Chuyến bay chậm một phút, doanh nghiệp mất 100 USD

ANTD.VN - Ông Lương Thế Phúc, Phó Tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet air cho rằng, không hãng hàng không nào muốn việc chậm, hủy chuyến xảy ra. Bởi, chuyến bay chỉ chậm 1 phút nhưng doanh nghiệp chịu thiệt hại đến 100 USD.

Số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2018, chỉ số tỷ lệ bay đúng giờ (chỉ số OTP) của Vietjet Air đạt 83%, Jetstar Pacific đạt 79% và Vietnam Airlines đạt 88%. Trong khi đó, mức bình quân của thế giới ở mức 75%.

Theo ông Đinh Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm điều hành, khai thác Vietnam Airlines, Vietnam Airlines quy định thống nhất chuyến bay đi đến đúng giờ là chuyến bay có giờ khởi hành thực tế không muộn quá 15 phút so với giờ và khởi hành đến sân bay theo lịch bay đến, đi công bố của ngày hôm trước.

Các yếu tố dẫn đến chậm, hủy chuyến bay được ông Tuấn cho hay, như thời tiết, không lưu, sân bay, khách nối chuyến, an ninh, y tế... và cả yếu tố chủ quan của hãng như máy bay dự phòng, tổ bay, các dịch vụ mặt đất gồm khâu bán vé, phục vụ ăn, check-in vé bay...

Các hãng hàng không thông tin, chuyến bay bị chậm một phút doanh nghiệp mất 100 USD

“Thời gian qua, khoảng 60-70% nguyên nhân chậm, hủy chuyến hàng không liên quan đến thời tiết, đặc biệt là các đường bay quốc tế do bão. Đơn cử như cơn bão Trami đổ bộ vào Nhật Bản, các chuyến bay từ Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng của Vietnam Airlines đến Nhật bị ảnh hưởng do điều chỉnh hướng chuyến bay, phải bay vòng xa hơn 40 phút”, ông Tuấn nêu dẫn chứng.

Tại đường bay Trung Quốc do quá đông, có chuyến Vietnam Airlines phải chờ 4 tiếng mới được cấp slot bay (lịch bay) nên ảnh hưởng dây chuyến đến thời gian các chuyến bay tiếp theo.

Đại diện Vietnam Airlines tính toán, mỗi phút chậm chuyến, hãng thiệt hại từ 50-55 USD.

Còn ông Lương Thế Phúc, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air cho rằng, không một hãng bay nào lại muốn để xảy ra chậm, huỷ chuyến bởi cứ chậm một phút, Vietjet Air thiệt hại khoảng 100 USD về chi phí. Không chỉ thiệt hại về tài chính, hãng còn mất uy tín với khách hàng, trong khi hành khách bị ảnh hưởng về thời gian đi lại.

“Chỉ số chuyến bay đúng giờ được coi là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá thực hiện công việc. Vietjet giao nhiệm vụ cho đơn vị, từng cung đoạn, từng khâu trong dây chuyền. Đơn vị nào thực hiện không đúng giờ, sau sẽ bị xử phạt đồng thời hãng luôn quán triệt văn hoá đúng giờ trong công ty”, ông Phúc thông tin.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không dân dụng quốc tế (IATA), có khoảng 100 nguyên nhân dẫn đến chậm, huỷ chuyến bay. Trong số này, ngoài nguyên nhân khách quan như thời tiết, xung đột vũ trang… khó có thể can thiệp thì những nguyên nhân chủ quan gồm lỗi kỹ thuật , sắp xếp lịch bay chưa hợp lý, tổ bay, thủ tục hành khách, hành lý... hoàn toàn có thể xem xét những giải pháp để hạn chế tối đa việc chậm huỷ chuyến.

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Bộ GTVT và Cục đã có những quy định khá nghiêm ngặt để khuyến khích các hãng nâng cao chỉ số OTP và chất lượng dịch vụ.

Cụ thể, nếu trong 3-5 tuần liên tiếp mà chỉ số OTP không đạt 70%, Cục sẽ không cho tăng chuyến, không cho mở đường bay mới; đồng thời thông số chậm, huỷ chuyến của các hãng hàng không được công khai rộng rãi trên website của Cục để công chúng được biết.

Liên quan đến lo ngại các hãng hàng không vì chạy theo chỉ số OTP có thể lơ là hoặc bỏ qua các quy trình kiểm tra kỹ thuật an ninh, ông Đinh Văn Tuấn khẳng định, đây là quy trình bắt buộc, quan trọng của hàng không, không hãng bay nào dám đánh đổi.

Theo các chuyên gia, giải pháp để giảm tình trạng chậm chuyến bay, ngoài việc hành khách khi bay cần lưu ý các thủ tục thì cần phải nâng cao áp dụng các giải pháp công nghệ như sử dụng công nghệ quản lý giờ cất hạ cánh.

Với các hãng hàng không phải cung cấp các giải pháp phần mềm cho hành khách dễ dàng truy cập sử dụng để làm thủ tục, nâng tỷ lệ hành khách làm thủ tục hàng không trên mobile, trên website hay tại các kios tự động ở sân bay.