Ông lớn giảm mua, giá vàng có còn động lực tăng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các dấu hiệu phục hồi kinh tế ngày càng rõ ràng, trong khi nhiều ngân hàng trung ương giảm mạnh mua vàng đang trở thành lực cản chính cho đà tăng của giá vàng.
Đà tăng của vàng gặp trở ngại trong nhiều phiên trở lại đây

Đà tăng của vàng gặp trở ngại trong nhiều phiên trở lại đây

Sáng nay, giá vàng trong nước ít biến động. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giữ nguyên giá vàng ở mức chốt phiên hôm qua, 55,85 – 56,80 triệu đồng/lượng (TP.HCM), 55,85 – 56,82 triệu đồng/lượng (Hà Nội).

Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn khác trên thị trường tăng nhẹ giá mua bán vàng, mức tăng dao động từ 50 – 100 nghìn đồng mỗi lượng, đưa giá vàng SJC giao dịch quanh 56,00 – 56,70 triệu đồng/lượng.

Trên thế giới, thị trường vàng gặp khó khăn khi nhà đầu tư nhận thấy nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là vấn đề việc làm, không tệ như dự kiến…

Bộ Lao động Mỹ vào ngày thứ Năm công bố số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm 130.000 xuống còn 881.000 trong tuần cuối cùng của tháng 8/2020.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm (đêm qua theo giờ Việt Nam), giá vàng giao hợp đồng tương lai tháng 12/2020 giảm 6,9USD/ounce tương đương gần 0,4% xuống 1.937,8 USD/ounce – đây là ngưỡng đóng cửa thấp nhất của giá vàng tính từ ngày 27/8/2020. Trước đó vào phiên ngày thứ Tư, giá vàng cũng đã giảm 1,7%.

Cũng trong ngày thứ Năm, hợp đồng vàng giao ngay mất 0,6% còn 1.930,58USD/ounce.

Thông thường, vàng và chứng khoán diễn biến trái chiều. Tuy nhiên, phiên 3/9, nhà đầu tư đã chứng kiến sự suy giảm của cả hai loại tài sản này. Phố Wall vừa có phiên sụt 5% khỏi đỉnh lịch sử bởi những cổ phiếu công nghệ bị chốt lời, dẫn tới giảm rất sâu.

Theo các chuyên gia, giá vàng trong ngắn hạn sẽ tiếp tục bị tác động trực tiếp bởi các số liệu kinh tế Mỹ, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, diễn biến của dịch Covid-19 và vaccine phòng ngừa dịch bệnh này… Nhưng về trung và dài hạn, tương lai của vàng vẫn sáng sủa khi triển vọng lạm phát là rất lớn.

Dù vậy, việc các ngân hàng trung ương, các quỹ đầu tư sụt giảm nhu cầu vàng cũng đang là lực cản cho kim loại quý này. heo dữ liệu mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương, sau khi chứng kiến mức cao kỷ lục trong 2 năm qua thì đã chậm lại đáng kể vào tháng 7.

Trong một báo cáo hôm thứ Năm, WGC cho biết dữ liệu dự trữ mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy các ngân hàng trung ương đã mua 8,2 tấn vàng trong tháng 7 - mức mua ròng hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 12/2018.

Dù vậy, bất chấp mức tăng trưởng dự trữ vàng chính thức toàn cầu trong tháng 7 thấp hơn, lượng mua ròng của các ngân hàng trung ương từ đầu năm đến nay vẫn ở mức trên 200 tấn.

WGC vẫn lạc quan rằng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua vàng, dù hiện tại số lượng quốc gia bán hiện nhiều hơn số lượng quốc gia mua: 8 ngân hàng trung ương đã giảm dự trữ vàng (1 tấn trở lên) so với 7 ngân hàng đã tăng lượng vàng nắm giữ (1 tấn trở lên)