Ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng: Xóa ngay tình trạng "cha chung không ai khóc"

ANTD.VN - Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng trong khi tình trạng “cha chung không ai khóc” còn tồn tại trong công tác quản lý, đây là những vấn đề được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường (sáng 24-8).

Cơ quan chức năng lấy mẫu nước để xác định tình trạng ô nhiễm (ảnh minh họa)

Ô nhiễm bùng phát do tích tụ nhiều năm

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra rằng, thời gian vừa qua tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về môi trường bùng phát do tích tụ nhiều năm trong quá trình phát triển.

Ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất đai ngày càng nghiêm trọng nhất là các khu cụm công nghiệp, làng nghề, khu đô thị, khu dân cư tập trung, nông thôn tình trạng ô nhiễm trên diện rộng chứ không riêng một lĩnh vực nào.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, nhiều sự cố môi trường diễn ra đã gây những phản ứng gay gắt ở nhiều nơi, tạo ra nhiều điểm nóng phức tạp, nếu không chủ động xử lý có thể gây mất ổn định an ninh trật tự. Thực trạng trên cho thấy cần phải thay đổi tư duy phát triển. Phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường, phải kiên quyết không để kinh tế ảnh hướng tới môi trường đời sống bình yên của người dân.

Người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, dù nhiều năm qua Chính phủ đã có nhiều biện pháp tập trung chỉ đạo nhưng thực trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn những thách thức chưa được giải quyết triệt để, còn những vấn đề ở mọi cấp mọi ngành đặt biệt cấp địa phương, đặt biệt các cơ quan cấp giấy phép đầu tư xây dựng.

Trước tình hình đó, thông qua hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu các cấp các ngành cùng bàn luận tìm giải pháp để có kết quả rõ hơn, phù hợp hơn nhằm từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng thời cần tập trung vào 2 vấn đề là đánh giá thực chất tình trạng ô nhiễm môi trường và chỉ rõ các hạn chế các yếu kém trong quản lý nhà nước dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu cần làm rõ trách nhiệm của các cấp địa phương, những đơn vị trực tiếp cấp phép, đặc biệt các sở, chi cục TN-MT bởi vẫn còn tình trạng “cha chung không ai khóc” dù đang có bộ máy quản lý đồ sộ.  

Hà Nội triển khai hàng loạt dự án xử lý ô nhiễm

Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP mới đạt 98%, chất thải sinh hoạt đạt 95%, chất thải công nghiệp thông thường đạt 85%...

Ô nhiễm không khí và ô nhiễm nước ngầm trên địa bàn đều vượt với tiêu chuẩn cho phép. TP đã xây dựng được 10/10 trạm xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, tuy nhiên chất lượng xử  lý nước thải có lúc vẫn chưa đạt so với tiêu chuẩn.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết thêm, về ô nhiễm tại các ao hồ và các hồ chứa nước trên địa bàn xã Nam Sơn và Bắc Sơn (Sóc Sơn) hiện đang ở mức báo động. Nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư đổ ra các sông như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu... chưa được xử lý. Ngoài ra nước thải của hơn 1.000 cơ sở làng nghề trên địa bàn TP vẫn chưa được xử lý, thành phố mới đang làm dự án.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, kết quả công tác xử lý ô nhiễm môi trường của TP trong thời gian qua luôn được quan tâm đặc biệt. TP đã hoàn thành 25/25 cở sở xử lý ô nhiễm môi trường theo chỉ đạo của Chính phủ, xử lý 3/3 cơ sở ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng...

TP cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp như kêu gọi xã hội hóa xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, xã hội hóa các công trình cống thoát nước thải, đẩy mạnh tiến độ các dự án xử lý nước thải, bổ sung công suất các dự án xử lý nước thải Hồ Tây, triển khai hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài trong xử lý ô nhiễm ao hồ trên địa bàn bằng công nghệ mới.

Bên cạnh đó, thành phố đã rà soát và đẩy nhanh tiến độ các nhà máy xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, phấn đấu đến hết năm 2017, sẽ xử lý 100% theo công nghệ mới. TP cũng đang triển khai trồng cây xanh kết hợp với giải pháp cơ giới hóa thu gom vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải kết hợp với các biện pháp quản lý chặt chẽ xe chở vật liệu xây dựng. Nhiều dự án như dự án xử lý rác thải theo công nghệ đốt rác và phát điện; xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân đang được tập trung triển khai...

Để đẩy nhanh việc giải quyết ô nhiễm trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ô nhiễm môi trường để các địa phương có căn cứ pháp lý để xử lý cơ sở vi phạm. Đồng thời, thành phố cũng đề xuất bổ sung ngân sách cũng như cơ chế để xử lý ô nhiễm đối với các dòng sông trên địa bàn...