Ông thầy mát tay

ANTĐ - Trong làng thể thao người khuyết tật, HLV Đổng Quốc Cường không chỉ giúp VĐV đoạt nhiều huy chương quốc tế mà còn khá mát tay trong việc làm mối, dựng vợ gả chồng cho học trò.

Ông thầy mát tay ảnh 1Ông thầy - ông tơ Đổng Quốc Cường hạnh phúc với thành công của các học trò

Không chỉ dạy bơi

Đầu thập niên 1960, Đổng Quốc Cường là tay bơi nức tiếng, từng gần chục lần vô địch miền Bắc và là 1 trong 2 kiện tướng quốc tế đầu tiên của bơi Việt Nam. Sinh ra tại Hà Nội, trong một gia đình nghèo gồm 10 anh chị em, tuổi thơ của ông Cường là những ngày thắng ngụp lặn dưới hồ Bảy Mẫu bắt cá để cải thiện bữa ăn. Nhờ vậy mà ông bơi giỏi và trở thành VĐV bơi lội lúc nào không hay. Năm 1977, ông Cường vào TP.HCM làm giảng viên trường Đại học TDTT TP.HCM, rồi bén duyên với thể thao người khuyết tật từ đây. “Bắt gặp nhiều người khuyết tật ăn xin, bán vé số trên đường phố trông rất cực khổ, tôi nảy ra ý nghĩ giúp họ trở thành VĐV để có thể tự kiếm tiền, nuôi sống bản thân, gia đình lại vừa đóng góp thành tích cho thể thao nước nhà”, HLV Đổng Quốc Cường nhớ lại. 

Từ ý tưởng đó, năm 1995, ông Cường thành lập CLB bơi khuyết tật đầu tiên ở Việt Nam tại TP.HCM và dạy bơi miễn phí cho người khuyết tật. Suốt hơn 20 năm dồn tâm huyết, CLB bơi của thầy Cường cung cấp nhiều VĐV chất lượng cho tuyển bơi khuyết tật TP.HCM và cho ĐTQG như Võ Thanh Tùng, Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Thị Sari... Tại Asian Para Games 2014 tổ chức ở Hàn Quốc, tuyển bơi do HLV Đổng Quốc Cường phụ trách đã giành 7/9 HCV cho đoàn Việt Nam, vượt 200% chỉ tiêu đề ra. Với thành tích đặc biệt xuất sắc đó, ông thầy gốc Hà Nội được bầu chọn là HLV người khuyết tật tiêu biểu toàn quốc năm 2014.

Không chỉ dạy bơi, thầy Cường còn dạy các VĐV cách sống và kiếm việc làm cho họ. Nhiều học trò coi ông như ân nhân, từ việc nhỏ như hỏng ổ khóa đến những việc đại sự đều nhờ cậy, hỏi ý kiến thầy Cường và được ông giúp đỡ tận tình. Ở tuyển bơi, HLV Đổng Quốc Cường nổi tiếng là người hào phóng. Không chỉ mua xe, sắm đồ đạc, dụng cụ lao động cho học trò, ông Cường còn thường xuyên treo thưởng trước mỗi giải đấu để động viên, khích lệ học trò. Như kỳ Asian Para Games 2010 tại Trung Quốc, ông treo thưởng một chiếc xe máy cho tấm HCV và sau đó cậu học trò Võ Thanh Tùng là người đoạt giải. Còn tại Asian Para Games 2014, ông cũng tuyên bố: “Trò nào được HCV, thầy thưởng 10 triệu đồng”. Kết thúc giải, học trò khiến thầy… lỗ nặng khi giành tới 7HCV. “Nhìn học trò giành huy chương mình vui và hãnh diện lắm. Về nước là rút tiền thưởng các cháu luôn. Tiền thưởng đó suy cho cùng cũng từ mồ hôi, công sức của các cháu mà ra”, HLV Đổng Quốc Cường nói về thói quen thưởng đậm cho VĐV. 

Dựng vợ gả chồng cho học trò

Trong làng thể thao người khuyết tật, HLV Quốc Cường không chỉ mát tay giúp VĐV đoạt nhiều huy chương quốc tế mà còn mát tay trong việc làm mối, dựng vợ gả chồng cho học trò. “Ngoài nghề dạy bơi, tớ còn nghề tay trái là làm ông tơ. Trung bình mỗi năm có một VĐV khuyết tật lập gia đình nhờ tớ làm mối đấy”, thầy Cường hào hứng khoe “chiến công”. Nhờ tài làm mối của thầy Cường, đến nay đã có hơn 10 cặp VĐV khuyết tật xây tổ ấm như cặp Trần Đắc Thắng – Lê Thị Hiền, Nguyễn Hoàng Anh – Nguyễn Thị Minh Lý… 

Mục tiêu trong năm 2015 của tuyển bơi khuyết tật là đoạt huy chương và suất dự Paralympic 2016 tại giải VĐTG 2015 diễn ra vào tháng 7 tới tại Anh. Và bên cạnh mục treo thưởng tiền như thường lệ, thầy Cường còn khiến học trò phấn khích với tuyên bố: “Con trai, đứa nào giành huy chương, thầy sẽ giới thiệu cho bạn gái ngoan, dễ thương. Còn trò nữ đoạt giải, thầy sẽ giới thiệu cho bạn trai nam tính, biết xây nhà”.

Biết tôi liên hệ để viết bài chân dung tôn vinh sau khi đoạt danh hiệu HLV người khuyết tật tiêu biểu toàn quốc 2014, ông khéo léo từ chối vì: “Có viết, phóng viên hãy viết về những VĐV khuyết tật ấy. Đa số họ đều rất hoàn cảnh, thiệt thòi hơn người thường từ thể trạng đến cả chế độ đãi ngộ. Mong rằng báo chí cũng như các ngành, các cấp quan tâm hơn nữa để các cháu dần được cải thiện cuộc sống”.