Cạnh tranh gay gắt, cơ hội nào cho ứng dụng gọi xe công nghệ Việt?

ANTD.VN -Thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ tại  Việt Nam đang diễn ra cạnh tranh đầy sôi động với những kịch tính hứa hẹn còn ở phía trước, bởi sự vươn dài của các doanh nghiệp ngoại có năng lực về tài chính.

Những cánh tay nối dài của doanh nghiệp ngoại

Ứng dụng gọi xe Go-Viet của Công ty TNHH Thương mại công nghệ Go Viet mới chạy thử nghiệm ở TP. HCM được 6 tuần, nhưng chia sẻ tại lễ ra mắt mới đây, CEO của Go-Viet ông Nguyễn Vũ Đức cho biết, đã có 1,5 triệu lượt tải về và 25.000 đối tác tài xế.

Đáng nói, Go- Viet luôn cho rằng: “Tự hào là công ty công nghệ Việt Nam nhận được sự chia sẻ về hệ thống công nghệ tiêu chuẩn quốc tế cùng hỗ trợ về tài chính của công ty dẫn đầu trong việc cung cấp nền tảng đa ứng dụng theo yêu cầu tại Indonesia, Go-Viet với đội ngũ quản lý  người Việt am hiểu địa phương khát khao mang lại một cuộc sống tiện lợi và tiện ích hơn cho hàng triệu người dân Việt Nam”.

Song đây chỉ là chiêu quảng cáo, thu hút người tiêu dùng theo kiểu “người Việt dùng hàng Việt”. Thực tế, Go-Viet chỉ là vỏ bọc để Go-Jek, một ứng dụng gọi xe khổng lồ của Indonesia tiến vào thị trường Việt Nam.

Bản thân CEO của Go-Viet ông Nguyễn Vũ Đức cũng cho biết: “Go-Viet được sự hậu thuẫn của Go-Jek về mặt nền tảng công nghệ và tài chính”. Nói như vậy, Go-Viet thực chất là cánh tay nối dài của một tập đoàn nước ngoài đầu tư vào thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ ở Việt Nam đang đầy sôi động.

Thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ đang đầy sôi động và màu mỡ để các doanh nghiệp ngoại chia phần

Go-Jek Group là tập đoàn công nghệ đa nền tảng lớn nhất Indonesia, cung cấp hàng loạt các loại hình dịch vụ từ giao thông vận tải đến thanh toán, giao nhận thực phẩm, vận chuyển và những dịch vụ theo yêu cầu khác.

Từ nền tảng gọi xe máy và chia sẻ chuyến đi lần đầu tiên được ra mắt vào tháng 1-2015, ứng dụng Go-Jek ngày càng được mở rộng nhanh chóng.

Hiện tại, Go-Jek đã trở thành tập đoàn công nghệ tích hợp. Tại Indonesia, ứng dụng đạt 96 triệu lượt tải về trên các thiết bị di động, hơn 1 triệu đối tác tài xế trên cả nước và hơn 100 triệu giao dịch mỗi tháng. Go-Jek hiện được định giá 5 tỷ USD.

Doanh nghiệp Việt hết cơ hội?

Có thể thấy, hiện tại, cùng với Grab đang làm mưa làm gió trên thị trường thì sự ra đời của Go-Viet cũng hứa hẹn khá nhiều kịch tính. Song, cánh cửa cơ hội cho các ứng dụng gọi xe Việt lại ngày một nhỏ hơn.

Ông Nguyễn Vũ Đức cho biết, đến cuối năm 2018 và đầu 2019,  Go-Viet sẽ cho ra mắt thêm 3 dịch vụ trên nền tảng ứng dụng Go-Viet gồm Go-Car, Go-Pay và Go-Food. Với sự hậu thuẫn từ Go-Jek.

Dù Go-Viet chưa tiết lộ sẽ đưa vào hoạt động Go-Car theo cách nào (QĐ 24 của Bộ GTVT về thí điểm loại hình này đã “khóa”, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ô tô chưa ra đời), nhưng cũng khiến các ứng dụng gọi xe Việt bối rối.

Thua kém về năng lực tài chính, hạn chế về công nghệ là điểm yếu lớn nhất của các ứng dụng gọi xe Việt hiện nay. Dù trước đó, Công ty CP Xe khách Phương Trang tuyên bố rót tối thiểu 100 triệu USD vào ứng dụng gọi xe ViVu và đổi tên thành VATO nhưng đến nay, người tiêu dùng cũng như thị trường chưa ghi nhận dấu ấn nào đáng kể.

Hay, mới đây nhất, quỹ đầu tư Vinacapital Ventures đã ký kết hợp tác với Công ty CP FastGo Việt Nam với mức rót vốn khoảng gần 2 triệu USD vào ứng dụng gọi xe FastGo. Song, nhiều chuyên gia cho rằng, con số này cũng chưa nói lên điều gì, bởi với mức đầu tư khá khiêm tốn như trên thì chưa phải là đối thủ của Grab và Go-Viet với sự hậu thuẫn hùng hậu về tài chính từ Go-Jek.

Nhìn từ thực tế cho thấy, thị phần dành cho ứng dụng gọi xe Việt gần như đã khép, một số ứng dụng gọi xe cũng ra đười trước đó như T.NET, EMDDI, VATO…. hay một số ứng dụng gọi xe của các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun… cũng sống lay lắt. Và, cơ hội để ứng dụng gọi xe Việt bứt phá gần như bằng không, nhượng lại thị trường đầy sôi động và béo bở này cho các doanh nghiệp ngoại.