Buộc doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ phải làm vận tải: Sẽ là bước thụt lùi

ANTD.VN - Ông Nguyễn Văn Sang, giảng viên trường Đại học FPT, CEO, người sáng lập ứng dụng gọi xe T.NET chia sẻ, dù mới triển khai từ đầu năm 2018, nhưng đến nay, trung bình mỗi ngày đã có khoảng 1.000 lượt đặt xe qua T.NET.

Trong bối cảnh nhiều hãng taxi truyền thống chỉ trích loại hình taxi công nghệ, thì một số ứng dụng gọi xe được xây dựng bởi các Công ty Việt Nam đã ra đời. Tuy vậy, những “start up” vừa ra đời này đang đừng trước nguy cơ “xóa sổ” nếu áp dụng các quy định tại Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi Bộ GTVT đang soạn thảo.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sang, giảng viên trường Đại học FPT, CEO, người sáng lập ứng dụng gọi xe T.NET đã có chia sẻ với phóng viên Báo An ninh Thủ đô.

-Ý tưởng nào để ông xây dựng ứng dụng gọi xe T.NET?

- Chúng tôi ấp ủ từ khá lâu rồi, từ năm 2013, khi Grab, Uber còn chưa vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, do những điều kiện nhất định khiến chúng tôi chưa thể phát triển sớm được.

Đầu năm 2014, nhóm bắt đầu làm thử nghiệm đồ án ở mô hình nhỏ, đánh giá ý tưởng kinh doanh cũng như công nghệ, nhưng chỉ dừng lại ở quy mô đồ án. Đây cũng là năm Grab và Uber vào Việt Nam.

Nhóm quyết định đầu từ phát triển thành ứng dụng gọi xe T.NET. Nhưng đây là hệ thống tương đối phức tạp nên thời gian phát triển tương đối dài. Từ tháng 3-2017, chúng tôi bắt đầu đưa vào thử nghiệm với quy mô nhỏ để thăm dò thị trường, đánh giá một vài yếu tố liên quan và từ đầu năm 2018 bắt đầu mở rộng.

Ông Nguyễn Văn Sang, CEO, nhà sáng lập ứng dụng gọi xe T.NET

Hiện, T.NET đã có mặt ở Hà Nội, Gia Lai, Hưng Yên và Thái Bình, còn chưa sôi động. Về giấy phép, Công ty đã nộp hồ sơ đăng ký lên Bộ GTVT để tham gia thí điểm, thử nghiệm. Các đối tác tham gia T.NET đều đã có Giấy phép kinh doanh, được cấp phù hiệu xe hợp đồng theo quy định của các Sở GTVT địa phương.

T.NET chỉ là cung cấp dịch vụ, không trực tiếp tham gia điều hành vận tải. Mục tiêu của T.NET cũng không trực tiếp tham gia vào vận tải, mà hiểu nôm na T.NET chỉ là kết nối lái xe và hành khách với nhau.

- Như vậy, T.NET chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ?

- Chúng tôi chú trọng vào thế mạnh của mình, nếu muốn mở một mạng lưới vận tải toàn quốc thì Công ty sẽ phải có một bộ máy rất cồng kềnh nên sẽ phát triển cái gì là thế mạnh, kinh doanh đa ngành chưa chắc đã mang lại kết quả tốt. Trong khi đó, nền kinh tế thị trường đang hướng tới sự chia sẻ, không nên ôm tất cả.

- Thị trường ứng dụng gọi xe đang cạnh tranh gay gắt, sắp tới sẽ có thêm một số ứng dụng gọi xe mạnh như Go-Jeak sẽ vào Việt Nam, T.NET làm như thế nào để cạnh tranh?

- Ngay từ đầu, nhóm phát triển đã định hướng phát triển T.NET là một dịch vụ công nghệ, nền tảng kết nối, chứ Công ty không đi sâu vào vận tải, dịch vụ kết nối mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.

T.NET xác định sẽ không thể cạnh tranh với các Công ty lớn bằng khuyến mại, nhưng chúng tôi có cách của mình. Mỗi công ty đều có bí quyết riêng, để làm sao với nguồn lực tài chính hữu hạn của mình nhưng vẫn có những biện pháp để cạnh tranh một cách tốt nhất, hữu hiệu nhất.

- Bộ GTVT đang soạn thảo Dự thảo sửa đổi Nghị định 8, đặt ra vấn đề: các đơn vị như T.NET sẽ phải là công ty kinh doanh vận tải, ông nghĩ sao về điều này?

- Đây là một lĩnh vực mới, trên thế giới và Việt Nam vẫn còn nhiều tranh cãi. Nhưng cần tách bạch giữa dịch vụ và loại hình dịch vụ. Nếu cứ quy định các công ty hoạt động như T.NET là công ty vận tải thì rất khó.

Tôi làm dịch vụ kết nối, hiểu nôm na là dịch vụ môi giới, tôi chịu trách nhiệm trong lĩnh vực kết nối, không thể bắt tôi chịu trách nhiệm trong lĩnh vực vận tải được, trách nhiệm này đã có đối tác của tôi đảm bảo.

Còn nếu cứ bắt công ty môi giới phải kiêm thêm kinh doanh vận tải nữa thì không tạo điều kiện cho sự chuyên nghiệp hóa, bắt đóng hai vai thì khó tốt, trong khi mỗi người chỉ đóng một vai sẽ làm tốt hơn. Hơn nữa, kinh tế chia sẻ là mỗi người chịu trách nhiệm một khâu, tôi không có thế mạnh để làm cả hai lĩnh vực, nếu cứ kiên quyết quy định như vậy, sẽ là bước thụt lùi.

Dịch vụ kết nối và vận tải là hai loại dịch vụ khác nhau, đặc thù khác nhau. Trong vận tải cũng chia nhiều loại hình, tại sao lại bắt dịch vụ kết nối phải là vận tải? Cơ quan quản lý phải có cách nào đấy quản lý rõ ràng hơn. Theo tôi, nếu biết cách, quản lý loại hình vận tải này còn dễ hơn vận tải truyền thống.