Ông ngoại

ANTĐ - Quỳnh đang nũng nịu ông nội thì bà đI chợ về ngó vào, kêu to: - Ơ kìa! Quỳnh! Ra đây cho ông làm việc, cháu. 

Mặc, Quỳnh vẫn cứ bíu cổ ông, nì nèo:  

- Ông nội ơi, ông yêu cháu bằng chừng nào?

- Ông yêu cháu bằng cái nhà!

- Ứ ừ, hôm qua ông cũng bảo yêu em Nhi nhà cô Năm bằng cái nhà.

- Thế Quỳnh muốn ông yêu em Nhi bằng cái gì?

- Bằng cái rỉ mũi thôi!

Ông buông bút, ngoảnh ra cửa buồng, nhìn bà, cười: 

- Bà để tôi giải lao một tí! Quỳnh à, cháu chả biết  đâu, ông giàu lắm! Ông yêu em Nhi bằng cái nhà cũng chả hết phần cho cháu đâu. Ông có đủ để chia hết cho các cháu mà.

Bà đưa tay đón Quỳnh. Quỳnh nguẩy đầu, mân mê cái cổ áo của ông:

- Ông ơi, ông là ông nội, thế còn ông ngoại cháu đâu?

- Ông ngoại cháu ở nhà quê.

- Nhà quê là nơi trồng lúa, có trâu, có ruộng á, bà?

Bà xốc nách Quỳnh, bế Quỳnh lên:

- Để ông chấm bài cho các chú sinh viên. Ra đây bà kể chuyện. Rồi hôm nào bà viết thư bảo ông ngoại ra chơi với cháu.

- Thật bà nhé!

- Chả thật thì sao!

- Ngoắc tay với cháu đi, bà!

- Ừ thì ngoắc!

Cong ngón tay chỏ, Quỳnh cười hì hì.

Thế là từ hôm ấy hàng ngày, Quỳnh đi học mẫu giáo về lại hỏi bà: “Ông ngoại đến chưa bà? Cháu thích ông ngoại đến chơi với cháu cơ! Chứ ông nội chỉ làm việc suốt ngày thôi!”. Bà bảo: Ông nội bận lắm. Ông phải viết sách cho các chú sinh viên đọc. Rồi lại còn phải dạy các chú sinh viên học nữa. Bận đến nỗi bà nấu cơm xong, dọn mâm rồi, mời: Ông ra xơi cơm, ông cũng còn ngồi trong phòng làm việc, nói với ra: “Cho tôi tranh thủ năm phút nữa nhé”. Bà nói, rồi bà sẽ nhắn ông ngoại về chơi với Quỳnh.

Một tháng qua, Quỳnh đi học về lại hỏi. Bà đáp: Ông ngoại ở xa lắm. Chắc còn đang trên đường đi. Quỳnh hỏi: Xa thế nào? Bà đáp. Phải đi một thôi tàu hỏa, rồi xuống, mua vé ô tô, đi tiếp một chặng nữa, hết đường mới tới nhà ông ngoại.

 Rồi đến một hôm, có người gọi cửa. Bà mở then, kéo hai cánh cửa, nhìn ra thấy một bóng người mờ mờ, đầu đội mũ lá, áo quần nâu, đi dép cao su, hơi thở nặng và là lạ, đã toan nói: “Ông nhà tôi đi vắng” theo thói quen để ông đỡ bận khách, có thì giờ làm việc, thì người nọ, trật mũ, lập bập:

- Tôi đây mà! Không nhận ra tôi à?

Bà lui lại, nheo mắt, rồi kêu to mừng rỡ:

- Ai như ông thân sinh mẹ cái Quỳnh? Ôi giời! Ông tha lỗi cho tôi nhé. Đấy, vừa hôm nào tôi lên ông, ăn hỏi cho bố cái Quỳnh. Quỳnh ơi, ông ngoại về với cháu đây này!

