Cần phạt nặng người đi bộ "phớt lờ" hầm, cầu vượt bộ hành băng qua đường

ANTD.VN -Để đảm bảo an toàn giao thông, thời gian qua, trên nhiều tuyến đường tại Hà Nội cơ quan chức năng đã thiết kế, thi công nhiều hầm, cầu vượt bộ hành. Bên cạnh những tác dụng không thể phủ nhận thì hiện một số cầu bộ hành đang ở trong tình trạng bỏ hoang, vắng khách, thậm chí bị chiếm dụng và ngày càng xuống cấp.

Nơi xuống cấp, chỗ đìu hiu

Khu vực cổng Bệnh viện Bạch Mai có lưu lượng người và phương tiện giao thông hàng ngày qua lại rất đông, đặc biệt là khách bộ hành có nhu cầu qua đường để tới các phòng khám, hiệu thuốc nằm trên đường Giải Phóng. Do vậy, cầu vượt bộ hành bắc qua khu vực này luôn tấp nập nhộn nhịp.

Tuy vậy,  đã từ lâu, tại các lối lên, xuống, mặt cầu, chiếu nghỉ... bị một số cá nhân chiếm dụng làm nơi bán hàng, nơi đón khách gây khó khăn cho người dân khi lên, xuống cầu. Do công suất sử dụng cao nên mặt cầu, bậc cầu thang đã bị xuống cấp, đất cát phủ dày. Tình trạng này cũng xuất hiện tại cầu vượt Xã Đàn, gần ngã tư Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch, cầu vượt Tây Sơn gần Đại học Thủy lợi...

Ông Đặng Văn Thành ở đường Giải Phóng, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ, nhờ có cầu vượt nên khách bộ hành được đảm bảo an toàn, giảm bớt nguy cơ xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông tại khu vực. Tuy vậy, mỗi khi qua đây ông cảm thấy khá khó chịu bởi sự cản trở, chèo kéo của những người bán hàng rong.

Cầu vượt bộ hành trên đường Giảng Võ khá vắng khách

Ngoài các cầu vượt tuy có đông người qua lại hàng ngày nhưng bị chiếm dụng và xuống cấp vẫn còn một số cầu vượt bộ hành khá vắng vẻ, đìu hiu như cầu vượt gần ngã tư Giảng Võ - Cát Linh - Hào Nam - Giang Văn Minh, cầu vượt gần Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân), cầu vượt gần Học viện Ngân hàng (phố Chùa Bộc), cầu vượt ở ngã ba Phạm Ngọc Thạch - Lương Định Của…

Bên cạnh đó không ít hầm bộ hành được xây dựng dọc tuyến đường mới như Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, hầm gần chợ Cầu Diễn…Mặc dù tại đây được trang bị đầy đủ hệ thống thông khí, chiếu sáng, an ninh, có nhân viên vệ sinh và hướng dẫn song không ít người dân vẫn thờ ơ với việc sử dụng hầm bộ hành khi tham gia giao thông.

Đâu là nguyên nhân?

“Việc hầm, cầu vượt bộ hành bị bỏ quên, ít người qua lại là do khi xây dựng, đơn vị quản lý không tính tới nhu cầu sử dụng. Ngoài ra, bất cập đối với các cây cầu bộ hành hiện nay là bị đặt sai vị trí (nơi nhu cầu người dân không lớn), hoặc đặt đúng vị trí nhưng thiết kế đường dẫn bất hợp lý, khiến người đi bộ phải vòng vèo, không đảm bảo hỗ trợ cho người khuyết tật. Bên cạnh đó. nhiều người dân khá tùy tiện khi tham gia giao thông, có thói quen chọn đoạn đường ngắn nhất, vị trí thuận lợi nhất để đi dù gần đó có cầu vượt, hầm bộ hành.” – Thạc sỹ Nguyễn Xuân Đạt – ĐH Giao thông Vận tải cho biết.

Về chế tài xử phạt, người đi bộ không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền, thậm chí bị xử lý hình sự. Theo BLHS 2015, người đi bộ băng qua đường dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù cao nhất là 15 năm. Tuy nhiên, thời gian qua hầu như không có trường hợp nào bị xử lý.

Để khắc phục tình trạng người dân thờ ơ với cầu vượt, hầm bộ hành, theo Thạc sỹ Nguyễn Xuân Đạt, cơ quan chức năng cần kiểm tra rà soát lại các cầu, hầm trên địa bàn, có biện pháp duy tu, sửa chữa những hạng mục đã xuống cấp, bổ sung xây dựng cầu ở những nơi có đông khách bộ hành, tiềm ẩn nguy cơ TNGT lớn.

Đồng thời, cần tăng cường phối hợp với chính quyền sở tại trong việc kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm mặt cầu, chân cầu gây cản trở giao thông, tăng nặng chế tài xử phạt hành chính, đồng thời xử lý nghiêm người đi bộ không đúng nơi quy định. Ngoài ra, các đơn vị chuyên môn cũng cần tăng cường các biện pháp kỹ thuật, cưỡng chế người tham gia giao thông sử dụng cầu vượt, hầm bộ hành, như lắp hàng rào, trồng cây xanh tại dải phân cách giữa..