Ông lang gàn dở “nuôi” cả chục người nghiện trong nhà

ANTĐ - Đến thôn Văn Giáp, xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội hỏi ông lang Hiệp “cai nghiện” thì ai ai cũng biết, việc chỉ đường cho khách lạ đến nhà ông đã trở thành quen đối với họ. Người biết thì cảm phục, kính nể ông, người nào không hiểu lại bảo ông gàn dở vì suốt hàng chục năm qua, lúc nào trong nhà ông cũng có dăm, bảy, thậm chí cả chục người nghiện, có người còn dính H. Ông cùng ăn, cùng ngủ, cùng thức với họ và chữa bệnh… nghiện cho họ.

Cai nghiện ma túy trong… 20 ngày

Khi chúng tôi đến, trong nhà ông Hiệp có 5 người nghiện đang tá túc, kèm theo đó là những người nhà đi theo chăm sóc. Căn nhà cấp 4 ba gian cũ kỹ đến mức lạc lõng giữa những ngôi nhà cao tầng khang trang nhưng lúc nào cũng ồn ào. Thật khó để nghĩ rằng hầu hết họ đều là những con nghiện, chỉ cách đây vài ngày, vài tuần còn vật vờ với khói thuốc trắng, cơ thể rệu rã đến nỗi con ruồi đậu không buồn đuổi. Ông lang Hiệp (Nguyễn Hữu Hiệp) vừa tất tả ra chợ mua ít thịt, ít rau về để nấu nướng cho những người đang cai nghiện tại nhà mình. Mới đầu, chúng tôi không nghĩ người đàn ông nhỏ thó, quần xắn quá đầu gối ấy chính là ông Hiệp, cho đến khi tất cả đám người trong nhà cùng nhau cất tiếng “chào thầy”, “chào bố”. Dường như đọc được suy nghĩ của khách, ông cười: “Chữa cho người nghiện phải có cái tâm, đừng bao giờ coi mình là thầy của chúng nó mà phải coi mình là chú, là bác của chúng nó, coi xương thịt chúng nó cũng như xương thịt của mình vậy”. 

Anh P (40 tuổi, Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội) là người nghiện ma túy đã có thâm niên 16 năm. Ngày trước anh cao ráo, đẹp trai, đã từng có bằng đại học, từng mở một ảnh viện áo cưới to đùng ở gần trung tâm Hà Nội, rồi sang tận Thái Lan kinh doanh khoáng sản, anh lấy vợ và có 2 người con. Đã nhiều lần quyết tâm cai nghiện, ra hết trại nọ đến trung tâm kia mà nghiện vẫn cứ hoàn nghiện. Khi được người nhà đưa đến đây, nhìn thấy “thầy Hiệp” và cái căn nhà cũ kỹ này anh nằng nặc đòi về. “Ở các trung tâm có bao nhiêu cán bộ quản giáo, có rào thép rào gai mà còn không cai được, huống hồ là ở đây” - anh nghĩ. Người nhà động viên mãi anh mới chịu. Anh bảo, không ngờ ở đây cai nghiện lại nhẹ nhàng đến vậy. Khi lên cơn đau nhức, anh được thầy Hiệp “tiêm” (thủy châm) cho, thế là cơn đau tan dần và anh đi vào giấc ngủ. Hằng ngày, anh được “thầy” cho uống thuốc, đến nay mới sang ngày thứ 4 anh đã thấy khỏe hơn nhiều, gần như không còn nhớ ma túy nữa. 

Tương tự T (34 tuổi, Hà Nội) cũng đã nghiện trên chục năm. T tâm sự mình cũng không nhớ nổi qua bao nhiêu bệnh viện, trại cai nghiện mà không bỏ được ma túy, gia đình đã nghĩ là không thể cai được nữa. “Ở nhiều chỗ cai nghiện, ma túy sẵn lắm, chỉ sợ không có tiền mà mua thôi, thế nên được người thân gửi vào bao nhiêu tiền lại mua ma túy hết, không có tiền thì trốn ra ngoài cướp giật. Thế nên cai ở khắp nơi mà không thể bỏ được, ra trại cái là tìm đến ma túy luôn”. Kể rồi, T giơ chiếc ví của mình ra vui vẻ khoe: “Đây chị nhìn, nếu là những nơi khác thì chỗ tiền này đã theo khói trắng rồi. Nhưng ở đây thì không có chuyện đó, thầy không khóa cửa, thầy vẫn cho đi xe máy ra ngoài mua đồ dùng nhưng chả ai tìm đến ma túy cả”. T đã ở đây 13 ngày, chỉ còn 7 ngày nữa là được về với gia đình.

