Olympic Tokyo với những giấc mơ tan vỡ vì Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 dương tính là điều đáng sợ với nhiều người, tuy nhiên, đối với vận động viên bơi lội người Nam Phi, Erin Gallagher thì tờ giấy bé nhỏ đó không khác gì một “cơn ác mộng”, nó đã làm tan vỡ giấc mơ, thử thách sự kiên nhẫn của cô.

Từ một vận động viên đỉnh cao trở thành người chỉ đủ sức thở

Thế vận hội Olympic Tokyo diễn ra từ 23-7 đến 8-8, trong thời gian Tokyo áp đặt tình trạng khẩn cấp vì Covid-19

Thế vận hội Olympic Tokyo diễn ra từ 23-7 đến 8-8, trong thời gian Tokyo áp đặt tình trạng khẩn cấp vì Covid-19

Chỉ sau vài ngày, Erin Gallagher đã chuyển từ một vận động viên Olympic ưu tú ở trạng thái đỉnh cao thành một bệnh nhân chỉ còn đủ sức lực nằm trên giường, tập trung vào những chức năng cơ bản nhất của thể chất, đó là thở. Cô luôn phải tự nhủ: Mình chỉ cần tiếp tục tự thở được.

Niềm mong mỏi được đặt chân tới Thủ đô Tokyo trong đoàn thể thao tham gia Thế vận hội Olympic cũng như giấc mơ mà Erin Gallagher theo đuổi bao năm qua bỗng chốc trở nên vượt quá tầm với đối với nữ vận động viên thi đấu đỉnh cao này. “Đó là thời điểm cực kỳ đen tối đối với tôi. Thật sự, tôi không còn nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu nào khả thi để tôi có thể tới được Tokyo. Trong tâm trí tôi luôn thường trực giọng nói: Erin, không thể thực hiện được điều đó rồi. Lúc đó, tôi không còn suy nghĩ được gì tốt hơn là từ bỏ và tập trung vào việc cải thiện tình hình sức khỏe”.

Đó là thời điểm cuối năm 2020, khi Erin Gallagher bị nhiễm Covid-19. Và nữ vận động viên này là một trong những người may mắn, ngay cả khi cô phải mất hàng tháng trời để phục hồi sức khỏe hoàn toàn. Cô ấy đã vượt qua được. Vận động viên 22 tuổi này sẽ tham dự Thế vận hội Olympic Tokyo với tư cách là thành viên của đội tuyển quốc gia Nam Phi, dự kiến sẽ tranh huy chương.

Nhiều vận động viên khác, đã không có được sự may mắn đó. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở hầu hết các quốc gia châu Phi, đúng thời điểm Olympic đang đến gần, nó đã khiến các kế hoạch tập luyện, đi lại và tham gia các cuộc thi cọ xát quý giá trước Thế vận hội trở nên vô cùng khó khăn với các vận động viên. Đại dịch Covid-19 đã phá hủy những giấc mơ!

Đội bóng rổ Senegal, đội đã lọt vào vòng loại cuối cùng ở Tokyo vào tháng trước, ngay đêm trước cuộc thi, 3 cầu thủ và một quan chức có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Toàn đội đã phải quay trở về, không còn cơ hội để tham dự Olympic, thậm chí ngay cả đối với những cầu thủ không bị nhiễm. Giấc mơ Olympic tưởng như sắp trong tầm với, giờ đây, có lẽ phải sau nhiều năm nữa, cơ hội mới xuất hiện trở lại.

Ở tuổi 33, vận động viên bóng rổ người Nigeria Micheal Eric có lẽ sẽ không có thêm một cơ hội nào nữa. Anh đã nhiễm virus Covid-19 và mặc dù đã được cho phép trở lại đội tuyển Nigeria sau hai tuần bị cách ly, nhưng Eric nói rằng, anh nhận ra rằng mình “không còn đủ sức lực để thi đấu”. Micheal Eric đã xin rút khỏi đội và buộc phải từ bỏ cơ hội duy nhất có thể đến Thế vận hội. “Trở thành vận động viên đỉnh cao là ước mơ cả đời của tôi. Nhưng tôi biết tôi phải làm những gì tốt nhất cho sức khỏe và hạnh phúc của mình”- Eric nói.

Vận động viên đỉnh cao cũng buộc phải kết thúc sự nghiệp

Ngay cả đến một trong những tên tuổi lớn nhất cũng không thoát khỏi “nanh vuốt” Covid-19. Vận động viên giữ kỷ lục thế giới David Rudisha, 32 tuổi của Kenya sẽ không thể đến Tokyo để có cơ hội giành chương vàng thứ ba liên tiếp ở cự ly 800 mét sau khi anh cố gắng vượt qua vòng loại sau chấn thương phức tạp do đại dịch. Vì vậy, David đã phải kết thúc sự nghiệp Olympic của một trong những vận động viên chạy cự ly trung bình xuất sắc của làng điền kinh thế giới.

