Olympic 2016 của thể thao Việt Nam: Kỳ tích xen lẫn nuối tiếc, thất vọng

ANTD.VN - Tối qua 18-8, VĐV cuối cùng là đô vật Nguyễn Thị Lụa đã hoàn tất phần thi, khép lại một kỳ Olympic được đánh giá thành công nhất lịch sử của đoàn thể thao Việt Nam. Song bên cạnh đó cũng còn những nuối tiếc, thất vọng.

“Người hùng” Hoàng Xuân Vinh

Olympic 2016 của thể thao Việt Nam: Kỳ tích xen lẫn nuối tiếc, thất vọng ảnh 1

Với 1 HCV, lập kỷ lục 10m súng ngắn hơi nam và 1 HCB 50m súng ngắn bắn chậm nam, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã lập kỳ tích cho thể thao Việt Nam tại đấu trường thế vận hội. Những thành tích xuất sắc giúp VĐV gốc Sơn Tây, Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, đồng thời nhận nhiều tỷ đồng tiền thưởng từ các nhà tài trợ. Cần phải nói thêm, những tấm huy chương của Xuân Vinh giúp thể thao Việt Nam thoát cảnh “trắng tay” ở kỳ Olympic thứ ba liên tiếp.

“Mũi nhọn” Thạch Kim Tuấn gây thất vọng

Olympic 2016 của thể thao Việt Nam: Kỳ tích xen lẫn nuối tiếc, thất vọng ảnh 2

Trước giờ lên đường, không phải Hoàng Xuân Vinh, lực sỹ cử tạ hạng 56kg nam Thạch Kim Tuấn mới là người được kỳ vọng nhất. Thế nhưng đô cử của TP.HCM đã gây thất vọng khi chẳng những không mang về huy chương mà còn xếp chót bảng xếp hạng sau 3 lần cử đẩy thất bại. Trước đó, Kim Tuấn được đầu tư nhiều tỷ đồng để sang Hungary, Mỹ tập huấn; được đi chuyển sang Brazil bằng máy bay hạng thương gia, có HLV, trưởng bộ môn theo kèm, trong khi nhiều VĐV còn không có HLV tại Olympic… Tham dự với số lượng đông nhất đoàn - 4VĐV, trong đó có 2 VĐV hy vọng giành huy chương, nhưng cử tạ lại là đội tuyển thất bại nhất.

Tiếc nuối cho kình ngư Ánh Viên 

Là VĐV được tham dự nhiều nội dung nhất trong số các VĐV đoàn Việt Nam, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đã lựa chọn ¾ nội dung để tranh tài gồm 400m tự do, 200m hỗn hợp và 400m hỗn hợp. Ngoại trừ nội dung 400m hỗn hợp xếp thứ 9 Olympic, phá kỷ lục SEA Games, 2 nội dung còn lại Ánh Viên đều thi đấu dưới sức. Trước khi rời Brazil để trở lại Mỹ tiếp tục tập huấn, “cô gái vàng” làng bơi Việt Nam đã gửi lời xin lỗi tới người hâm mộ vì không thể đạt chỉ tiêu đề ra: lọt chung kết một nội dung. Tuy nhiên, Ánh Viên xứng đáng nhận được sự cảm thông và tiếp tục kỳ vọng, bởi mục tiêu đầu tư của ngành thể thao và đơn vị quân đội dành cho Ánh Viên là để chinh phục HCV ASIAD 2018.

Nước mắt Vũ Thị Hằng

Olympic 2016 của thể thao Việt Nam: Kỳ tích xen lẫn nuối tiếc, thất vọng ảnh 3

Rất nỗ lực để vượt qua vòng loại, vắt kiệt mồ hôi để ép cân chờ đến ngày tranh tài tại Olympic Rio nhưng võ sỹ vật Vũ Thị Hằng (48kg nữ) nhận tin dữ khi các bác sỹ chẩn đoán cô bị tái phát chấn thương lưng, cột sống không được phép thi đấu vì có thể dẫn tới nguy hiểm. Nhận tin dữ 2 ngày trước giờ thi đấu, nữ độ vật 24 tuổi đã khóc rất nhiều vì tan giấc mơ Olympic Rio. “Em đã rất nỗ lực tập luyện để ép 5kg nhưng tất cả giờ đều đổ sông, đổ bể vì chấn thương bất ngờ tái phát”, Vũ Thị Hằng nức nở chia sẻ với phóng viên ANTĐ sau khi biết tin phải bỏ thi đấu để giữ an toàn sức khỏe. 

Dự Olympic chỉ để cọ xát

Đó là tình trạng của đa số VĐV đoàn Việt Nam đến với Olympic Rio. Các VĐV như Quốc Cường (bắn súng), Quý Phước (bơi), Tiến Minh, Vũ Thị Trang (cầu lông), Quốc Toàn, Tấn Tài (cử tạ), Hà Thanh, Phước Hưng (TDDC), Nguyễn Thị Huyền, Thành Ngưng (điền kinh), Thành An, Lệ Dung, Đỗ Thị Anh (kiếm)… đều không vượt qua vòng loại. Dù có được tấm HCV đầu tiên trong lịch sử, song Olympic vẫn là sân chơi quá sức so với đa số VĐV Việt Nam ở thời điểm này.