Ông đồ thời @

ANTĐ - Ông đồ @ tên thật là Hoàng Văn Long, người đất Hưng Yên, hiện đang là sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành Hán Nôm, Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. Đam mê văn chương, chữ nghĩa từ nhỏ, Long đến với thư pháp như một cơ duyên.

Xuất thân trong gia đình thuần nông, Long không hề có ý niệm về việc học chữ Nho. Phải đến khi 15 tuổi, khi thấy cháu mình thông văn, thạo sử, bà nội của Long đem buồng cau đến làm lễ với thầy đồ Đào Văn Đinh trong làng xin nhận cháu mình làm học trò, học cái chữ làm người. Thầy đồ vốn kĩ tính, nhưng thấy Long có đôi mắt sáng, lanh lợi, lại ngoan ngoãn nên nhận lời. Long hồi tưởng lại, “thầy đồ là người uốn nắn từng nét chữ đầu tiên, từ quy tắc cầm bút, cách viết. Học thầy là phải ngồi chiếu, cúi sát đất mà học, để thấy được cái hồn của chữ”. Bài học vỡ lòng về chữ Nho bước qua tuổi thơ Long, còn vang mãi những Tam tự kinh, Ấu học, Sơ học vấn tân, Bách gia tính…

Năm 2009, Long thi đỗ ngành Hán Nôm, Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV. Như tìm được bến đỗ của chính mình, Long nhanh chóng thích ứng với môi trường mới. Trong buổi học làm quen với lớp, thầy giảng cho cả lớp nghe bài Bát tự khai tâm. Thầy hỏi cả lớp có ai đọc tiếp được câu “Thiên tích thông minh…”, duy nhất có Long trả lời được “… thánh phù công dụng”.

Một bận, Long ngẫu hứng viết lên bảng đen trích dẫn câu trong Kinh Lễ “Tọa như thi lập trai/ Thành tại tâm bất tùy hình”. Thầy bắt gặp, phê rằng “Thành tại tâm là đúng rồi, nhưng hình thể hiện tâm thì vẫn phải có, cứ ví như đứng tế mà cởi trần anh thấy có được không?”. Từ đó, Long để ý hơn đến cách dùng chữ sao cho đúng và hợp lý.

Biết cậu học trò đam mê với chữ Nho, ThS. Nguyễn Quang Thắng - Viện nghiên cứu Hán Nôm khuyến khích Long theo thầy giao lưu thư pháp để rèn chữ. Cũng từ đây, Long trở thành cây bút chủ lực cùng các anh chị khóa trên trong Câu lạc bộ thư pháp của Khoa Văn học. Trong đợt khai xuân năm 2012, Long từng tham gia viết chữ cho “Triển lãm thư pháp” tại Văn Miếu, đền Phù Ủng tỉnh Hưng Yên cũng như trong các hoạt động của Câu lạc bộ Thư pháp của Khoa. 

Long chọn cho mình ba thể chữ chính là chữ Chân, chữ Triện, và chữ Lệ. Người mới học chữ, đầu tiên phải viết Chân thư với nét chữ cơ bản và dễ đọc. Chữ Triện, Long học được từ Ân Xuyên Nguyễn Quang Thắng. Và chữ Lệ là kiểu chữ dung hội được cái hồn của Chân thư và Triện thư đầy sinh động và nhiều sức sống. Những nét bút thả hồn cùng con chữ đưa Long vào thế giới mới. 

Kể về những hoạt động của Câu lạc bộ thư pháp, Long cho biết, Câu lạc bộ thường tổ chức cho chữ đầu năm vào khoảng 15 đến 20 tháng giêng Âm lịch, tại khuôn viên Trường ĐHKHXH&NV. Đến với Câu lạc bộ, sinh viên chỉ phải bỏ ra 20.000 đồng tiền mua giấy. Những ngày hoạt động trong Câu lạc bộ thư pháp khoa Văn học, Long vừa cho chữ vừa học hỏi các bậc tiền bối về kỹ năng viết. Nhiều bạn sinh viên khi bắt gặp Long cẩn thận viết từng chữ trên giấy dó không khỏi bất ngờ và thán phục. Có bạn trêu đùa, sao ông đồ mà quần jean, áo phông trẻ trung vậy, Long chỉ cười, “ông đồ @ mà”. 

Long kể: “Các bạn sinh viên ngoài việc xin chữ, cũng muốn mình giải nghĩa để hiểu và trân trọng hơn. Nhiều người xin chữ cho bản thân, nhưng cũng không ít bạn xin cho bố mẹ, ông bà. Mình còn nhớ, có một bạn sinh viên khóa dưới, một mực đòi mình viết tặng mẹ bạn ấy. Mình đã viết bốn chữ Từ huyên phồn chỉ, đại ý là chúc mẹ có nhiều phúc đức, sức khỏe. Nhận được chữ, cô sinh viên thích lắm, nhất định mời “thầy” đi uống nước”.

“Nhìn các sinh viên vui vẻ và phấn khởi sau khi được nhận chữ, mình như thấy được cái hồn của con chữ không chỉ còn trên tờ giấy vô tri. Nó lan tỏa trong khắp mọi người, trước hết là trọng chữ nghĩa, sau là giáo dục đạo đức, nhân cách con người. Mình thấy vững tin hơn vào những gì đã chọn”, ẩn sau câu nói của chàng sinh viên trẻ, tôi như thấy được hồn chữ của dân tộc không mất đi, mà bén rễ vào đời sống riêng của mỗi người. 

Đầu xuân năm mới, người ta thường tặng nhau chữ, mang ước nguyện trao đi những điềm lành, hạnh phúc. Và chàng sinh viên trẻ Ngành Hán Nôm, vẫn âm thầm gửi hồn chữ, hồn người trên lớp giấy mang hồn dân tộc. Tôi chợt nghĩ, thư pháp còn khi còn những người nâng niu cây bút, nghiên mực như Long.