Ở làng văn hóa, khổ hơn ở nhà

ANTĐ - Với tổng diện tích 1.544 ha, trong đó có gần 1.000 ha mặt nước nằm ở phía nam Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, Làng văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam có một vị trí khá đắc địa để trở thành một trung tâm văn hóa, du lịch không chỉ riêng Hà Nội mà còn của cả nước.

Sướng hiện tại và sướng… viễn cảnh

Chợ vùng cao được tái hiện tại Làng văn hóa

Đầu tiên phải khẳng định, mô hình này không mới trên thế giới, nhưng việc không sử dụng diễn viên chuyên nghiệp lại là điểm khác biệt của Việt Nam. Làng văn hóa lựa chọn việc đưa đồng bào dân tộc về làng để chủ thể sáng tạo văn hóa tự giới thiệu về nền văn hóa của mình. Đó cũng là một cách làm hay, để văn hóa được giới thiệu những gì bản sắc nhất, tinh túy nhất. Những ngày đầu, đồng bào các dân tộc - chủ thể sáng tạo các nền văn hóa vô cùng háo hức được tham gia gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Nhiều dân tộc lần đầu tiên được tiếp xúc với văn minh khi ở làng văn hóa hiện đại hơn gấp nhiều lần so với nơi sinh sống của họ. Cứ mỗi khu vực tái hiện của các dân tộc lại được xây dựng khu vệ sinh riêng, sạch sẽ. 

Quanh khu làng có hệ thống camera giám sát 24/7, có hệ thống báo cháy tự động chuyên nghiệp. Các thông tin an ninh luôn được cập nhật kịp thời tại khu Quản lý điều hành văn phòng. Sự hiện đại còn thể hiện ở dự án xây dựng Làng văn hóa. Khi hoàn thành tất cả các hạng mục, chạy quanh làng sẽ có tuyến xe điện dưới bóng cây xanh rợp mát. Một số khu vực còn có cả xe ngựa, có hệ thống đèn chiếu sáng. 

“Đặc sản“ ở Làng văn hóa là cái nắng oi bức kinh khủng. Ở đây có đủ các loại nắng, từ cái nắng chan hòa buổi sáng tinh mơ cho tới cái nắng như thiêu như đốt lúc giữa trưa và ghê gớm nhất là cái nắng xiên khoai khi gần chiều. Những ngôi nhà sàn không thể làm dịu đi nhiệt độ ngày hè ở đây. Đối với đồng bào các dân tộc sinh sống ở vùng cao, nơi quanh năm nhiệt độ ôn hòa, khí hậu mát mẻ khó có thể nhanh chóng quen được với thời tiết như vậy ở Đồng Mô. 

Chuyện ăn uống sinh hoạt cũng trở thành một vấn đề nan giải bởi trong khoảng diện tích hàng nghìn hecta này, tịnh không có bóng một khu chợ, ngoài khu vực tái hiện chợ vùng cao chỉ mang tính chất trưng bày, biểu diễn. Mọi nhu yếu phẩm đều được tích trữ sẵn hoặc phải nhờ nhân viên Làng văn hóa mua hộ. Đồng bào nào may mắn có xe máy đi theo còn có thể sử dụng để đi chợ. Ai không có xe thì đúng là như sống ở nơi mà cái gì cũng thiếu. Vậy hãy cứ chờ đến khi toàn bộ dự án xây dựng Làng văn hóa hoàn thành. Đến lúc ấy Làng văn hóa có lẽ sẽ thật lung linh, cả khu vực sẽ như một thiên đường du lịch và văn hóa tràn ngập tình thân ái khăng khít giữa các dân tộc dù có khác nhau về văn hóa, tín ngưỡng. Có người bông đùa về viễn cảnh ở làng văn hóa: “Ở Làng văn hóa thích hơn ở nhà”… 

Và khổ 

Viễn cảnh thiên đường đó cũng phải mất một thời gian dài mới thành hiện thực. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay chính là việc những cố gắng để gìn giữ văn hóa nơi đây lại đang “giết chết” các chủ thể sáng tạo văn hóa. Việc quy hoạch quá nhiều các dân tộc vào cùng một nơi lại biến Làng văn hóa thành một mớ hỗn độn khiến hướng dẫn viên của Làng văn hóa cũng chưa hiểu hết về làng. Người dân tộc Thái có tục lệ, táng quản (cầu thang lớn ở phía trước) chỉ dành riêng cho con trai và các khách là nam giới, nữ giới phải đi táng chan (cầu thang nhỏ ở phía sau nhà). Ấy vậy mà từng đoàn khách bất kể nam nữ, quần dài hay váy ngắn cứ mặc sức mà đi theo lối cầu thang lớn. Được vài buổi, người dân tộc cũng quen luôn nếp mới, miễn là tiện. Chỉ là chuyện tầm phào về việc chọn cầu thang nhưng chính Làng văn hóa lại đang làm thui chột nét văn hóa dân tộc Thái. Với người Thái, nam giới và nữ giới luôn có sự phân biệt rõ ràng, đã bao đời nay là vậy. Suy nghĩ đó còn ảnh hưởng ngay cả vào kiến trúc nhà sàn của dân tộc Thái. Và đã là nét văn hóa, tập tục từ bao đời, hãy nên gìn giữ cho trọn vẹn. 

Làng văn hóa chỉ như một khu trưng bày về văn hóa. Đồng bào dân tộc về làng sinh sống tuy chỉ thời gian ngắn nhưng cũng dễ bị đồng hóa với văn hóa các dân tộc khác hoặc với nếp suy nghĩ hiện đại của người Kinh. Tất cả như bị dồn nén trong một không gian tưởng như rộng lớn thật ra lại vô cùng nhỏ bé. Chúng ta có tới 54 dân tộc anh em sống trong một mái nhà, nhưng mỗi người lại có tính cách khác nhau, không thể cứ gò bó mà gom tất cả lại một chỗ. Càng không thể nghĩ đến việc kết hợp du lịch với văn hóa theo kiểu như vậy. 

Lúc mới thành lập, đại diện Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam khẳng định, để giữ nguyên vẹn được đặc sắc văn hóa các dân tộc, chúng tôi không muốn lựa chọn những diễn viên chuyên nghiệp mà từ từ xây dựng lớp kế cận, để chính chủ thể văn hóa tham gia gìn giữ văn hóa. Nhưng chủ thể văn hóa có được đào tạo đến mấy mà sinh sống ở một môi trường khác, sử dụng những đồ vật không giống như ở nhà, và tiếp xúc quá nhiều với các nền văn hóa khác thì cũng có ngày bị đồng hóa, mai một. Rồi mai này, khi những người Thái trở về với quê hương sau thời gian sinh sống ở Làng văn hóa liệu có làm hư hoại nền văn hóa bản địa của mình? Cái đó không ai dám nói trước. Có thể lắm chứ! Vậy, ở Làng văn hóa chưa chắc đã sướng hơn ở nhà.