“Ơn giời, cậu đây rồi”: Diễn hài nhưng đừng dung tục, quá lố!

ANTĐ - Lần đầu tiên, chương trình hài hước “Ơn giời, cậu đây rồi” dùng để thử thách khả năng ứng biến, xử lý tình huống của các nghệ sĩ đã mang một làn gió mới cho khán giả VTV3 giải trí vào cuối tuần. Tuy nhiên, đôi khi những mảng miếng, chiêu trò để gây cười dễ gây phản cảm, dung tục trong cả ngôn ngữ và hình thể. 

“Ơn giời, cậu đây rồi”: Diễn hài nhưng đừng dung tục, quá lố! ảnh 1Tiết mục trong Ơn giời, cậu đây rồi. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Khó kiểm soát khi nghệ sĩ “lên đồng”

“Thank God, you are here!” là phiên bản gốc một chương trình hài ăn khách của Australia, được Việt hóa và xuất hiện trên VTV3 vào 21h15 thứ bảy hàng tuần với cái tên “Ơn giời, cậu đây rồi!”.  Chương trình do nghệ sĩ Xuân Bắc giữ vai trò dẫn chuyện, danh hài Hoài Linh làm giám khảo và anh cũng là “vật cản” cuối cùng, lớn nhất mà chương trình dành cho các nghệ sĩ trước khi chạm vào chiếc cúp người xuất sắc.

Trong bối cảnh vào mỗi cuối tuần các chương trình truyền hình thực tế, thi thố đầy ắp, để tìm kiếm một chương trình có thể thư giãn đầu óc, thoải mái gần như rất hiếm hoi, “Ơn giời, cậu đây rồi” hứa hẹn sẽ là chương trình gây sốt, thu hút lượng người xem cao từ cả hai miền Nam – Bắc. Ngay khi phát sóng lần đầu tiên (ngày   11-10), chương trình đã nhận được khá nhiều lời khen khi trình làng cùng những tên tuổi đình đám như: Hoài Linh, Chí Tài, Việt Hương, Trấn Thành... giữ vai trò thử thách người tham gia. Tuy nhiên qua 3 kỳ phát sóng vừa qua, “Ơn giời, cậu đây rồi” đã xuất hiện tình trạng chung ở các sân khấu tạp kỹ lạm dụng hình thể dị hợm, từ ngữ dễ gây hiểu lầm, phản cảm... để gây tiếng cười với khán giả. 

Trong các phần thử thách của Chiến Thắng – Trấn Thành, Phi Thanh Vân - Chí Tài, Việt Hương - Khánh Nam, Quỳnh Trang - Đại Nghĩa, những câu chuyện tình huống được đặt ra và các tình tiết trở nên có phần… cười không nổi. Trong chương trình này, cả người trưởng phòng và nghệ sĩ tham gia đều không biết trước kịch bản, tình huống xảy ra như thế nào. Mọi thứ đều hoàn toàn bất ngờ dành cho khán giả lẫn người tham gia thi. Tuy nhiên, dường như ngay cả Ban tổ chức cũng không thể kiểm soát được lời nói, hành động là gì tiếp theo của các nghệ sĩ lúc tung hứng, “lên đồng” khi họ quá nhập vai. 

“Quá mù ra mưa…”

Mới nhất, ở kỳ thứ 3 phát sóng vào ngày 25-10, phần thử thách của Quỳnh Trang do Đại Nghĩa và Trường Giang làm trưởng phòng có lồng ghép những thông điệp về nạn lừa gạt lòng nhẹ dạ cả tin đối với các nghệ sĩ trẻ khi mới bước chân vào nghề diễn. Các chi tiết mà Đại Nghĩa yêu cầu Quỳnh Trang thực hiện nếu cô không đủ bản lĩnh hoặc “làm cho tới cùng” thì câu chuyện sẽ đi một chiều hướng khác. Tiếng cười không còn là sự hài hước, vui vẻ mà còn gây bất ngờ khiến khán giả ồ lên trên trường quay vì những từ ngữ địa phương dễ gây hiểu lầm, “cởi”, khoe da thịt, hình thể làm quá lố…. 

Thời gian gần đây, các nhóm hài kịch khi diễn tại các sân khấu tạp kỹ đã không ngần ngại sử dụng những từ ngữ có phần trần trụi, thô tục để cố tình cù cho khán giả cười. Có thể những điều này được cho là sự tự nhiên trong diễn xuất nhưng cũng ít nhiều ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của những khán giả truyền hình nhỏ tuổi, vì chương trình phát sóng toàn quốc. Chưa kể, mảng miếng trêu ghẹo, hài hước văn hóa hai vùng miền Nam – Bắc khác nhau nên cũng sẽ dễ dẫn tới hiểu lầm, sai ý mà người nghệ sĩ muốn diễn tả. 

Nghệ sĩ Vân Sơn đã từng chia sẻ khi nói đến chuyện sử dụng những từ ngữ thô tục, trần trụi: “Khi xã hội phát triển, mỗi người có định hướng riêng và phô sắc theo ý thích của mình, có hoa đẹp và hoa dại. Chúng ta nên chú ý và nhận thức được những gì nói trên sân khấu vì nó có có thể gây ảnh hưởng lớn tới xã hội”.