Ở rể ngày nay

ANTĐ - Luân lý phong kiến với tam tòng tứ đức, khi trai gái đến tuổi hôn phối thì người nữ lấy chồng theo chồng và phụ thuộc hoàn toàn vào danh phận nhà chồng. Vì vậy mà đi lấy chồng cũng gọi là làm dâu. Đó là sự thuận lý, hợp lẽ đời. Nhưng có những hoàn cảnh nghịch lý, trớ trêu là người nam về nhà vợ, đi theo vợ, danh phận phụ thuộc hoàn toàn vào nhà vợ. Đó gọi là đi ở rể. 

Ảnh internet

Hai từ ở rể đủ nói lên thân phận lép vế của bất cứ một trang nam nhi nào rơi vào hoàn cảnh đó. Điều đó cũng có nghĩa là những quyền lợi lớn nhất chính đáng nhất và thông thường nhất của đời một người đàn ông đã không còn. Nay những khuôn phép, luân lý chuẩn mực xã hội đã khác. Tính độc lập của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong dòng tộc, cộng đồng ngày một rõ nét và thân phận “ở rể” cũng trở nên muôn hình vạn trạng.

Nếu như ngày xưa người đàn ông gặp cảnh trầm luân, trắc trở lớn ở đời mới phải cắn răng đem thân đi ở rể. Quanh năm ngồi mâm dưới, thấp cổ bé họng và ra đường thì chỉ cúi mặt, sụp nón, lí nhí trong mồm, nhưng nay nếu được ở rể thì với nhiều người lại là càng tốt. 

Một anh chàng học không hay, cày không biết, lười nhác ham chơi. Cha mẹ không có tiền hay thế lực mà lo. Anh ta rảnh rỗi cả ngày tỉa tót, xúng xính áo quần xe mũ để đi tán gái. Chơi bời trăng hoa chán chê, đến ngoài 30 bất ngờ anh ta xin cưới một cô vợ quá lứa, hơn chồng 3 tuổi, xấu người, xấu nết. Nhưng cái hay ở cô vợ này là gia đình không có con trai, bố mẹ cho con rể ở chung căn nhà rộng 200 m2, xin việc sắm xe và hứa cho thừa kế. Về nhà vợ, “cậy” vợ vừa già vừa xấu, anh con rể khệnh khạng hơn bố già. Bia rượu, thuốc lá, cà phê và đàn đúm tối ngày. Mở mồm là gắt gỏng, ăn nói với bố mẹ vợ chỏng lỏn vô lễ. Động một tí là dọa bỏ vợ. Đối xử với gia đình thì như vậy, anh ta lại đem tiền đi chơi bời, sĩ diện khắp nơi. Đã ăn nhờ nhưng anh không những không xấu hổ về chuyện nhờ nhà vợ mà còn tự đắc, vênh váo với những thứ có được do nhờ vả ấy, dạng ở rể này là do lười biếng sống nhợt nhạt phụ thuộc mà thành.

Dạng “ở rể” thứ hai mang tính quỷ kế thâm độc có chiến lược toan tính. Một anh nhà quê ra tỉnh, từ lúc chưa dậy thì anh đã ý thức được gia cảnh nghèo hèn của mình. Đồng thời anh ta cũng ghi xương khắc cốt là muốn đổi đời nhanh nhất, hợp pháp và đỡ vất vả nhất là lấy vợ giàu với bất cứ giá nào... Đối tượng anh ta nhắm tới là những cô chồng chết, chồng bỏ, chồng chê hay ế chồng nhưng có tài sản và ít hiểu biết. Dạng người ấy thường là gái già ngoại ô nhưng đất đai gia đình nhiều hoặc gái già đi lao động và sống lưu vong buôn bán nhiều ở nước ngoài. Cuối cùng anh ta đã tìm được một đối tượng là một bà cô 38 tuổi - Trưởng phòng Phát hành ở một Công ty in mà anh trai cô ta làm Giám đốc. 

