“Ôm” đất gây thất thu

ANTĐ - Ở Hà Nội hiện nay, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đa số sắp xếp đất được giao phục vụ cho lợi ích của mình. Hầu như những mảnh đất nào dôi dư thì các tổng công ty, tập đoàn xin chuyển đổi mục đích xây dựng. Đó là ý kiến của Chi cục trưởng Chi cục Quản lý công sản Hà Nội, khi đề cập tới đề án khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản Nhà nước của Bộ Tài chính. Trong đó, đề xuất đấu giá đất bên đường, đánh thuế biệt thự bỏ hoang.

Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, các doanh nghiệp Nhà nước chiếm giữ nhiều mặt bằng nhưng không sử dụng hết vào mục đích sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển mục đích cho thuê để kiếm lời, cá biệt một số nhà đất bị chiếm dụng hoặc bỏ trống. Chi phí tiền thuê đất quá thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng doanh nghiệp “ôm đất”. Tính theo diện tích bình quân thì tiền thuê đất chỉ là 2.316 đồng/m2, cá biệt có những doanh nghiệp chỉ đóng 800-1.000 đồng/m2. Thật không ngờ lại có cái giá rẻ “như bèo” đến thế, cho nên doanh nghiệp chẳng “dại” gì mà không chuyển mục đích cho thuê lại kiếm tiền bỏ túi, nhất là được che chắn bởi chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi sản xuất. Việc Chính phủ quyết định khung giá đất có tác dụng trong giai đoạn đầu vì đây là căn cứ để đưa ra bảng giá. Đến thời điểm này, khung giá đất đã tỏ ra mất hiệu quả, quá lạc hậu so với giá thị trường.

Vì thế, theo Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên - Môi trường đã thống nhất bỏ khung giá đất. Sau khi dỡ bỏ khung này, Chính phủ sẽ quy định phương pháp, nguyên tắc để UBND được xác định giá. Chính việc giao đất không thông qua đấu giá trong những năm qua cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mù mờ, thiếu minh bạch trên thị trường. Phải thừa nhận rằng, trong các hình thức giao đất, cho thuê đất, chỉ có đấu giá là “thị trường” nhất. Mặc dù, trong nhiều trường hợp cùng một ngôi nhà mà nhiều người “thích” thì giá sẽ bị đẩy lên cao.

Dẫu vậy, đấu giá đất vẫn minh bạch hơn hẳn giao đất chỉ định. Để khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai thực sự là “tấc đất tấc vàng”, đề án của Bộ Tài chính đề xuất mở rộng chính sách đấu giá đối với cả đất chưa giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh đấu thầu các dự án có sử dụng đất nhằm hạn chế tối đa tình trạng giao đất, cho thuê đất theo kiểu chỉ định và đánh thuế tài sản gắn liền với đất. Đặc biệt, đánh thuế nặng hơn đối với đất bỏ hoang, đất đã giao, đã cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, trường hợp không có nhu cầu sử dụng thì chuyển cho người có nhu cầu. Bản đề án cũng đề xuất sẽ khai thác quỹ đất hai bên đường khi mở rộng hoặc làm mới, để tạo nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông. Lâu nay, Nhà nước đầu tư hạ tầng giao thông, vô hình trung tạo ra sự chênh lệch rất lớn giá đất hai bên đường, nhất là tại những vị trí đắc địa ở các đô thị có giá đất cao ngất ngưởng nhưng Nhà nước chẳng thu được đồng nào. Riêng đất đai tại các cơ quan, tổ chức, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, sẽ chuyển từ cơ chế giao đất sang thuê đất theo nguyên tắc giá thị trường để tạo sự minh bạch trong hạch toán.

Nếu đề án được áp dụng, mỗi năm ngân sách Nhà nước sẽ tăng thu hàng trăm nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế giá đất giao, tiền thuế đất vẫn còn thấp hơn giá thị trường 30%, thậm chí 50%. Vì thế, doanh nghiệp vẫn muốn “ôm đất”, còn Nhà nước thì vẫn thất thu khá nhiều. Ngay cả đánh thuế biệt thự bỏ hoang cũng phải xác định rõ cái nào bỏ hoang do đầu cơ. Đề án này khá vĩ mô nhưng lại quá xa vi mô.