Đáng nói là phương pháp cai nghiện của ông Hiệp gần như không khiến bệnh nhân đau đớn, vật vã, chỉ cần 20 ngày là người nghiện có thể trở về gia đình. Ngày trước nhiều gia đình đưa người nhà đến đây cai nghiện, thấy ông có mỗi ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, cái cửa còn không chắc chắn thì không tin ông có thể giữ được người nghiện khi họ lên cơn. Bất đắc dĩ ông phải sắm cũi và xích để “trưng bày”. “Nhưng từ đó đến nay đã 10 năm tôi chưa phải dùng đến cũi và xích vì họ không bị lên cơn vật vã thèm thuốc”. Ông bảo để chữa trị cho người nghiện thì gần như phải áp dụng rất nhiều bài thuốc vì người nghiện cơ thể họ suy nhược, nhiều người còn mắc HIV. Đa phần họ bị đau do kẹt thần kinh tọa vì khi hút thuốc, cơ thể rất nóng, họ lại tắm lạnh ngay, lúc này phải châm cứu thông cho họ hết đau. Có người bị loét dạ dày thì phải cho họ uống thuốc dạ dày, người ta hen có cả cục đờm ở cổ thì phải làm cho họ nôn hết đờm ra, có người táo bón cả chục ngày, lại có người tiêu chảy đi ngoài mỗi đêm cả chục lần thì phải chữa cho họ hết bệnh. Thậm chí có bệnh nhân nhiễm HIV, ông cũng tìm cách chữa trị. Ông bảo chưa có nhiều người phản hồi nên ông chưa khẳng định hiệu quả chữa HIV của mình, nhưng đến nay đã có hai người nhiễm HIV được ông điều trị đang sống khỏe mạnh… 

Từ học đông y để… chăn nuôi

Ông Hiệp kể mình theo con đường đông y hết sức tình cờ. Năm 1973, ông xuất ngũ với nhiều thương tật, sức khỏe rất yếu (ông Hiệp là thương binh hạng 4/4), gia đình lại quá khó khăn. “Hồi ấy đi làm công điểm, mỗi ngày được 7 lạng thóc thì làm gì có tiền đi bệnh viện. Người ta nói đùa nhau là muốn đi bệnh viện phải có “con ngan nằm” (tức là con “năm ngàn”, nói lái). Năm ngàn ngày ấy to lắm, tôi nghĩ thầm làm gì có tiền đi bệnh viện. Cuộc sống lại khó khăn cả về kinh tế, nhiều áp lực tâm lý nữa nên từ năm 22 tuổi là tôi bị bệnh mất ngủ, mỗi đêm chỉ ngủ được hơn tiếng đồng hồ. Suy nghĩ mãi tôi quyết định gom tiền, lên Tràng Tiền mua mấy quyển sách đông y với ý định học các bài thuốc để chữa bệnh cho mình và cho vợ con” - ông kể. Thế là từ đó, ngày nào cũng như ngày nào, cứ 9h con cái học hành xong, mắc màn cho con đi ngủ là ông lại chong đèn đọc sách đến tận gần sáng. Càng đọc ông càng ham, càng ngấm các bài thuốc đông y. Sau đó ông lại tìm thêm các thầy lang để học các bài thuốc. “Mới đầu tôi áp dụng vào chăn nuôi, sau thì chữa bệnh cho mình và người thân. Tôi nuôi lợn nái sề không phải mời thú y về bao giờ, vợ con cũng chưa mất đồng tiền thuốc nào cả”. 

Đến chữa... nghiện

Suy nghĩ về việc chữa cho những người nghiện đến với ông vào khoảng những năm 1980. Khi đó cơn lốc ma túy lại tràn về, nhiều làng chết vãn thanh niên vì nghiện. Ông bắt đầu âm thầm mày mò các bài thuốc cai nghiện với suy nghĩ lấy nền tảng từ bài thuốc chữa gan. Lúc đó ông sinh hoạt trong các hội đông y, hội châm cứu, quen biết rất nhiều thầy lang. Cứ ở đâu nghe tin có ông lang nào có bài thuốc hay mà không có con để truyền lại là ông lại tìm đến. Ông đi cả chục tỉnh miền Bắc, thậm chí vào tận TP Hồ Chí Minh, có bài thuốc ông phải mua với giá 6 chỉ vàng. 