Cô này thuộc dạng đỏng đảnh, tham lam và đầu óc rất tăm tối, đặc biệt không xỉ ra cho ai đồng nào bao giờ và cũng chưa rung động bao giờ. Lấy vợ, về nhà vợ với 800m2 đất, lại được anh vợ xin cho chân chạy vật tư. Khôn ngoan, lọc lõi và xảo quyệt, từng bước vơ vét, nịnh trên nạt dưới lên được chức Phó phòng. Anh đối xử với anh vợ như với Chúa và bản thân tận tụy trung thành đến đáng thương. Với vợ thì chấp nhận giặt giũ, rửa bát, lau nhà và không bao giờ bia rượu, thuốc lá, đi khuya... vì vợ mà tự ép mình quên hết những niềm vui cuộc sống.

Đến khi anh vợ sa cơ, thì chính anh ta là người phản thùng, kiện anh vợ để lấy lòng phe cánh khác, lập tức bạc đãi vợ đòi li dị chia tài sản. Đến lúc đó người ta mới hiểu lòng dạ của anh chàng rể ngoan ngoãn và nhịn nhục nọ thật thâm độc.

Loại đàn ông tình nguyện ở rể thứ ba thì phổ biến hơn. Đó là dạng nhà nghèo, không mua được nhà, không tự lo được cuộc sống chính mình, nên nhà vợ có điều kiện thì anh ta cũng không chối. Tuy xã hội ngày nay không còn lấy điều đó làm trọng nữa nhưng đó là loại đàn ông không có quyền và cũng không dám quyết định những việc lớn trong nhà, cho vợ con hay cho chính mình. Sống kém giao du, dè xẻn và cam chịu. Thường thì những người vợ, và gia đình nhà vợ trong trường hợp này là những người thích lấn át, trịch thượng và xác định lấy chồng cho con là để có thêm người phục vụ gia đình và ý thích của mình.

Tất nhiên dù thời phong kiến cổ hủ hay thời kinh tế thị trường đầy toan tính, so đo thì không phải người con trai nào lấy vợ, về nhà vợ ở cũng đáng chê cười hay coi thường. Bởi đã có chàng kỹ sư quê Hải Phòng, tốt nghiệp đại học, xin được việc làm tại Hà Nội và yêu một cô gái Hà Nội. Chưa có nhà riêng và khi cưới vợ anh ta tình nguyện về nhà vợ ở chung với bố mẹ vợ vì lý do nghĩa tình cùng sự mặn mà yêu thương của nhà vợ. 

Vượt qua xì xào dị nghị họ sống với nhau hạnh phúc bình đẳng và rất mẫu mực. Anh nói: vợ anh là con một, bố mẹ cô ta già yếu cần người chăm sóc. Trong khi nhà bố mẹ trống trải vắng vẻ cần một người đàn ông khỏe mạnh đỡ đần thì về mặt hiếu nghĩa, anh cũng như vợ anh không thể ở riêng. 

Với khả năng của mình, anh có thể chắt bóp, tiết kiệm để mua được nhà riêng. Nhưng điều đó chỉ mang tính hình thức và ích kỷ khách quan vì thực ra nhà bố mẹ vợ rất rộng rãi và trước sau thì ông bà cũng để lại cho đứa con gái duy nhất của mình. 

Ở rể thời nào cũng vậy… đó là điều không anh đàn ông đàng hoàng nào mong muốn. Nhưng khi xã hội xóa dần những thành kiến lạc hậu, những hủ tục cũ thì câu chuyện ở rể lại hàm chứa nhiều màu sắc khác nhau. Trong đó có chỗ cho sự dựa dẫm, ỷ lại nhu nhược, những toan tính thấp hèn nhưng cũng có nhiều những hoàn cảnh và hành vi cao thượng như anh chàng kỹ sư Hải phòng nọ, sự thương yêu đùm bọc hay những suy nghĩ bình dị thì lại là nét đẹp của cuộc đời.