Ông ngoại Quỳnh vào nhà. Quỳnh nhìn ông chăm chắm. Ông đeo bị cói, tay xách bó sắn củ. Răng ông đen nhờ. Cổ ông quấn cái khăn mặt cũ. Ông mở bị. Măng tre, lạc, chè, bột sắn, mỗi thứ một tí, ông đặt lên mặt bàn nước. Rồi lôi từ đáy bị ra một cái điếu cầy. Ruýt! Ông vừa nhả khói vừa giang hai tay về phía Quỳnh: “Ra ông bế cháu ông tí nào!”. Quỳnh vội bíu vào bà. Ông hơi bị hẫng, quay ngang, hỏi: “Ông nội cháu đâu?”. Bà bế Quỳnh lên, ghé tai Quỳnh: Ông ngoại nhà mình đấy mà, cháu, rồi nhìn ông ngoại: Cháu Quỳnh của ông đấy. Ông xem có nét nào giống mẹ Quỳnh không? Cháu xinh và học giỏi lắm. Tuần nào cũng được phiếu Bé ngoan đấy! Ngừng một lát, lại tiếp: “Để tôi gọi ông nội ra chào ông nhé!”. Và tay bế Quỳnh xăm xăm đi vào buồng ông nội. 

Tận xẩm tối, ông nội mới ra khỏi phòng làm việc. Bắt tay ông ngoại, vừa cười nhè nhẹ, ông nội vừa phân bua: “Ông thông cảm nhé. Biết là ông ngoại cháu cất công từ tít tịt đâu đó về chơi, mà đang dở việc, mai phải trả bài sinh viên rồi, nên không dứt ra được!”. 

Từ hôm ấy nhà có thêm ông ngoại. Nhưng, có thêm ông ngoại mà nhà vẫn trống vắng lắm. Ông nội vẫn ở dịt trong phòng làm việc, đến bữa mới ngồi vào mâm cơm, nói vài câu, và hai bát cơm xong là lại xin phép ông ngoại và cả nhà cho tôi vào làm nốt công việc.

Quanh đi quẩn lại chỉ còn mỗi bà nội là còn thi thoảng nói chuyện với ông ngoại. Vì cả Quỳnh nữa, Quỳnh cũng chẳng chuyện gì để nói với ông ngoại. Cũng chẳng cho ông bế. “Ông ngoại hôi lắm, bà ạ. Ông ngoại không thơm bằng ông nội”. Quỳnh nói. Bà ghé tai Quynh, quát khẽ: “Cháu không được nói thế”. Rồi bà cười xòa: “Phải rồi, ông ngoại đi tàu từ xa về nên nó thế!”. 

Chẳng còn chuyện gì, ông ngoại chỉ còn cách ngồi nhìn Quỳnh. Ngồi mỏi lưng thì ông ngoại nằm. Bà đưa tờ báo bảo: Ông xem đi. Ông đáp: Cái kính vỡ lâu rồi, giờ có nhìn thấy gì đâu mà đọc! Nói rồi ông ngoại soài mình nằm xuống đi văng. Đi văng dài thế mà ông ngoại còn thò hai bàn chân ra bên ngoài. Hai bàn chân ông ngoại to xều, ngón nào cũng tòe đầu và móng thì đen như sừng trâu. Quỳnh nhìn hai bàn chân quá khổ của ông thấy sờ sợ. Trong khi mắt ông nhìn mặt Quỳnh chỉ thấy niềm âu yếm mến thương.  Nhiều hôm, biết là ông thèm bế cháu ngoại lắm, bà liền đẩn Quỳnh về phía ông. Nhưng, Quỳnh lập tức chùn người lại, níu lấy bà. Rồi ghé tai bà, Quỳnh thẽ thọt: Bà ơi, lỗ mũi ông ngoại nhiều lông bạc lắm. Ngủ, ông ngáy rất to. Ông lại hay ho hàng tràng và khạc ra toàn đờm rãi xanh lè, bà à.

