Ông Shinzo Abe trở lại chính trường, Trung Quốc đau đầu?

ANTĐ - Trong cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản trước thời hạn vừa diễn ra, hai Đảng liên minh là Dân chủ Tự do (LDP) và Công Minh (NKP) đã giành được 325 ghế, đảm bảo thế đa số hơn 2/3 tại Hạ viện gồm 480 ghế. Chiến thắng trong cuộc bầu cử này đã đưa LDP trở lại vị thế cầm quyền, với quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền lãnh hải và đánh dấu cuộc trở lại ngoạn mục của cựu Thủ tướng Shinzo Abe sau ba năm gián đoạn.  Dự kiến Quốc hội Nhật Bản sẽ họp phiên đặc biệt vào ngày 26-12 tới để bầu Thủ tướng, mà gần như chắc chắn ông Shinzo Abe sẽ trở lại vị trí người đứng đầu Chính phủ liên minh của LDP và NKP. 
Shinzo Abe - niềm hy vọng mới của nước Nhật

Ông Shinzo Abe trở lại chính trường, Trung Quốc đau đầu? ảnh 1

Shinzo Abe từng là Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Nhật Bản khi lên nắm quyền vào năm 2006. Năm 2007, Shinzo Abe từ chức vì lý do sức khỏe. Trở lại chính trường lần này, ông Abe hứa hẹn chỉnh sửa nền kinh tế ảm đạm sau nhiều năm giảm phát và ngày càng yếu ớt hơn vì đồng tiền mạnh hơn đã làm hạn chế xuất khẩu. Giữa lúc nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái sau ba quý tăng trưởng GDP liên tục ở mức thấp, xuất khẩu sang các thị trường chiến lược giảm mạnh, nợ công tăng lên mức kỷ lục 983.300 tỷ Yên (12.400 tỷ USD), việc đẩy mạnh khôi phục tăng trưởng kinh tế và ngăn chặn đồng Yên tăng giá là ưu tiên hàng đầu của vị lãnh đạo 58 tuổi này. 

Các cuộc khủng hoảng triền miên đã làm lu mờ hình ảnh một nước Nhật vốn nhận được sự nể trọng và khâm phục về sức mạnh công nghiệp, phương pháp sản xuất và công nghệ phát minh. Giới phân tích cho rằng tiến trình này đáng lo ngại bởi vì ảnh hưởng của Nhật Bản trên thế giới chủ yếu dựa vào sức mạnh kinh tế.

Ông Shinzo Abe nói sẽ cải thiện chi tiêu công, nới lỏng chính sách tiền tệ liều lĩnh với các khoản chi ngân sách lớn để xử lý tình trạng giảm phát và phục hồi một đồng Yên mạnh và cân nhắc tới khả năng sử dụng năng lượng hạt nhân sau sự kiện thảm họa Động đất - Sóng thần - Hạt nhân tại Fukushima vào năm ngoái. 

Các nhà kinh tế gọi chính sách dễ dàng cho các hoạt động công để giải cứu nền kinh tế trên có thể tạo ra tăng trưởng tạm thời và cho phép Chính phủ tiến hành việc tăng thuế mua hàng trong năm 2014 để giúp đối phó với trình trạng nợ công cao gấp đôi GDP, nhưng không thể xử lý triệt để các yếu kém vốn có và tạo ra tăng trưởng bền vững. Chính sách này cũng bị cho là sẽ có nguy cơ tạo ra các phản ứng khó lường cho thị trường nếu các nhà đầu tư nghĩ rằng Nhật Bản mất kiểm soát tài chính. 

Trong bối cảnh tăng trưởng của nền kinh tế thế giới tiếp tục giảm tốc, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu chưa có dấu hiệu cải thiện và quan hệ với các nước láng giềng xấu đi đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Nhật Bản vốn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu, các chuyên gia phân tích lo ngại tham vọng đưa nền kinh tế lớn thứ hai châu Á sớm thoát khỏi khó khăn là nhiệm vụ không đơn giản với Chính phủ liên minh sắp tới.

Làm thế nào để biến một loạt cam kết về chính sách đối nội, đối ngoại và kinh tế từng đưa ra khi tranh cử trở thành hiện thực là điều cử tri xứ hoa Anh Đào quan tâm ở nhà lãnh đạo tương lai. Vấn đề an sinh xã hội cũng là chủ đề được nhắc tới thường xuyên trong chiến dịch tranh cử. Bên cạnh cam kết cắt giảm chi phí cho công chức, dùng toàn bộ thuế tiêu dùng cho lĩnh vực an sinh xã hội, ông Abe còn cam kết thông qua các dự luật xác lập chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ lương hưu... để đảm bảo đời sống cho người dân.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra lúc này là làm thế nào để kinh tế Nhật Bản trở lại quỹ đạo tăng trưởng, sau khi đã rơi vào suy thoái tới 5 lần trong vòng 15 năm qua. Trước những lựa chọn khó khăn giữa một bên là việc tiếp tục chi tiêu để rồi lún sâu hơn nữa vào vòng xoáy nợ công; còn một bên là cắt giảm chi tiêu và tiếp tục chứng kiến nền kinh tế ngày càng "tụt dốc”, cái tên Shinzo Abe như niềm hy vọng vực dậy nền kinh tế nước Nhật.

