Công ty vận tải Hà Tây có thể dừng chạy xe buýt tuyến 72 vì thiếu tiền

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Do lượng khách được trợ giá, miễn giảm lớn nhưng lại không được chi trả tiền kịp thời, Công ty CP ô tô vận tải Hà  Tây cho biết, sẽ dừng không vận hành tuyến buýt số 72 từ giữa tháng 7 tới đây. 

Tổng Giám đốc Công ty CP ô tô Vận tải Hà Tây Nguyễn Quang Minh cho biết, hiện nay, đơn vị đang thực hiện việc cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tuyến số 72 (bến xe Yên Nghĩa-Xuân Mai) theo hợp đồng có nguyên tắc số 25/HĐ-TTĐH ký ngày 30/3/2016.

Từ thời điểm 1/9/2019, thực hiện Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội về việc “mở rộng đối tượng được sử dụng xe buýt miễn phí cho người cao tuổi” đã làm tăng đột biến số lượng hành khách sử dụng xe buýt miễn phí mà trước đây đang sử dụng vé lượt hoặc vé tháng ưu tiên, do đó làm giảm doanh thu của Công ty với số lượng rất lớn.

Công ty CP ô tô vận tải Hà Tây "dọa" dừng chạy tuyến buýt số 72 do hết tiền

Ngày 10/3/2020, Công ty đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội về việc đề nghị điều chỉnh doanh thu trợ giá tuyến buýt 72 và đã được UBND TP Hà Nội có ý kiến chỉ đạo Sở GTVT tham mưu theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, ngày 29/6/2020, Sở GTVT đã có văn bản số 3598/SGTVT-KHTC phúc đáp nhưng không xét đến đề nghị cụ thể của Công ty về việc điều chỉnh doanh thu trợ giá.

“Việc Sở GTVT không đưa ra kế hoạch và thời gian cụ thể giải quyết việc tồn tại này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc vận hành hoạt động tuyến xe buýt 72 của Công ty”- lãnh đạo Công ty CP ô tô vận tải Hà Tây cho hay.

Do vậy, để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng đã ký giữa Công ty CP ôtô vận tải Hà Tây và Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, Công ty đề nghị UBND TP Hà Nội, Sở GTVT xem xét và có ý kiến cụ thể về việc điều chỉnh doanh thu trợ giá theo số liệu mà Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội đã khảo sát, tính toán và báo cáo.

“Nếu đến ngày 15/7/2020, các cơ quan chức năng không có ý kiến chính thức phúc đáp bằng văn bản về thời hạn cũng như hướng giải quyết, khi đó, Công ty CP ôtô vận tải Hà Tây buộc phải tạm ngừng phục vụ hành khách công cộng trên tuyến buýt số 72”- ông Minh khẳng định.

Đại diện Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội thông tin, hiện nay, Sở GTVT đang khảo sát và báo cáo thành phố Hà Nội tháo gỡ về việc này. Do chính sách miễn phí xe buýt cho người cao tuổi là chính sách mới áp dụng, doanh nghiệp nên đồng hành cùng với Sở GTVT và  TP Hà Nội để tháo gỡ.

Thực trạng buýt có trợ giá nhưng thu không đủ bù chi này cũng diễn ra đồng thời tại TP.HCM khi mới đây, 10 đơn vị vận tải xe buýt đã cùng nhau kiến nghị UBND TP.HCM và các Sở ngành thanh toán các khoản công nợ do trợ giá xe buýt.

Lý do được các đơn vị xe buýt đưa ra là do Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã khoán sản lượng hành khách quá cao, không sát thực tế, khoán tăng thêm doanh thu bán vé để bù đắp phần thiếu hụt kinh phí trợ giá xe buýt; chậm thanh quyết toán các khoản công nợ và hợp đồng đặt hàng qua các năm.

Hệ quả là các doanh nghiệp, hợp tác xã không đủ chi phí trả lương, nhiên liệu và chậm trả tiền lãi vay mua xe cho các ngân hàng. Từ đó, một số tuyến xe buýt đã xảy ra đình công hoặc buộc tạm dừng hoạt động khai thác.

Theo số liệu thống kê của Sở GTVT, mạng lưới vận tải công cộng bằng xe buýt của Thủ đô Hà Nội gồm 126 tuyến, trong đó có 104 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City Tour.

Đến tháng 5/2020, số phương tiện toàn mạng là 2.000 xe (buýt trợ giá là 1.681 xe). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng vận tải hành khách công cộng xe buýt chỉ đạt 48,2% so với cùng kỳ năm 2019.