Năm 2004, ông bắt đầu ca chữa nghiện đầu tiên. Đó là con một người bạn cùng sinh hoạt trong hội đông y, khi biết ông đang nghiên cứu bài thuốc chữa nghiện thì gửi đứa con đã nghiện 10 năm đến cho ông chữa thử. Thế mà ông chữa được, người này sau không còn tái nghiện. Tiếng lành đồn xa, dần dà người nghiện tìm đến ông nhiều hơn. “Mất 5-6 người đầu thì khó khăn hơn, có khi phải thức trắng cả đêm để cùng người nhà xoa bóp cho họ khi họ lên cơn đau đớn, vật vã. Sau đó ông nghiên cứu và mỗi khi người nghiện lên cơn đau đớn, chỉ cần 3 phút thủy châm là họ khỏi đau và dễ dàng chìm vào giấc ngủ, không vật vã”.

Trong nhà ông Hiệp, ngoài những bảng nội quy về tình đoàn kết, sự công bằng, yêu thương lẫn nhau giữa những người nghiện do ông quy ước thì còn rất nhiều thư cảm ơn, những bức ảnh chụp ông cùng với những người cai nghiện thành công, cả những bài thơ tri ân… Ông bảo những người đến với ông thuộc rất nhiều thành phần xã hội, cán bộ có, luật sư có, doanh nhân có, đầu trộm đuôi cướp, trùm xã hội đen cũng có, nhưng một khi đã vào đến đây thì tất cả được đối xử công bằng như nhau, và họ đều kính trọng gọi ông bằng thầy, bằng bố. “Có anh vào cai được 7 ngày, mới gọi tôi vào chỉ vào cái cái cặp đựng nào súng, nào dao, nào kiếm bảo: Thầy ơi con tưởng vào đây như các chỗ khác nên phải mang cái này phòng thân. Tôi bảo ừ, thôi cất đi. Sau này mới biết anh ta là trùm giang hồ ở ngoài xã hội” - ông Hiệp kể. 

Ông lang gàn dở và bài thuốc chưa có người kế nghiệp

Cũng vì chữa cho người nghiện mà ông Hiệp đã gặp không ít điều tiếng, dị nghị, thậm chí là phản đối gay gắt. Khoảng chục năm trước, dân làng ở đây nghe đến từ “thằng nghiện” là họ kinh sợ lắm. Có lúc dân làng xung quanh “phát sốt” vì số người nghiện ở trong nhà ông quá đông, dân làng họp hành bảo nghiện ngập về làng, thế nào cũng sinh ra trộm cắp, cướp bóc, rồi có khi làng này lại trở thành “làng nghiện” không biết chừng, họ kiên quyết không cho ông đưa người nghiện về nhà nữa. 

Thế nhưng dù bị mang tiếng gàn dở, ông vẫn quyết làm, ông sang tận Thanh Trì thuê nhà mất 2 năm để tiếp tục chữa trị cho người nghiện. Mãi sau dư luận cũng ít dị nghị hơn, các cơ quan chức năng cũng thấy việc ông làm có hiệu quả và quan trọng là những người nghiện đến nhà ông cai không gây phiền phức gì, ông mới xin chính quyền về lại địa phương hoạt động. Nhiều người vẫn ngạc nhiên và không thể lý giải được tại sao những người nghiện trong nhà ông Hiệp không bao giờ ra ngoài, cãi lộn, to tiếng, trộm cắp gì dù rằng ông chẳng bao giờ cần khóa cửa. Có người còn nghi ngờ: Hay ông Hiệp cho bọn nghiện uống thuốc ngủ…

Thậm chí ngay vợ con ông cũng ra sức phản đối, vợ ông cũng vì vậy mà bỏ về nhà ngoại, sau thì sang ở với con trai chứ nhất quyết không dám ở căn nhà ấy. “Người ta làm thầy thì xã hội trọng vọng, vợ con quấn quýt, còn tôi thì chỉ có mấy thằng nghiện. Điều đó cũng dễ hiểu, vì xã hội đang coi người nghiện là cái thứ kinh khủng lắm, nào là họ mang bệnh gan, bệnh thận, bệnh ếch, bệnh nhái đến, khủng khiếp lắm” - ông Hiệp đùa. Chả thế mà dù sở hữu bài thuốc “có một không hai” nhưng ông Hiệp vẫn không tìm được người kế nghiệp, vì “ai cũng sợ mấy thằng nghiện”. Dù chưa được ngành y khoa chính thức công nhận, song số người nghiện ông chữa lên đến cả trăm người. Chữa bệnh cho người nghiện cũng đã chục năm nay, nhưng tài sản của ông vẫn là căn nhà cấp 4 cũ rích. Ông bảo những người nghiện đến với ông đến phân nửa có hoàn cảnh  khó khăn, có người chỉ đủ lo tiền ăn uống, thế nên kinh phí thì lấy người nọ bù người kia với tiền thuốc thang nữa là vừa. Nghèo thế thì ai muốn theo. Chỉ có tình người là có lẽ ông giàu có nhất.