"Ôsin" xinh đẹp và những giọt nước mắt muộn màng (Kỳ 2)

ANTĐ -  Trong trại, cô "ôsin" thuở nào đang gặm nhấm những sám hối, giọt nước mắt muộn màng cho tội lỗi của mình.

Trần Thị Vui, người giúp việc gây án mạng kinh hoàng một thời ở Hà Nội đang phải trả giá cho lỗi lầm mình gây ra bằng bản án 18 năm tù giam. Nữ tù nhân khá xinh đẹp này đã nhận thức được tội ác mình gây ra cho gia đình nạn nhân là quá lớn. Trong phòng giam, mỗi lần nhớ lại Vui không khỏi kinh hãi, ghê tởm cho hành động của mình trước đây.

Bản án thích đáng cho "ôsin" giết người vì lòng tham

Giờ, trước mặt của tôi là người con gái chững chạc hơn, không còn là cô bé hồn nhiên 16 tuổi như thuở nào. Và mỗi khi gợi lại đến quá khứ, cô nói như lạc giọng, đau đáu nhìn phía xa xăm. Nơi ấy, phía sau cánh cửa sắt phòng tạm giam là ước mơ một ngày nào đó được vẫy vùng tự do giữa bầu trời. Kỳ 1: Gặp lại "ôsin" 9X gây ra thảm án chấn động Hà thành

Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của "ôsin" Trần Thị Vui, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Giết người” theo Khoản 1 Điều 93 và tội “Cướp tài sản” theo điều 133 Bộ luật Hình sự.

Ngày 29/12/2009, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa vụ án, bị cáo ra xét xử công khai theo quy định của pháp luật. Ngồi đối diện với tôi trong phòng gặp  phạm nhân , Vui nói vẫn chưa thể quên được cái ngày phải trả giá cho tội ác của mình.

"Hôm đó em được các chú công an đưa lên xe chuyên chở bị cáo đến tòa lúc gần 7h sáng. Vừa bước xuống xe em đã thấy bố mình là ông Trần Quốc Trung có mặt từ đó bao giờ.

Sau đó em mới biết, nhận được giấy triệu tập của tòa đến tham dự với tư cách là giám hộ cho con mình (lúc gây án Vui mới 16 tuổi), bố em đã vay tiền hàng xóm bắt xe đi từ buổi đêm vì sợ không kịp phiên tòa",  phạm nhân  Vui nhớ lại.

Phạm nhân Trần Thị Vui đang cải tạo tại Trại tạm giam số 6 (Tổng cục VIII - Bộ Công an)

Phạm nhân Trần Thị Vui đang cải tạo tại Trại tạm giam số 6
(Tổng cục VIII - Bộ Công an)

Nhìn thấy cha với dáng người khắc khổ, gầy gò, mái tóc bạc phơ, vận chiếc áo phong phanh trong tiết trời lạnh buốt như cắt da cắt thịt ngồi phía dưới, lúc ấy Vui mới thấy tiếc cuộc đời và sợ hãi, lờ mờ nhận ra giá phải trả cho tội của mình.

Suốt phiên tòa ngày hôm ấy, mỗi lần được gọi lên trả lời, trước vành móng ngựa, Vui luôn đứng cúi mặt xuống đất, trả lời lí nhí, đứt quãng trước những câu hỏi mà chủ tọa đưa ra. Vui thấy sợ hãi vô cùng trước đám đông với hàng trăm con mắt đang đổ dồn về phía mình. Cô không ngừng khóc, nước mắt cứ thế tuôn trào khiến cho người cha ngồi dưới cũng không khỏi nghẹn lòng.

Ông Trung không biết nói gì để biện hộ cho con của mình vì tội ác mà Vui gây ra đã quá rõ ràng. Ông chỉ biết trách mình đã không nuôi dạy con tốt để rồi giờ đây nó phải đối mặt với án phạt nghiêm khắc của pháp luật. Hai cha con họ cứ thế chỉ biết khóc mà không có người thân thích nào khác đến động viên dự tòa cùng.

Sau khi xem xét những tài liệu có trong hồ sơ vụ án, lời khai của bị cáo tại phiên tòa, hội đồng xét xử nhận thấy, chỉ vì cần tiền ăn tiêu Trần Thị Vui đã dùng dao tước đi sinh mạng của một công dân vô tội. Hành vi của bị cáo rất man rợ, gây bất bình trong dư luận, mất an ninh trật tự, để lại nỗi đau lớn cho gia đình nạn nhân, và đặc biệt là phạm nhiều tội cùng một lúc.

Tuy nhiên tòa cũng xem xét các tình tiết giảm nhẹ như khi phạm tội bị cáo mới 16 tuổi chưa đủ tuổi thành niên nên khả năng nhận thức còn hạn chế, sau khi gây ra án mạng bị cáo đã thành khẩn khai báo... Từ những nhận định trên, HĐXX xử phạt Trần Thị Vui 18 năm tù cho cả 2 tội danh "giết người" và "cướp tài sản", buộc bị cáo và gia đình phải bồi thường cho gia đình bị hại 81 triệu đồng.

"Khi tòa tuyên án xong, mọi người đã ra về hết, em cố nhìn lại thì thấy bố mình vẫn đang ngồi một mình gục đầu xuống, em vẫn mãi ám ảnh hình ảnh đó cho tới tận bây giờ. Em nhớ khi gặp em lần cuối tại tòa, bố nói không trách em, mà chỉ động viên em cố gắng  cải tạo  tốt để sau này về còn trả nợ cho người ta chứ gia đình mình nghèo có lẽ không trả được", nước mắt Vui lã chã rơi khi nhớ lại giây phút cuối cùng nhìn mặt cha trước khi đưa lên xe về phòng giam.