Một chiều, Quỳnh đi học về, bà đi vắng. Trong buồng chỉ có ông ngoại. Như được dịp may, ông ngoại đứng dậy, vỗ hai bàn tay, tươi cười tiến lại:

- Cháu đi học về đấy à. Hôm nay cháu có được phiếu Bé ngoan không? Lại đây với ông. Cho ông bế 

tí nào!

Đến gần Quỳnh, ngồi xuống, ông giang hai cánh tay dài đón đợi. Thấy Quỳnh ôm má giật lùi, ông vội vươn đôi tay về phía trớc và như bắt được vàng, ông chộp được tay Quỳnh.

- Bỏ ra! Bỏ ra!

Bất thình lình Quỳnh kêu to và giật tay liên hồi. Ông vội buông tay Quỳnh, nhưng vòng hai tay bế xốc Quỳnh lên, đứng dậy.

- Ứ ừ, bỏ ra! Bỏ ra!

- Cho ông bế một tí nào, cháu. Ông tắm rửa sạch sẽ rồi. Ông không hút thuốc lào nữa đâu!

Mặc ông ngoại khẩn khoản, Quỳnh vẫn quẫy đạp, đòi trụt xuống đất và cuối cùng òa khóc, chạy ào ra cửa. Vừa lúc ấy, bà về. Bà ôm Quỳnh, xót xa: “Ông ngoại làm gì cháu mà cháu thất thần thế này!”.

Ông ngoại quay vào buồng, đeo cái bị, chụp chiếc mũ lá lên đầu, nhấc đôi dép cao su, đi ra hè. Bà hỏi:

- Ông đi đâu, bây giờ?

Ông ngoại đáp:

- Hôm nay xin phép ông bà tôi về. Nhà neo người quá. Bà cháu nằm viện đã sáu tháng. Con trai hai đứa thì đi bộ đội đóng ở trong Nam cả. Hôm rồi ngủ mê thấy cháu Quỳnh nó khóc mếu, oán trách sao không về chơi. Kể lại cho bà cháu nghe, bà cháu bảo: Tôi cũng mê thế. Bèn bán lứa lợn, lấy tiền tàu xe về thăm cháu và ông bà. Nay, thế là toại nguyện. Về, kể cho bà ngoại nghe: Cháu Quỳnh xinh lắm, lại giỏi giang nữa, chắc bà ngoại mừng lắm. Đi hết đời người mới hiểu ra điều các cụ dậy: Có con thì yêu con, có cháu thì quý cháu. Thôi, bà cho tôi gửi lời chào ông nội, tôi về. 

Bữa cơm chiều tới, ông nội từ buồng làm việc bỏ kính đi ra, đứng nhìn bàn ăn, ngơ ngẩn một thoáng, rồi cười: 

- à, thế ông ngoại Quỳnh về rồi nhỉ! Lâu lắm mới được nghe một câu tình nghĩa hay thế. Bà có nhớ câu ông ngoại Quỳnh nói không?

- Tôi tưởng lúc ấy ông đi dạy sinh viên?

- Dạy đâu. Tôi đang viết giáo trình. Bỏ dở công việc, bắt đầu trở lại là khó lắm. Có con thì yêu con, có cháu thì quý cháu. Đúng là thế thật! à, bà có hỏi địa chỉ của ông ngoại Quỳnh không? Đi đến ga cuối cùng tuyến Lao Cai, xuống tàu, còn đi bao đường đất nữa? Kìa! Bà làm sao thế?

Đang nói, ông nội bỗng dừng lời, đăm đăm nhìn bà, lo lắng. Bà quay đi, lấy khăn tay chấm kẽ mắt, 

xụt xịt:

- Tội nghiệp ông ngoại quá! ở chơi mấy ngày mà chẳng được bế cháu ngoại lần nào. Còn con bé Quỳnh thì...

Nói không hết câu bà đã khóc òa...