Trường THPT Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm, Hà Nội):

Ổn định tâm lý sau vụ nữ sinh bị 11 cái tát

ANTD.VN - Ngày 10-11, ông Đặng Văn Chiến, Hiệu trưởng trường THPT Cao Bá Quát, Gia Lâm cho biết, thời điểm này, em Đ.T.P.M vẫn đang được thầy cô, bạn bè quan tâm và đã ổn định học tập. 

“Mọi việc đang được xử lý theo đúng quy định. Tuy nhiên, chúng tôi rất muốn nhanh chóng ổn định tốt về tâm lý, học tập, giảng dạy cho cả cô và trò sau khi đã rút kinh nghiệm về sự việc đáng tiếc này” - ông Đặng Văn Chiến cho biết.

Ổn định tâm lý sau vụ nữ sinh bị 11 cái tát  ảnh 1

Sở GD-ĐT Hà Nội đang tiếp nhận khiếu nại của phụ huynh về giáo viên trường THPT Cao Bá Quát, Gia Lâm

Tranh luận gay gắt cách thức xử lý giáo viên

“Ban đầu, khi xảy ra sự việc, nhà trường đã thực hiện đúng quy trình, xử lý kỷ luật giáo viên Đ.T.H theo mức độ sai phạm. Gia đình cũng đã đồng ý hòa giải” - Hiệu trưởng Đặng Văn Chiến cho biết. Tuy nhiên, sau 2 tháng, sự việc nữ sinh Đ.T.P.M bị 2 bạn tát trên lớp dưới sự cho phép của cô Đ.T.H lại được “xới lại” với khiếu nại của phụ huynh như Báo ANTĐ đã đưa số ra ngày 9-11. Phụ huynh này khẳng định hình thức kỷ luật cô giáo Đ.T.H là chưa thỏa đáng.

Thông tin sự việc này đang gây tranh luận gay gắt giữa quan điểm xử lý thật nặng để làm gương, buộc giáo viên phải chuyển trường hay để giáo viên, học sinh ổn định dạy và học với mức xử lý nhà trường đã đưa ra.

Thậm chí đã có luật sư lên tiếng cho rằng, giáo viên Đ.T.H. đã vi phạm điều 121, Bộ luật Hình sự với tội danh làm nhục người khác và có thể bị truy tố hình sự. Điều này khiến cho diễn đàn trên Fanpage trường THPT Cao Bá Quát, Gia Lâm ồn ào với những ý kiến phân tích trái phải. 

Một phụ huynh trường này chia sẻ, muốn đánh giá đúng sai hành vi của người khác cần phải nắm được động cơ. Theo đó, cô giáo H có mục đích là giáo dục học sinh như cô đã nói với tập thể học sinh và chính người bị hại, hoàn toàn không phải là động cơ trả thù vì không hề xảy ra mâu thuẫn xích mích giữa cô giáo với phía bị hại và gia đình người bị hại.

“Hình thức kỷ luật như vậy là thỏa đáng rồi. Cô giáo bị đình chỉ dạy học, không được chủ nhiệm lớp của em M. và phải xin lỗi học sinh, gia đình học sinh trước toàn trường vì phương pháp kỷ luật đạo đức bạo lực, phản sư phạm. Như vậy, đối với một giáo viên đã là một bài học đắt giá” - một phụ huynh trường THPT Cao Bá Quát chia sẻ.

Ranh giới mong manh

Phản ánh về tình hình hiện nay của thầy và trò nhà trường, Hiệu trưởng Đặng Văn Chiến cho biết, nhà trường cùng các thầy cô đang tích cực dạy và học. Trong đó, học sinh Đ.T.P.M đã ổn định tâm lý, học tập tại trường, không hề có dấu hiệu bị phân biệt đối xử hay gặp trạng thái bất ổn. Giáo viên Đ.T.H cũng đã nhận công tác theo phân công mới của nhà trường sau quyết định kỷ luật.

“Hiện nhà trường mong muốn nhất là tạo sự ổn định cho thầy và trò. Còn phụ huynh khi tiếp tục khiếu nại nhà trường vẫn phải có trách nhiệm báo cáo, thực hiện các quy trình đầy đủ theo yêu cầu của Sở GD-ĐT Hà Nội. Sai đến đâu phải xử lý đến đó theo đúng pháp luật” - ông Đặng Văn Chiến cho biết.

Rút kinh nghiệm về những vụ việc giáo viên sử dụng phương pháp sư phạm sai như trường hợp giáo viên Đ.T.H, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, việc cho bạn đánh học trò là sai lầm lớn về phương pháp giáo dục.

“Không thể nói là quy định không được đánh học sinh khiến giáo viên không còn biện pháp giáo dục học sinh hư. Còn có rất nhiều biện pháp sư phạm khác thay vì chọn bạo lực. Không bao giờ có chuyện đánh học sinh mà học sinh trở nên ngoan ngoãn. Hơn nữa, giáo viên hơn ai hết cần hiểu, gang tấc giữa vi phạm pháp luật với động cơ giáo dục nghiêm khắc là rất nhỏ” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, để xảy ra sự việc này, nhà trường cần phải xin lỗi cùng như nói rõ với phụ huynh khi lựa chọn biện pháp xử lý sai phạm của giáo viên. Ở đây, mục tiêu đặt ra là để giáo viên có cơ hội sửa lỗi sau khi đã tự ý thức được sai lầm của mình. Việc bắt buộc thôi việc hay chuyển trường nhiều khi làm mất đi cơ hội sửa lỗi của giáo viên khi mà ai cũng có thể mắc sai lầm và cần được hỗ trợ, chia sẻ nhất là khi mục tiêu của họ là nhằm giáo dục học sinh.