Cao tốc Bắc- Nam: Nhà đầu tư nội hẹp cửa về tài chính, nhà đầu tư ngoại lo ngại thay đổi chính sách

ANTD.VN -Với dự án cao tốc Bắc-Nam nhánh phía Đông, Bộ GTVT khẳng định, sẽ khác với các dự án BOT trước đây. Cho đến thời điểm này, đã có 90 bộ hồ sơ được bán ra cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Đấu thầu quốc tế rộng rãi

Bộ GTVT cho biết, dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông là một trong hai dự án trọng điểm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Quốc hội đã có nghị quyết bố trí 55.000 tỷ đồng/118.000 tỷ đồng cho 11 dự án thành phần.

Tám dự án PPP hiện đã bàn giao gần 100% mốc mặt bằng cho các địa phương; đồng thời đã bố trí khoảng 15.000 tỷ để thực hiện GPMB. Các địa phương cũng đang khẩn trương triển khai thực hiện.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho hay, 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP sẽ được thực hiện đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư.

“Các tiêu chí lựa chọn sơ tuyển nhà đầu tư đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, cạnh tranh và minh bạch, không phân biệt nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Bất kỳ nhà đầu tư nào đáp ứng đủ năng lực, kinh nghiệm, cung cấp được dịch vụ tốt nhất với chi phí hợp lý sẽ được lựa chọn để thực hiện dự án”- Thứ trưởng Nhật khẳng định.

Cao tốc Bắc- Nam nhánh phía Đông với tổng mức đầu tư 118.000 tỷ đồng đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư

Thông tin về các nhà đầu tư tham gia đấu thầu các dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc- Nam nhánh phía Đông, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ đối tác công tư (PPP-Bộ GTVT) cho hay, các nhà đầu tư trong nước chiếm hơn một nửa, các nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 45%, bao gồm các quốc gia như Anh, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...

Nhà đầu tư nội lo tiền ít

Tuy vậy, các nhà đầu tư nội đang khá băn khoăn về cơ hội tham gia dự án cao tốc Bắc- Nam nhánh phía Đông, bởi, không những yêu cầu năng lực cao về tài chính mà còn đòi hỏi về kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Văn Lợi, đại diện Hiệp hội các nhà đầu tư hạ tầng giao thông cho hay, các nhà đầu tư trong nước có thể đáp ứng được tiêu chí về tài chính, song khó đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm.

Ví dụ, với quy định “nhà đầu tư phải thực hiện dự án trước đó có tổng mức đầu tư đạt 50% tổng mức đầu tư của các dự án đang xét", rõ ràng, nhà đầu tư trong nước không có lợi thế so với doanh nghiệp nước ngoài. Bởi rất ít doanh nghiệp đã từng thực hiện những dự án lớn như vậy”- ông Lợi thông tin.

Nhà đầu tư ngoại ngại chính sách thay đổi

Trong khi các nhà đầu tư nội còn lo lắng về tiềm lực tài chính cũng như một số điều khoản khá khắt khe để có thể tham dự vào dự án cao tốc này thì các nhà đầu tư ngoại, dù bày tỏ sự quan tâm nhưng cũng khá e dè về một số rủi ro có thể xuất hiện do chính sách thay đổi.

Một vấn đề tiên quyết để thu hút nhà đầu tư ngoại “nhảy” vào dự án cao tốc Bắc-Nam quan tâm đó chính là bảo lãnh ngoại tệ và bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết tăng phí đúng lộ trình.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đối với bảo lãnh ngoại tệ, pháp luật nước ta ban hành đầy đủ hướng dẫn nhà đầu tư kinh doanh Việt Nam có quyền mua ngoại tệ mà nhà đầu tư được quyền chuyển lợi nhuận vốn hợp pháp về nước họ.

“Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng sẽ bảo lãnh ngoại hối, điều hành tỷ giá duy trì ổn định”- ông Bắc cho biết.

Về bảo lãnh doanh thu tối thiểu dự án, theo bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, khi ban hành hồ sơ sơ tuyển, bảo lãnh doanh thu là mục tiêu khó. Cục cũng đang nghiên cứu nội dung này.

Còn về phương án tài chính của dự án cũng như lộ trình tăng phí và cam kết của của Chính phủ đối với nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc- Nam, ông Bắc cho hay, lộ trình tăng phí đã được quy định rõ ràng, không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng PPP.

Hơn nữa, dự án cao tốc Bắc-Nam, từ ngày 1/1/2018 được điều chỉnh theo Luật Giá. Nghị quyết của Quốc hội xác định rõ lộ trình tăng phí tối đa lên 3.400 đồng/xe tiêu chuẩn/km, cam kết của Chính phủ được Quốc hội thông qua, vấn đề tăng phí đã được giải quyết.