Đại hội VFF khóa VII

Ông Phạm Ngọc Viễn rút khỏi "cuộc đua" vào ghế PCT chuyên môn VFF

ANTĐ - Đương kim Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF Phạm Ngọc Viễn đã chính thức quyết định không tham gia tranh cử vào các vị trí chủ chốt của VFF nhiệm kỳ mới.

Ông Phạm Ngọc Viễn không tái tranh cử Phó Chủ tịch chuyên môn VFF

Đây là quyết định khá bất ngờ, bởi ông Viễn vẫn được biết đến là một trong những người gắn bó với VFF và với bóng đá Việt Nam lâu nhất qua các nhiệm kỳ. Ông Viễn còn là “cha đẻ” của đề án bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam dẫn tới sự ra đời của V-League, nhận được sự ủng hộ của đại đa số các doanh nghiệp đang đầu tư vào bóng đá. Đặc biệt, ông Viễn cũng chính là “kiến trúc sư trưởng” chấp bút cho bản đề án phát triển bóng đá đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Đề án này đã được Chính phủ phê duyệt sẽ trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của VFF những nhiệm kỳ tới.

Trong số những người làm bóng đá ở Việt Nam, ông Viễn được đánh giá là có trình độ chuyên môn sâu, có tầm ảnh hưởng lớn và cũng là người tạo được nhiều dấu ấn đáng kể trong sự nghiệp thăng trầm cùng VFF. Với bề dày kinh nghiệm và tầm ảnh hưởng của mình ông Viễn rất phù hợp nắm giữ vị trí xung yếu tại VFF.

Thế nhưng sau khi VPF ra đời, ông Viễn chuyển hẳn sang công ty này để nắm giữ chức Tổng giám đốc. Sự vắng mặt của ông Viễn đã để lại một khoảng trống lớn ở VFF, khiến tổ chức này buộc phải bầu bổ sung Phó tổng cục trưởng TDTT Phạm Văn Tuấn để vá những lỗ thủng trong công tác chuyên môn. Tuy nhiên người được kỳ vọng là ông Phạm Văn Tuấn không để lại ấn tượng nào rõ nét.

Được tiếng là người nắm vững chuyên môn tốt nhất tại VFF, nhưng ông Viễn lại “sa sút phong độ” một cách đầy khó hiểu trong thời gian gần đây. Ông bị xem là mất nhiều điểm trong mắt các sếp VFF lẫn Tổng cục TDTT khi là người của VFF được cử sang VPF, nhưng lại không thể hiện được chính kiến của VFF trước các ông bầu trong vụ bản quyền truyền hình. Sau đó, ông Viễn tiếp tục mờ nhạt trên chiếc ghế Tổng giám đốc của VPF, không còn tỏ ra quyết đoán và thường lúng túng khi đứng trước vấn nạn trọng tài, bạo lực sân cỏ, nạn nhường điểm, tình trạng “1 ông chủ 2 đội bóng”..., đến mức VPF phải cắn răng bỏ ra nửa tỷ đồng mỗi tháng để thuê CEO người Nhật Tanabe về làm cố vấn cho việc tái thiết V-League.

Cho đến nay, chưa ai hiểu nguyên nhân thực sự khiến ông Viễn xin rút khỏi cuộc đua vào các chức danh chủ chốt của VFF nhiệm kỳ VII. Lời chia sẻ của gần đây của ông rằng: 
“Tôi nên rút lui để nhường cho người trẻ”, xem ra cũng chưa thật sự thuyết phục.

Nhưng đó cũng có thể xem là sự giải thoát đối với cá nhân ông Viễn, để ông có thể giữ lập trường của mình, thay vì loay hoay không biết xử lý thế nào khi vừa phải đóng 2 vai, vừa phải đứng giữa “hai làn đạn”, giống như trong giai đoạn dữ dội của cuộc chiến bản quyền truyền hình giữa VFF và VPF, khiến báo giới theo đó mà cũng tốn không ít giấy mực.

Trong danh sách giới thiệu của các tổ chức thành viên, có 4 ứng cử viên cho vị trí Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của VFF là ông Phạm Văn Tuấn (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, PCT VFF), ông Phạm Ngọc Viễn (PCT VFF, TGĐ VPF), ông Trần Quốc Tuấn (Vụ trưởng Tổng cục TDTT, Nguyên TTK VFF) và ông Phan Anh Tú (TTK LĐBĐ Hà Nội). Tuy nhiên, 3 trong số đó đã lên tiếng xin rút khỏi cuộc đua, chỉ còn lại ông Phạm Văn Tuấn. Điều này đồng nghĩa với việc vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT này sẽ một mình về đích mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Ông Phạm Ngọc Viễn dù không tham gia tranh cử chức Phó Chủ tịch chuyên môn nhưng vẫn tham gia ứng cử vào BCH và nhắm tới chiếc ghế Trưởng Ban chiến lược VFF.