Bộ Giao thông lý giải vì sao mở rộng Tân Sơn Nhất chậm trễ?

ANTD.VN -Trong khi hàng loạt “đại gia” xếp hàng xin làm nhà ga T3 Tân Sơn Nhất thì Bộ GTVT lại muốn dành suất này cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Đến nay, tiến độ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đang quá chậm.

Theo đánh giá của Hiệp hội hàng không thế giới, hàng không Việt Nam phát triển nhanh cả về vận tải hành khách và hàng hoá.

Năm 2018, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt trên 100 triệu, tăng trưởng 12,9%. Sản lượng hàng hoá đạt 1,5 triệu tấn, tăng 7,7%.

Trong bối cảnh đó, sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã rơi vào cảnh quá tải, nhà chức trách đã phải điều phối slot theo hướng tăng nhiều slot vào ban đêm để giảm tải. Từ năm 2015, Bộ GTVT đã đề cập đến vấn đề mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Năm 2018, sân bay Tân Sơn Nhất đón 38,3 triệu hành khách, trong khi nhà ga chỉ có công suất thiết kế 28 triệu.

Sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã quá tải và không thể tăng thêm công suất

Tân Sơn Nhất hiện có 2 nhà ga T1 và T2. Trong đó, T1 phục vụ khách quốc nội, đã nhiều lần được nâng cấp. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhìn nhận, vấn đề đặt ra là phải đầu tư sớm nhà ga T3.

Từ năm 2016, Bộ GTVT đã trình quy hoạch. Sau khi trình đã có rất nhiều ý kiến xung quanh việc xác định vị trí của Tân Sơn Nhất và ảnh hưởng đến TP.HCM như thế nào, cân đối với Long Thành ra sao.

Theo đó, Chính phủ đã quyết định sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất thiết kế là 50 triệu hành khách.

Cùng với đó, hạ tầng cũng phải đầu tư để đồng bộ. Tuy nhiên dù có đầu tư mở rộng Tân Sơn Nhất như thế nào thì cũng tồn tại song hành với Long Thành.

Còn ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay, tăng trưởng hàng không của Việt Nam hiện vào top rất nhanh. Đường bay Hà Nội - TP.HCM là một trong 10 đường bay đông đúc nhất trên thế giới.

Trong khi đó, ông Thọ cho rằng, nếu đầu tư nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất sẽ phải mất ít nhất 4 năm, và nếu bây giờ bắt đầu thì cũng phải đến 2021 mới hoàn thiện đưa vào khai thác.

Còn với Cảng hàng không Long Thành, với tiến độ Quốc hội giao là 2025 phải hoàn thành giai đoạn 1, công suất 25 triệu hành khách.

Lựa chọn ACV là tối ưu nhất?!

Liên quan đến việc nâng cấp, mở rộng Tân Sơn Nhất quá chậm trễ, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết: “Cấu hình hiện nay của Tân Sơn Nhất chỉ được 260.000 – 270.000 lượt cất hạ cánh/năm, trong khi năm 2019 dự báo lên khoảng 250.000 lượt cất hạ cánh.

Như vậy sẽ tăng trưởng đến mức đụng trần thì không thêm được nữa, khi đóng băng ở con số đó thì ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội”.

Bổ sung thêm về việc này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định: “Nhà ga T3 phải làm càng sớm càng tốt. Bộ GTVT rất quan tâm, thời gian qua cũng triển khai quyết liệt.

Tháng 9/2018, Bộ GTVT đã phê duyệt quy hoạch điều chỉnh CHK quốc tế Tân Sơn Nhất. Sau đó, Bộ GTVT đã giao ACV nghiên cứu dự án tiền khả thi đầu tư dự án nhà ga hành khách T3.

Tháng 2/2019 vừa qua nghiên cứu xong dự án tiền khả thi. Sau khi hoàn chỉnh xong, hiện tại ACV đã có văn bản trình. Ngày hôm qua, Bộ GTVT đã trình Chính phủ phương án giao ACV đầu tư nhà ga T3”.

Trả lời câu hỏi về việc, có nhiều “đại gia” xếp hàng muốn rót tiền xây dựng T3 Tân Sơn Nhất, nhưng Bộ GTVT chỉ lựa chọn ACV khiến việc này bị chậm trễ, ông Thọ cho rằng, ACV là nhà khai thác cảng hàng không đầu tiên và hiện đang quản lý khai thác 21 cảng hàng không trên cả nước. Như vậy, ACV là nhà khai thác cảng có kinh nghiệm nhất và cũng có nguồn lực để đầu tư.

“Bộ GTVT cũng đã lên nhiều phương án tối ưu nhất. Nếu thực hiện chỉ định thầu cũng phải mất tối thiểu 40 tháng. Từ đây, chúng tôi quyết định giao ACV thực hiện dự án này. ACV thực hiện theo hình thức nào, liên danh liên kết với ai là quyền của ACV.

Nhưng dù lựa chọn nhà đầu tư nào cũng phải có phương án so sánh. Khi so sánh phải lựa chọn phương án tối ưu để báo cáo Chính phủ.

Tôi khẳng định lại một lần nữa, lựa chọn ACV là tối ưu nhất. Thực tế hiện nay như tôi nhìn nhận, khó nhất của hàng không là cơ chế, thực hiện hay bị vướng. Chúng tôi đang trình Chính phủ để tháo gỡ cho đồng bộ, để quản lý tốt hơn với mục tiêu để tạo điều kiện cho lĩnh vực hàng không phát triển, thúc đẩy vận tải, du lịch”- ông Thọ lý giải.