Ô tô lậu công khai lưu hành: "Hổng" từ đâu?

(ANTĐ) - “Đã và đang có một xu hướng khá… liều lĩnh trong bộ phận người dân có “của ăn của để” hiện nay, là mua ô tô nhập lậu để sử dụng. Người mua bỏ ra khoản tiền rẻ hơn nhiều so với xe chính hãng nhập khẩu, nhưng ngược lại, họ sẽ mất trắng chiếc xe ấy, thậm chí bị truy tố nếu cơ quan chức năng chứng minh được việc mua bán xe đó là ý thức chủ quan”.

Ô tô lậu công khai lưu hành: "Hổng" từ đâu?

(ANTĐ) - “Đã và đang có một xu hướng khá… liều lĩnh trong bộ phận người dân có “của ăn của để” hiện nay, là mua ô tô nhập lậu để sử dụng. Người mua bỏ ra khoản tiền rẻ hơn nhiều so với xe chính hãng nhập khẩu, nhưng ngược lại, họ sẽ mất trắng chiếc xe ấy, thậm chí bị truy tố nếu cơ quan chức năng chứng minh được việc mua bán xe đó là ý thức chủ quan”.

Những chiếc ô tô "gian" bị Công an Hà Nội thu giữ
Những chiếc ô tô "gian" bị Công an Hà Nội thu giữ

“Hồn Trương Ba, da hàng thịt”

Chỉ huy Văn phòng Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội nhận định, có 2 cách thức mà các đối tượng thường áp dụng để “khai sinh” cho những chiếc xe nhập lậu. Một là đục lại số khung - số máy của xe theo những giấy đăng ký, đăng kiểm mà chúng đang có; từ đó “dóng” biển kiểm soát giả cho xe lưu hành. Thủ đoạn này vừa bị CAQ Đống Đa phát hiện, qua việc thu giữ 4 chiếc xe ô tô hạng sang được gửi ở một số điểm trông giữ xe trên địa bàn.

So với dân nhập lậu ô tô chuyên nghiệp, hoạt động theo đường dây, thì việc đục số khung, số máy, làm giả biển kiểm soát như trên chỉ là… trò trẻ con. Những chiếc xe lậu được phù phép thành xe nhập khẩu, trên cơ sở ô tô vô chủ được đem ra thanh lý. Tất nhiên, mánh làm giả cao thủ này có sự tham gia của một số cán bộ công quyền hám lợi. Vụ án Ngô Doãn Phúc và đồng bọn buôn lậu xe ô tô bị CQĐT CATP Hà Nội khám phá hồi trung tuần tháng 7 vừa qua là ví dụ điển hình.

Lợi dụng chính sách tạm nhập, tái xuất xe ô tô qua biên giới Việt Nam với Lào, Campuchia, Ngô Doãn Phúc và đồng bọn đã đưa về nhiều xe ô tô loại đắt tiền. Sau đó, các đối tượng móc nối với một số cán bộ có trách nhiệm của tỉnh Bắc Giang, lập hồ sơ bán thanh lý xe cũ nát và dùng những bộ hồ sơ đó để “hợp pháp hóa” đăng ký số ô tô nhập lậu, bán ra thị trường. Điểm mấu chốt trong vụ án này là Phúc cùng đồng bọn kiếm đâu ra được hồ sơ của xe thanh lý? Rất tinh quái, chúng đi lùng mua những chiếc xe cũ, nát, rồi vứt ở khu vực đã được thống nhất trước với số cán bộ biến chất. Nhận được tin báo của “quần chúng nhân dân”, những cán bộ biến chất trên đã đến thu xe và đưa về làm thủ tục để thanh lý xe vô chủ. Nhóm Phúc tìm mọi cách mua lại để có được bộ hồ sơ thanh lý phù hợp với nhãn hiệu, số khung, số máy của xe nhập lậu (đã được chúng chỉnh sửa từ trước). Tiếp đó, các đối tượng mang xe nhập lậu đi giám định số khung, số máy, rồi đem đăng ký. Cứ như thế, những chiếc xe nhập lậu ung dung đến tay người tiêu dùng trong bộ hồ sơ hoàn toàn hợp lệ.

Có “chống” được xe gian?

“Lỗ hổng” khiến xe ô tô gian có cơ hội lưu hành hình thành ngay trong nội dung của quy định tạm nhập - tái xuất. Thế nên, việc chặn “lỗ hổng” này đòi hỏi sự thay đổi về cơ chế, quy trình, và phải do các cơ quan Trung ương thực hiện. Ở góc độ các tỉnh, thành phố, việc “chống” xe ô tô gian xem ra có phần dễ dàng hơn. Ông Nguyễn Công San - Đội trưởng Đội QLTT số 1, Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, “Nhiều nước trên thế giới có quy định, người dân khi bán xe ô tô được phép giữ lại biển kiểm soát. Điều này đồng nghĩa với việc, mỗi người chỉ được phép sử dụng chiếc xe với biển kiểm soát duy nhất đó. Còn người mua xe, họ hoặc là sử dụng biển kiểm soát từng được cấp, hoặc phải đến cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục đăng ký, cấp biển khác”.

Ông San cho rằng, quy định này sẽ rất hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng mua bán xe mà không qua cơ quan chức năng chứng nhận, vốn dĩ đang phổ biến ở Việt Nam. Đây là tình trạng đúng như Trung tá Đào Xuân Lâm - Đội trưởng Đội Đăng ký phương tiện, Phòng CSGT, CATP Hà Nội phản ánh. Trung tá Lâm khẳng định, cơ quan quản lý đã có quy định rõ, trong vòng 30 ngày, các trường hợp mua bán ô tô phải đến Phòng CSGT để làm thủ tục sang tên, đổi chủ. Không chấp hành quy định này có nghĩa chủ phương tiện đã vi phạm pháp luật và giao dịch đó coi như bất hợp pháp. Khi vi phạm bị phát hiện, người điều khiển xe sẽ bị áp dụng chế tài khá nặng, song đối với lực lượng chức năng, việc làm rõ được trường hợp đó là mua bán xe không sang tên, không hề đơn giản chút nào. Ở đây rõ ràng, “lỗ hổng” lớn nhất là ý thức của người dân. Ý thức kém có thể dẫn đến việc đứng trước sự phán xét của pháp luật.

Hoàng Quân