Ở đâu có miễn phí, ở đó có tranh cướp?

ANTĐ - Một màn leo trèo rào sắt "như trong phim" vừa diễn ra ở Công viên nước Hồ Tây sáng nay 19-4-2015. Nguyên do cũng là bởi, để giành cho được một suất miễn phí vào cổng Công viên nước.

Cả nghìn người đã đổ về Công viên nước Hồ Tây để nhận vé vào cửa miễn phí nhân kỷ niệm 15 năm công viên này ra đời. Thời gian khuyến mại có hạn, chỉ từ 8-10h sáng. Khách đến đông đột xuất, quá tải, công viên bèn đóng cửa. Thế là bất chấp những nguy hiểm từ hàng rào sắt nhọn hoắt, những đứa trẻ mới chỉ lên 5 lên 3 được bố mẹ bế bồng, nâng đẩy cố sức trèo vào. Những cô gái mới chỉ đôi mươi xúng xính váy áo cũng trèo, mặc cho ở dưới trăm nghìn con mắt của nam phụ lão ấu nhìn hất lên. Nhiều cô khi trèo qua được hàng cọc sắt nhọn, đã bị rách tan cả váy lẫn quần. Ấy thế mà vẫn cứ kiên quyết trèo. Màn trèo leo còn được tham dự bởi các cô gái trong trang phục bikini. Mỗi bước nhấn lên của các cô gái, đám đông ở dưới hò hét cổ vũ, tiếng hò hét hệt như liều doping về tinh thần, tạo động lực cho các “vận động viên” gắng sức nhiệt tình đua tranh cho bằng được.

Ở đâu có miễn phí, ở đó có tranh cướp?  ảnh 1

Màn leo trèo khó tin này chỉ là bởi để tranh 1 suất miễn phí! 
Thật không thể tin nổi, màn vượt rào bất chấp nguy hiểm, đánh cược cả sự kín đáo, duyên dáng nữ tính kia chỉ là để giành cho được một suất tắm miễn phí ở Công viên nước. Thế mới thấy cái sự miễn phí kia (dù chẳng đáng là bao) nó hấp dẫn con người ta đến độ lú lẫn, mù quáng. Một vài người tham gia cuộc vượt rào đầy tai tiếng này bảo, đã đến đây (Công viên nước) thì kiểu gì cũng phải vào, cho bõ cái công đi lại. Ngẫm ra, có khi cái tâm lý đám đông quyết được-thua chính là nguyên nhân, chứ cũng chẳng phải lỗi do giáo dục hay xuống cấp về văn hóa, mà những thí dụ nhãn tiền về sự “ăn thua đủ” này vốn xưa nay có đầy. Liệt kê ra khéo cả ngày cũng không hết.

Ở đâu có miễn phí, ở đó có tranh cướp?  ảnh 2

Hơn thua ở chỗ, dừng xe chờ đèn đỏ cũng phải cố ngoi lên, hơn nhau chỉ nửa bánh xe thôi cũng đắc thắng rồi. Xếp hàng thì chen ngang, chen được thì hỉ hả, phấn khởi như mình vừa cứu được cả thế giới khỏi “Ngày tận thế”. Sự hơn thua còn ở chỗ “tao được còn mày không” thế là cướp hoa anh đào trong Lễ hội Nhật Bản mấy năm về trước. Những người bạn Nhật Bản khi chứng kiến màn cướp hoa hẳn phải ngỡ ngàng kinh ngạc, bởi đất nước họ, trong cơn động đất sóng thần năm 2011, dù đói, rét, cận kề cái chết họ vẫn cứ trật tự xếp hàng chờ đến lượt mình.

Ở đâu có miễn phí, ở đó có tranh cướp?  ảnh 3

Năm 2013, Hà Nội thanh lịch đã từng phải chứng kiến một sự việc xấu hổ khác, lần đó là vì miếng ăn. Để được vài miếng shushi miễn phí tại một cửa hàng mới mở trên phố Đoàn Trần Nghiệp, cả nghìn người chen lấn xô đẩy, mạt sát chửi bới nhau. Tục ngữ xưa có câu “Miếng ăn là miếng tồi tàn”, chen nhau đến bẹp ruột chỉ vì một miếng ăn, một miếng nhục, không hiểu như thế có đáng?

Ở đây, cũng vẫn là sự hơn thua, tâm lý “khôn vặt” của người Việt ta bao nhiêu năm qua. Đầu năm 2015, người dân TP.HCM cũng được tận thấy một màn xô đẩy cướp giật suất ăn miễn phí cùng các món đồ chơi hình con vật và huy hiệu… ở một cửa hàng bán đồ ăn nhanh. Nghe đâu, màn tranh cướp đó có cả thảy 10 nghìn lượt người. Trước đó, vào năm 2010, trong một cuộc hội thảo về văn hóa cũng có màn phát sách miễn phí. Các diễn giả và người tham dự, phần lớn “bằng cấp đầy người”, cũng cố chen lấn giằng giật sách. Lại cũng là tội: Miễn Phí”!

Bất chấp sự sợ hãi của cô bé, vị phụ huynh này vẫn thản nhiên leo rào

Thi thoảng dư luận sôi sục lên, lúc thì bởi phụ huynh đạp đổ cổng trường để xin học cho con, khi khác là dẫm đạp lên nhau đến ngất xỉu để cướp ấn hòng thăng quan tiến chức… Sau mỗi lần “văn hóa bị chà đạp” đó đa phần từ các nhà đạo đức học, giáo dục học, văn hóa học, xã hội học… đều lên tiếng lý giải nguyên nhân. Người ta vẫn thường nói, bố mẹ như tấm gương để con trẻ soi vào mà học hỏi. Và chúng, những đứa trẻ khi còn nhỏ đều coi bố, mẹ là thần tượng, là “chuẩn” cho mọi đúng sai. Một khi chuyện giành giật suất ăn miễn phí, hay trèo rào vào công viên vì suất tắm miễn phí... được các bậc cha mẹ coi là bình thường, thậm chí cổ vũ con cái cùng làm, thì có lẽ sau này, chúng ta- người Việt Nam lại có thêm một thế hệ vì sự miễn phí mà bất chấp tất cả chăng?

Bao giờ cũng thế, dư luận thường sục sôi lên một lúc, rồi nguội dần mọi chuyện chìm khuất vào quên lãng, để rồi một thời gian sau lại có thêm chuỗi các hành động kỳ quặc mới mẻ, thường thì “sự kiện” sau bao giờ cũng gây choáng hơn “sự kiện” trước. Trong khi những “hành động kỳ quặc” có vẻ như không có điểm dừng.