Trong khi có lẽ không có vận động viên Olympic nào trên khắp thế giới không phải đối mặt với thách thức liên quan đến Covid-19 trong suốt 18 tháng qua, làn sóng các ca nhiễm mới và tình trạng thiếu vaccine trầm trọng ở châu Phi đã dẫn đến việc nhiều nước tăng cường giãn cách, phong tỏa. Việc tập luyện do đó bị hạn chế, cũng một phần bởi không vận động viên nào muốn mình có nguy cơ bị mắc Covid-19 khi Olypmic đang cận kề.

Đội tuyển quyền Anh của Ghana đã trải qua nhiều tháng không đấu thi đấu cọ xát vì lo ngại lây nhiễm virus. Thay vào đó, các vận động viên này đã phải tự tập luyện trước gương trong phòng riêng tại một khách sạn nơi đội tuyển lưu trú để chuẩn bị cho cuộc thi lớn nhất trong sự nghiệp thể thao của họ. Huấn luyện viên hướng dẫn các cầu thủ qua mạng WhatsApp. “Chỉ có duy nhất một mình bạn trong phòng, bạn phải cố gắng duy trì một chế độ tập luyện để giúp mình có được phong độ tốt nhất lúc thi đấu” - Suleimanu Tetteh, vận động viên hạng ruồi nói.

Theo truyền thống nhiều thập kỷ qua, các vận động viên chạy cự ly của Kenya tập luyện cho Thế vận hội theo nhóm từ 30 người trở lên và cùng với các vận động viên trẻ triển vọng. Tuy nhiên, năm nay, mọi truyền thống đều bị phá vỡ. Tất cả đều do Covid-19. Cũng bởi những biện pháp hạn chế xã hội do dịch Covid-19, vận động viên Judo người Marocco Soumaya Iraoui đã từ bỏ chế độ luyện tập thường xuyên của mình để nghiên cứu tập luyện bằng “hình ảnh”.

Trở lại với vận động viên Erin Gallagher, “trận đấu” của cô với Covid-19 vẫn không kết thúc dù các triệu chứng của bệnh đã thuyên giảm. Khi quay trở lại bơi lội, cô cảm thấy kiệt sức chỉ sau một vài vòng, bị đau tức ngực và phải đến gặp bác sĩ tim mạch. Bác sĩ nói rằng tim của cô vẫn ổn, tuy nhiên, vấn đề là cần có thời gian.

Các trận thi đấu Olympic sẽ không có khán giả

Người hâm mộ thể thao sẽ không được đến các sân vận động và đấu trường ở khu vực Tokyo để theo dõi, cổ vũ các trận thi đấu Olympic, giới chức Nhật Bản đưa ra thông báo sau cuộc họp với các nhà tổ chức hôm 8-7.

Điều này đồng nghĩa với việc, các sự kiện Thế vận hội chỉ được phát cho người dân theo dõi qua truyền hình. Quyết định được đưa ra sau khi Chính phủ Nhật Bản tuyên bố đặt Thủ đô Tokyo trong tình trạng khẩn cấp vì Covid-19 khi các ca nhiễm không ngừng tăng và do biến thể Delta rất dễ lây nhiễm. Tuyên bố được Thủ tướng Yoshihide Suga đưa ra và lệnh cấm khán giả đã được các nhà tổ chức Olympic Nhật Bản, Ủy ban Olympic Quốc tế, Ủy ban Paralympic Quốc tế và chính quyền Thủ đô Tokyo đồng ý. “Cân nhắc đến tác động của chủng delta và để ngăn chặn sự bùng phát trở lại của các ca lây nhiễm trên toàn quốc, chúng ta cần phải đẩy mạnh các biện pháp phòng chống virus” - ông Suga nói.

Người hâm mộ thể thao từ nước ngoài đã bị cấm tới Nhật Bản để cổ vũ từ nhiều tháng trước và các biện pháp mới này đồng nghĩa với việc các sân vận động và đấu trường xung quanh Tokyo - cả địa điểm thi đấu trong nhà và ngoài trời đều được tổ chức không có khán giả. Lệnh cấm bao gồm Tokyo và ba tỉnh lân cận - Kanagawa, Saitama và Chiba. Một số sự kiện ở các khu vực xa hơn, như thi đấu bóng chày ở tỉnh Fukushima, sẽ cho phép một số lượng khán giả hạn chế.

Tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 12-7 và kéo dài đến ngày 22-8. Thế vận hội Olympic sẽ khai mạc ngày 23-7 và kéo dài đến ngày 8-8, hoàn toàn nằm trong thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp, trong khi Paralympic khai mạc vào ngày 24-8.