Ổ đón trẻ sơ sinh bị bỏ rơi - tranh cãi pháp lý

ANTĐ - Ở Đức hiện giờ có trên 80 ô cửa tiếp nhận trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Các cơ sở này giúp cứu sống những sinh linh vô tội nhưng cũng vô tình cổ súy cho những bà mẹ nhẫn tâm bỏ con. 12 năm tồn tại nhưng những chiếc “ổ trẻ em” tại Đức vẫn chưa được luật pháp công nhận.

Những mảnh đời vô tội

“Ổ em bé” nằm khuất sau một bãi đỗ xe, trông giống như một ô cửa sổ hiện lên giữa bức tường trắng của một phòng khám ở thị trấn Erbach im Odenwald, bang Hesse của Đức. Mới xuất hiện kể từ giữa tháng 3 năm nay, chính là nơi mà ai đó có thể bí mật để lại một trẻ nhỏ, thường là trẻ sơ sinh, chiếc ổ được thiết kế sao cho khi em bé được đặt qua khe cửa, người ta không thể mở từ bên ngoài được. Sau cánh cửa đó là một chiếc cũi trẻ em. Hệ thống chuông báo động vang lên khi em bé xuất hiện, đèn nhiệt báo hiệu sự sống của đứa trẻ. Sau 8 tuần mà không thấy người nhà đến nhận, đứa trẻ có thể được cho làm con nuôi.

Còn ở Fulda, một thành phố khác của Hess, bà Gisela Buhl, nhân viên của Dịch vụ Phúc lợi Phụ nữ Công giáo (SKF) cho biết, trong vòng 11 năm qua, 13 trẻ đã được tìm thấy tại 3 địa điểm dành cho trẻ bỏ rơi mà bà phụ trách. Trên bàn trước mặt bà Gisela Buhl là cuốn sổ dán đầy ảnh các bé sơ sinh, trẻ mới biết đi và các em bé độ tuổi đi học chụp cùng cha mẹ nuôi của chúng. “Tất cả số trẻ này đều từng bị bỏ rơi ở chỗ chúng tôi. Giờ đây, chúng đang có cuộc sống tốt đẹp”. 

Trên khắp nước Đức hiện có 80-90 địa điểm dành cho trẻ bỏ rơi (tiếng Đức gọi là Babyklappe). Trong nhiều trường hợp, đứa trẻ bị bỏ lại do mẹ chúng bị lạm dụng, lỡ có thai mà phía “đối tác” từ chối, hoặc là mẹ không có khả năng nuôi con. Ngay đầu tháng 7, một em bé chừng vài giờ tuổi được đặt ngay trước đồn cảnh sát ở thị trấn Schöningen vùng Lower Saxony. Hay như một câu chuyện khiến bà Friederike Garbe, 67 tuổi, phụ trách một chiếc “ổ trẻ em” ở thành phố Lubeck 12 năm qua đến nay vẫn bị ám ảnh. Hôm đó là trưa chủ nhật một ngày đầu tháng 11-2011, bà Garbe bỗng nghe tiếng trẻ khóc. Trong chiếc nôi có kích thước 80x60cm, ai đó đã đặt không phải là một, mà là hai đứa trẻ, đó là 2 cậu con trai 15 và 4 tháng tuổi. Bé lớn đã biết gọi mẹ. Tung tích của bọn trẻ đã được tìm thấy, mẹ chúng là một phụ nữ 23 tuổi sống ở bang Brandenburg, cách Lubeck khoảng 340km nhưng bà mẹ đã mất tích. Bà Garbe vẫn nghĩ nếu không có nơi này, có lẽ bọn trẻ sẽ bị bỏ lại ở nơi nào đó nguy hiểm hơn.

Rõ ràng đó là những cơ sở có thể cứu sống các sinh linh vô tội, thậm chí các nhà tội phạm học cho rằng, kể từ ngày ra đời các “ổ trẻ em” (ở Đức cơ sở đầu tiên được mở lại cách đây 12 năm), số lượng trẻ sơ sinh bị giết hoặc bị bỏ rơi ngay sau khi sinh đã giảm đáng kể. Trong một nghiên cứu công bố mới đây, giai đoạn từ năm 2000 đến tháng 5-2010, đã có 278 trẻ em được tìm thấy trong các địa điểm dành cho trẻ bị bỏ rơi. Số liệu đó thực tế có thể cao hơn.

Khó công nhận hợp pháp

Dư luận Đức thời gian gần đây có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Những người ủng hộ, như tổ chức Sternipark ở Hamburg, họ quảng bá “ổ trẻ em” với phương châm “Không nghi vấn, không nhân chứng, không cảnh sát”. Khai trương nơi đón trẻ bị bỏ rơi đầu tiên vào tháng 4-2000, đến nay Sternipark đã mở rộng thành 3 địa điểm và đã cứu sống 41 trẻ. 

Ngược lại, những câu hỏi về mặt pháp lý và đạo đức cũng được đặt ra: Liệu đứa trẻ sau này có thể tìm lại được nguồn gốc gia đình của nó, vì đó là quyền của mỗi người? Còn quyền của người cha thì sao, nếu như người mẹ bỏ con mà “đối tác” không hề biết. Cũng có người cho rằng sự tồn tại các “ổ trẻ em” này tạo nên thông điệp sai lầm khi những phụ nữ lầm lỡ chọn cách giải quyết đơn giản: Chỉ cần chờ con sinh ra là có thể bỏ lại nó. Thực tế có những giải pháp thiết thực và nhân đạo hơn, chẳng hạn một số tổ chức xã hội có thể cung cấp nơi trú ngụ cho cả mẹ và con, nếu cần thiết cũng có thể cho làm con nuôi mà vẫn giữ kín bí mật cho người mẹ.   

12 năm tồn tại nhưng những chiếc ổ đón trẻ bị bỏ rơi ở Đức vẫn chưa được công nhận hợp pháp bởi vẫn chưa có một khuôn khổ pháp lý rõ ràng về điều này. Về danh nghĩa, vấn đề này thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Gia đình Đức Kristina Schröder, 34 tuổi. Bộ Gia đình Đức đã thảo luận để trình dự thảo luật đầu tiên về 

“ổ em bé”. Hồi tháng 3-2012, các chuyên gia của Bộ trưởng Schröder chủ trương một lập trường cứng rắn: “Dung túng cho “ổ em bé” có nghĩa là dung túng cho những hành động bất hợp pháp”. Tuy nhiên, Bộ này có thể phải “xuống nước” trong kế hoạch sẽ đệ trình vào mùa thu 2012 bởi họ ngần ngại phải đối đầu với những ý kiến phản đối. Vì thế, “số phận” của những “ổ em bé” sẽ được định đoạt rõ ràng trong vài năm tới.