Nước mắt hối hận muộn màng

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Trần Thị Vui được chuyển về  cải tạo  tại trại giam số 6 (Tổng Cục VIII - Bộ Công an), đóng ở tỉnh Nghệ An. Cán bộ quản giáo ở đây cho biết Vui  cải tạo  tốt, chăm chỉ, hiền lành nên được mọi người quý mến.

Không còn gương mặt bầu bĩnh ngày hầu tòa cách đây 3 năm, giờ Trần Thị Vui nhìn rắn rỏi lên nhiều. Đôi mắt thâm quầng và lúc nào cũng nhìn xuống đất, Vui bảo từ ngày bị bắt không đêm nào cô ngủ được vì hình ảnh bà Nguyễn Thị Kim Khanh (nạn nhân bị Vui sát hại) lúc nào cũng hiện ra với ánh mắt trách cứ.

Sau 3 năm cải tạo, giờ đây Vui đã thực sự biết sám hối với tội ác mà mình đã gây ra cho nạn nhân

Sau 3 năm cải tạo, giờ đây Vui đã thực sự biết sám hối
với tội ác mà mình đã gây ra cho nạn nhân

Hỏi chuyện bản thân, Vui cho biết cô là con út trong gia đình làm nông có hai chị em. Học hết lớp 12, nhà nghèo nên Vui phải nghỉ học ở nhà làm ruộng với mẹ. Thấy gia đình Vui khó khăn, tiền vay mượn để dựng căn gỗ nhà ba gian từ hàng chục năm trước vẫn chưa trả hết, đầu năm 2009 một người bạn của Vui cũng đang đi làm giúp việc liền rủ Vui đi lên Hà Nội làm lấy tiền giúp gia đình.

Mặc dù từ bé tới lớn chưa biết thủ đô phồn hoa đô hội ra sao và liệu có làm được việc hay không, nhưng vì thương bố mẹ nên Vui xách ba lô theo hàng xóm lên đường. Qua sự giới thiệu của người bạn, Vui vào làm việc cho gia đình chị An với mức lương 1 triệu đồng/ tháng, cơm nuôi ba bữa.

"Gia đình chị An tốt với em lắm, không chửi mắng hay đối xử tệ bạc như những gia đình khác. Cơm thì em ăn ở đó, còn em ngủ với bà Khanh ở nhà khác. Có lần em ốm chính bà Khanh đã nấu nước xông, rồi bắt gió cho em. Tiền lương của em thì anh chị mang về nhà cho bố mẹ em. Hôm em giết bà Khanh, chị An cũng mang tiền về cho bố mẹ em nhân tiện đi du lịch", Vui kể về lòng tốt của chủ nhà.

"Nhà em nghèo lắm, nhưng trong suốt 6 tháng ở, làm việc cho chị An em chưa bao giờ có ý đinh là sẽ trộm cắp hay giết người để lấy tiền. Vậy mà chỉ vì một phút lòng tham nổi dậy, em đã phụ lại tấm lòng của anh chị. Giờ đây em ân hận thì đã muộn rồi", Vui cho biết thêm.

Đã 3 năm trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ án, gia đình Vui vẫn chưa có tiền để bồi thường cho gia đình bị hại vì trong nhà chẳng có gì giá trị để bán. Cũng vì nhà nghèo cho nên kể từ khi lên trại số 6 đã được 2 năm nay nhưng bố mẹ Vui mới lên thăm được có 2 lần. Và mỗi lần lên thăm thì họ chỉ mang được cho con niềm tin, lời khuyên, hay ít hoa quả ở trong vườn chứ chẳng có thịt hộp, ruốc rang khô… để tiếp tế như người nhà của những phạm nhân khác.

"Từ nhà em lên đây hơn 300km, bố mẹ dành dụm cả năm mới có tiền đi ô tô lên thăm em. Họ lên với em là vui rồi, trong này em cũng được các chị và cán bộ giúp đỡ nhiều nên em cũng bảo bố mẹ đừng mua gì cả", cứ mỗi lần nhắc về gia đình là nước mắt Vui lăn dài trên khuôn mặt, khóe mắt.

Với bản án 18 năm tù và còn có ngày trở về với xã hội, thế nhưng giờ đây điều khiến Vui nuối tiếc và lo sợ nhất đó là khi trở về không còn được phụng dưỡng cha mẹ: "Em chưa giúp được gì mà đã khiến bố mẹ em khổ. Năm nay bố mẹ em cũng đã nhiều tuổi rồi. Em mong bố mẹ sống thọ đợi em trở về để em được báo hiếu dù đó chỉ là quãng thời gian ngắn ngủi".

Gần ba năm trôi qua trong trại giam, Vui vẫn còn bị ám ảnh bởi tội ác của mình đã gây ra. Nhưng với những gì đã thể hiện trong thời gian qua chứng tỏ cô đã trưởng thành lên rất nhiều, đã biết suy nghĩ, biết dằn vặt bản thân, biết sợ về quá khứ tội lỗi của mình.

Tôi tin rằng sau thời gian cải tạo, Trần Thị Vui sẽ biết sám hối, biết đúc rút ra nhiều kinh nghiệm để phục vụ cho cuộc sống sau khi ra tù để không tái phạm lại tội lỗi một lần nữa.

Chia tay tôi, Vui trở về buồng giam với bước chân nặng trĩu những ưu tư, phiền muộn, nơi còn gắn bó với cô trong thời gian tiếp theo.