Bitexco muốn được bồi thường 184 tỷ đồng chi phí dự án cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết

ANTD.VN - Tập đoàn Bitexco mới đây đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét việc bồi thường chi phí và chi phí cơ hội khi nhà đầu tư này bị chấm dứt vai trò nhà đầu tư thứ nhất tại dự án cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết.

Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi qua địa phận các tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận. Điểm đầu kết nối với Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, điểm cuối nằm trên QL1 đi Mỹ Thạnh, cách QLA khoảng 2,6km, thuộc tỉnh Bình Thuận, đây cũng là điểm kết nối với cao tốc Nha Trang- Phan Thiết.

Tổng chiều dài dự án khoảng 98,7km. Trước đây, Bitexco được chọn là nhà đầu tư chuẩn bị và nhà đầu tư thứ nhất chiếm 60% vốn thực hiện dự án, nha đầu tư thứ hai sẽ lựa chọn qua đấu thầu quốc tế rông rãi.

Bitexco đã chấm dứt vai trò là nhà đầu tư thứ nhất chiếm 60% vốn dự án cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết

Tuy nhiên, cuối tháng 3-2018, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định dừng triển khai việc thí điểm và chấm dứt việc chỉ định Bitexco là nhà đầu tư thứ nhất đối với dự án cao tốc này.

Tháng 4-2018 Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bitexco về phương án bồi thường sau khi rút lui khỏi dự dự án. Trong đó, Bộ GTVT nêu 2 phương án, thứ nhất là Tập đoàn Bitexco không tiếp tục tham gia đầu tư  dự án, Nhà nước sẽ sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho dự án để thanh toán chi phí chuẩn bị dự án và khoản chi phí cơ hội cho Tập đoàn Bitexco ngay sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.

Với phương án 2, Tập đoàn Bitexco tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Tập đoàn Bitexco được hưởng ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ; kinh phí chuẩn bị dự án nằm trong chi phí đầu tư của dự án và được thanh toán bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho dự án ngay sau khi có kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Không đồng tình với 2 phương án mà Bộ GTVT đưa ra, Tập đoàn Bitexco cho rằng,  ngoài việc Bitexco đã được các cơ quan có thẩm quyền giao làm nhà đầu tư chuẩn bị dự án,  Bitexco còn được chỉ định làm nhà đầu tư thứ nhất giữ 60% cổ phần doanh nghiệp dự án. Vì vậy, chi phí mà  Tập đoàn Bitexco được thanh toán phải bao gồm cả chi phí cơ hội làm nhà đầu tư thứ nhất, nhà vận hành của dự án.

Tờ trình về chi phí cho giai đoạn chuẩn bị dự án do ông Vũ Quang Bảo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco gửi Ban QLDA Thăng Long cho biết, với nhiệm vụ, vai trò được giao là nhà đầu tư xuyên suốt tất cả các giai đoạn đầu tư xây dựng dự án, ngoài việc thực hiện các công việc thông thường theo quy định, Bitexco còn phải triển khác các công việc khác. Trong quá trình chuẩn bị dự án - đến nay hơn 10 năm (2007-2017), tổng chi phí cho giai đoạn chuẩn bị án được phía Bitexco đưa ra là hơn 90 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tại Tờ trình về chi phí cơ hội, Bitexco đưa ra, chi phí cơ hội đối với phần vốn đã rót vào chuẩn bị dự án, chi phí cơ hội đối với phần vốn chuẩn bị để rót vào dự án. Tổng hai mức chi phí này là gần 94 tỷ đồng.

Như vậy, theo tính toán của Bitexco, thiệt hại mà Nhà nước phải bỏ tiền ra để trả cho Bitexco sau khi bị hủy tư cách nhà đầu tư thứ nhất của dự án cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết là gần 184 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo phía Bitexco, chi phí này chưa bao gồm chi phí cơ hội đã bị mất do Bitexco trước đó đã được lựa chọn là nhà đầu tư thứ nhất chiếm 60% vốn dự án, nhà vận hành dự án. 

Do đó, Bitexco đề nghị Bộ GTVT xem xét, lưu ý chỉ đạo các đơn vị liên quan để đảm bảo công bằng, quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trong các công việc tiếp theo của Bitexco liên quan đến dự án.