Oanh tạc cơ Tu-95MSM ngày càng đáng sợ nhờ kinh nghiệm thực chiến

ANTD.VN - Oanh tạc cơ Tu-95MSM tiếp tục được nâng cấp dựa trên kinh nghiệm thực chiến và bổ sung nhiều loại vũ khí hàng không hiện đại.

Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec cho biết, việc hiện đại hóa oanh tạc cơ Tu-95MSM sẽ làm tăng hiệu quả chiến đấu của phương tiện chiến lược này thêm nhiều lần, những kinh nghiệm thu được trong quá trình thực chiến đóng vai trò quan trọng.

Theo Tổng giám đốc Rostec - ông Sergei Chemezov, Tu-95 là một trong những dòng máy bay quân sự dễ nhận biết và được kính trọng nhất trên thế giới, khi sở hữu tốc độ và phạm vi hoạt động đáng nể.

Chiếc oanh tạc cơ chiến lược ra đời từ thời Liên Xô vẫn giữ danh hiệu máy bay sử dụng động cơ cánh quạt nhanh nhất hành tinh, ngoài ra phi hành đoàn còn lập kỷ lục thế giới khi thực hiện hành trình 30 nghìn km với những lần tiếp nhiên liệu trên không.

Những máy bay ném bom chiến lược ra đời đã lâu này hiện vẫn liên tục tuần tra không phận Liên bang Nga và thực hiện hàng loạt nhiệm vụ chiến đấu trên chiến trường Ukraine.

Phiên bản nâng cấp mới nhất Tu-95MSM còn có khả năng mang tên lửa hành trình tầm cực xa, bên cạnh đó máy bay còn được trang bị hệ thống dẫn đường và liên lạc hiện đại nhất.

Chuyến bay đầu tiên của oanh tạc cơ Tu-95 diễn ra cách đây 45 năm, hiện tại nó là máy bay ném bom chiến lược mang tên lửa được sản xuất hàng loạt duy nhất trên thế giới vẫn sử dụng động cơ turbine cánh quạt.

Chiếc phi cơ được phương Tây đặt biệt danh "Bear - Gấu" này là xương sống của Lực lượng Hàng không Chiến lược Nga, nó sở hữu một số “át chủ bài” khiến vai trò vẫn là không thể thiếu trong hoạt động tác chiến tầm xa.

Tu-95 tiết kiệm hơn máy bay phản lực Tu-160 khi tiêu thụ lượng nhiên liệu ít hơn và không đòi hỏi nhiều về thiết kế sân bay. Ngoài ra động cơ turbine cánh quạt của"Gấu" tạo ra ít nhiệt hơn loại turbine phản lực của "Thiên nga trắng", dẫn tới ít bị vệ tinh nước ngoài chú ý hơn.

Phi hành đoàn của Tu-95 có 7 người, "trái tim" của máy bay là 4 động cơ turbine cánh quạt NK-12MP, mỗi chiếc có công suất 15.000 mã lực, tầm hoạt động tùy thuộc vào tải trọng, trong khoảng 6.500 - 10.500 km.

Chiếc oanh tạc cơ này được trang bị hai khẩu pháo GSh-23 nòng đôi và tên lửa Kh-15 có tầm bắn 2.500 km, được sử dụng trong vai trò vũ khí tấn công chủ lực dưới thời Liên Xô.

Các nhà phân tích và chuyên gia quân sự phương Tây cũng dành sự "kính trọng" nhất định cho Tu-95 của Nga, họ thừa nhận chúng có thiết kế lỗi thời nhưng vẫn hiệu quả trong các nhiệm vụ cụ thể.

Ví dụ, các nhà phân tích quân sự đến từ Mỹ nhận xét việc trang bị cho Tu-95 tên lửa hành trình phóng từ trên không Kh-95 mang lại cho nó "một sức sống mới đáng gờm" trong thế kỷ 21.

Những tên lửa này có khả năng đáng kinh ngạc, tự hào với tầm bắn 3.000 km và khả năng bay ở tốc độ Mach 2,8, khiến chúng trở nên khó bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng không hiện đại.

Các chuyên gia phương Tây mặc dù nhận xét Tu-95 chậm và dễ bị tiêm kích hiện đại tấn công, nhưng khả năng mang phóng tên lửa hành trình tàng hình tầm xa cho phép nó hoạt động hiệu quả từ khoảng cách an toàn, bên ngoài hệ thống phòng thủ của đối phương.

Lợi thế chiến lược này khiến một số nhà phân tích quân sự quốc tế tin rằng oanh tạc cơ Tu-95 sẽ tiếp tục gây ra mối đe dọa đáng kể trong nhiều năm tới.