Shinzo Abe trở lại, Trung Quốc lo ngại

Ông Shinzo Abe trở lại chính trường, Trung Quốc đau đầu? ảnh 2

Cùng với cam kết đẩy mạnh các chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội, việc điều chỉnh quan hệ chiến lược với các đồng minh chủ chốt cũng như các quốc gia láng giềng như thế nào cho phù hợp với bối cảnh Mỹ đẩy mạnh chính sách hướng tới châu Á, an ninh khu vực có nhiều biến động cũng là điều được dân Nhật Bản đặc biệt quan tâm. Khẳng định tiếp tục duy trì liên minh Nhật - Mỹ như "hòn đá tảng" trong chiến lược ngoại giao, an ninh và quốc phòng của Nhật Bản, ông Shinzo Abe cho hay Mỹ là điểm đến đầu tiên trên cương vị Thủ tướng mới của xứ Phù Tang. 

Đây có thể được coi là một tuyên ngôn chính trị rất rõ ràng cho sự trở lại của một nhà lãnh đạo được coi là có tinh thần dân tộc chủ nghĩa rất mạnh. Thậm chí, có một số báo còn dùng từ "diều hâu" để mô tả về ông Abe và các chính sách của ông này muốn thực thi khi chính thức trở lại cầm quyền tại Nhật Bản.

Xuất phát từ đó mà hình ảnh về một đất nước Nhật Bản với một nhà lãnh đạo có tinh thần dân tộc chủ nghĩa rất mạnh đã gây ra nhiều lo ngại cho một số quốc gia trong khu vực và cả trên thế giới. Mối lo ngại này càng tăng cao vì những lựa chọn chính sách cứng rắn của ông Abe. Đặc biệt vào thời điểm hiện tại, Nhật Bản bên cạnh việc đang phải đối mặt với các khó khăn xuất phát từ hậu quả còn tồn tại của khủng hoảng kinh tế, quốc gia này còn đang chịu áp lực rất lớn từ các tranh chấp chủ quyền căng thẳng mà nổi bật lên là Điếu Ngư/Senkaku với Trung Quốc, Dokdo/Takeshima với Hàn Quốc và quần đảo Kuril với Nga.

Hơn nữa, có thể còn do lo ngại trước những tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng cùng với ảnh hưởng trên nhiều mặt, trong đó đặc biệt là về quân sự của Trung Quốc trong khu vực ngày càng lớn, gây ra áp lực đối với chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Từ đó là việc ông Abe đang quyết tâm sửa đổi Điều 9 trong Hiến pháp Nhật - đồng nghĩa với việc xóa bỏ lệnh cấm sử dụng quyền tự vệ tập thể của Nhật Bản để quốc gia này có thể giúp đỡ các đồng minh - để có thể mở đường cho những toan tính tiếp theo.

Theo thông tin mới nhất đăng trên tờ Japan Today, bên cạnh kế hoạch phục hồi nền kinh tế Nhật Bản, LDP lên tiếng khẳng định sẽ cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền biển đảo. “Một thực tế không bao giờ thay đổi, quần đảo Senkaku là của Nhật Bản” - ông Shinzo Abe phát biểu trước báo giới. Ông khẳng định Nhật sở hữu và quản lý quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đúng luật pháp quốc tế, vậy nên chủ quyền của Nhật là không thể thương lượng. Ông nhấn mạnh Nhật sẽ không nhượng bộ Trung Quốc dù chỉ 1 mm về vấn đề Senkaku/Điếu Ngư. Ông nói muốn “chặn đứng thách thức” từ phía Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. LDP đã cam kết nghiên cứu ý tưởng xây dựng một hải cảng ở Senkaku hoặc bố trí các quan chức Nhà nước làm việc tại khu vực này nhằm tăng cường khả năng kiểm soát của Nhật Bản đối với các vùng đảo quan trọng về mặt chiến lược song không có người ở này trên Biển Hoa Đông.

Giới phân tích cho rằng nếu thực hiện biện pháp trên, quan hệ Trung - Nhật sẽ tiếp tục căng thẳng hơn sau khi đã rơi xuống mức "tồi tệ" do các động thái của hai bên liên quan tới tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Theo giới quan sát, việc một người như ông Abe trở lại cầm quyền ở Tokyo, sẽ làm cho Bắc Kinh phải đau đầu, ít ra là trong một vài tháng tới đây - vì Nhật Bản sẽ còn bầu Thượng viện vào mùa hè năm 2013.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng Nhật Bản không thể tiếp tục duy trì quan hệ căng thẳng với Trung Quốc do liên kết kinh tế chặt chẽ giữa hai nước này và nhất là LDP được coi là đảng thân giới kinh doanh - những người không muốn việc làm ăn của mình với Bắc Kinh bị ảnh hưởng. Do đó, Chính phủ mới của ông Abe sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện các bước đi.