên di chuyển bằng xe khách đêm, mặc dù có lo ngại đến vấn đề an toàn, nhưng vì tính tiện lợi cũng như tiết kiệm thời gian nên nhiều người vẫn lựa chọn. 

Việc lái xe ban đêm luôn tiềm ẩn nhiều mối nguy, vì vậy cần siết chặt các điều kiện về an toàn đối với lái xe và doanh nghiệp

Tăng cường cơ chế giám sát người điều khiển phương tiện

Bày tỏ quan điểm về xe đường dài chạy đêm dễ gây tai nạn thảm khốc, Tiến sỹ Trần Hữu Minh - Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, về nhịp sinh học của con người, từ 23h - 6h sáng là khung thời gian nghỉ ngơi nên lái xe thường mệt mỏi và buồn ngủ. Bên cạnh đó, đây cũng là khoảng thời gian đường vắng cộng với quan niệm lực lượng chức năng ít kiểm soát, xử phạt, nên lái xe có tâm lý chủ quan dễ chạy quá tốc độ, vượt ẩu.

Thêm nữa, ban đêm chiếu sáng kém nên lái xe nhận diện và phản ứng với tình huống sẽ chậm hơn. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, số vụ tai nạn xảy ra vào ban đêm, từ 18h - 6h sáng thường lớn hơn gấp 2 - 3 lần so với ban ngày và những vụ TNGT liên quan tới giấc ngủ chiếm tới 30% tổng các vụ TNGT trong một năm. Điều này phần nào cho thấy, việc lái xe khi trời tối luôn tiềm ẩn nhiều mối nguy, đòi hỏi người lái phải cẩn trọng hơn.

Sẽ bổ sung thêm quy định để siết chặt xe khách chạy đêm

Việc kiểm soát thời gian của lái xe trước hết là trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ tổng hợp dữ liệu kiểm tra xử lý. Điều 12 của Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đã quy định cụ thể về thiết bị giám sát hành trình. Theo đó, thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng trong quản lý Nhà nước, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và được kết nối, chia sẻ với Bộ Công an, Bộ Tài chính để thực hiện quản lý Nhà nước về trật tự, ATGT; an ninh, trật tự; thuế. Tại Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT bổ sung nhiều quy định để siết chặt các điều kiện về an toàn đối với lái xe và doanh nghiệp.

Ông Đỗ Công Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Dưới góc độ doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Quốc Mạnh - Giám đốc Công ty CP vận tải ô tô Điện Biên cho rằng, tai nạn xảy ra trước hết là trách nhiệm của chủ phương tiện và người lái. Từ vụ xe khách lao qua lan can cầu Serepok cách đây nhiều năm đến vụ ở Bình Thuận vừa qua cho thấy phần lớn do lỗi lái xe chứ không phải do lỗi kỹ thuật. Theo ông Mạnh, trước áp lực do cạnh tranh cung - cầu khốc liệt trong vận tải, cộng với việc kiểm soát nới lỏng và hành vi khoán trắng cho người lái xe nên sức khỏe, tinh thần của người lái hay bộ phận quản lý ATGT của doanh nghiệp không được quan tâm.

Việc phối kết hợp giữa các lực lượng trong kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm vào ban đêm cũng gần như đang bị bỏ ngỏ. Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, theo quy định, người điều khiển phương tiện không được lái quá 10 giờ/ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ, cả doanh nghiệp lẫn lái xe đều phải có trách nhiệm thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm soát, xử lý các vi phạm về chạy quá thời gian, quá tốc độ, lái xe đều chạy quá số giờ quy định chưa được chú trọng.

Bởi vậy, TS Trần Hữu Minh cho rằng, đã đến lúc cần siết chặt các quy định khi vận chuyển trong thời gian ban đêm. Trong đó, cần quy định rõ lái xe phải được nghỉ ngơi đầy đủ và quy định cụ thể người chịu trách nhiệm giám sát. Bên cạnh đó, cần xây dựng định pháp luật nghiêm cấm gây sức ép về thời gian với lái xe, lái xe cần được cung cấp đầy đủ các phân tích về rủi ro trên lộ trình.

Đề cập đến quy định thời gian của lái xe, ông Minh cho rằng, ban đêm cần buộc phải chuyển lái không quá 2 giờ thay vì 4 giờ như hiện nay và tốc độ tối đa ban đêm thấp hơn ban ngày 10km/h. Cần tiếp tục lắp đặt  camera phạt nguội dày đặc trên các quốc lộ và tim đường phải có đinh phản quang để hỗ trợ người lái xe ban đêm. “Cùng đó, cần đưa thêm các kiến thức kỹ năng lái xe ban đêm vào trong đào tạo sát hạch lái xe, đặc biệt với lái xe kinh doanh vận tải.

CSGT cần tăng cường kiểm tra trên xe có dây bảo hiểm và xử phạt nghiêm việc không thắt dây bảo hiểm trên xe kinh doanh vận tải. Nếu những người trên xe thắt dây bảo hiểm, số thương vong sẽ giảm đi tới 70%. Để có căn cứ thực hiện, tất cả các nội dung trên phải được bổ sung vào quy các văn bản pháp luật hiện hành” - ông Minh đề xuất.

Theo ông Đỗ Công Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc kiểm soát thời gian của lái xe trước hết là trách nhiệm của doanh nghiệp. Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ tổng hợp dữ liệu kiểm tra xử lý. “Điều 12 của Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đã quy định cụ thể về thiết bị giám sát hành trình.

Theo đó, thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng trong quản lý Nhà nước, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và được kết nối, chia sẻ với Bộ Công an, Bộ Tài chính để thực hiện quản lý Nhà nước về trật tự, ATGT, an ninh trật tự, thuế. Tại Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT bổ sung nhiều quy định để siết chặt các điều kiện về an toàn đối với lái xe và doanh nghiệp” - ông Thủy nói.

Trong văn bản trả lời cử tri mới đây, Bộ GTVT cũng cho biết, Bộ GTVT đang giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý lái xe kinh doanh vận tải. Theo đó, lái xe sẽ được quản lý từ lúc bắt đầu tới khi kết thúc hoạt động lái xe kinh doanh vận tải. Đồng thời, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra và chỉ đạo các Sở GTVT tăng cường kiểm tra về kinh doanh và điều kiện kinh doanh tại đơn vị vận tải, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.